Ngã ba Đông Dương - ám ảnh tại chốn thiên đường sắp mất
Tôi từng qua lại và gắn bó với người Brâu ở Ngã ba Đông Dương từ khá lâu, nơi đàn ông cà răng, đàn bà căng tai - dân tộc có số lượng ít vào hàng “đội sổ” trong đại gia đình các dân tộc Việt.
Biểu diễn chiêng tha, sau khi bôi tiết gà lên chiêng.
Bà con chỉ chủ yếu sinh sống duy nhất ở thôn Đắc Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Bản sắc văn hóa sặc sỡ, sự hoang sơ quyến rũ kỳ lạ của cộng đồng chỉ có vài trăm người này đang mai một từng ngày.
Mỗi lần rời Đắc Mế, tôi lại nghe tin buồn về những miếng ngà voi tròn, vân vi cực đẹp úp vào vành tai (chảy lõng thõng đã “căng” rộng hoác) của các cụ bà Brâu bị bán đi, rồi những chiếc chiêng quý bị mất trộm, bị bán cho tư nhân hoặc cho… bảo tàng nhà nước.
Gương mặt được coi là quyền quý của người phụ nữ Brâu, với nhiều hình xăm
Lại nữa, những người đàn bà quyền quý, từng nức tiếng xinh đẹp, kỳ bí với hình xăm đen vòng quanh mặt, quanh cằm, trên trán… cứ chết dần. Trẻ em lớn lên, đeo gùi có chữ “I love you” và chụp ảnh giơ 2 ngón tay hình nhữ “V” (Victory) lên giời rồi “bái bai” du khách, như thấy ở bất cứ cộng đồng nào khác. Vẫn biết, quy luật ấy là khó tránh khỏi, nhưng không hiểu sao lòng cứ tiếc nuối, trăn trở mãi thôi…
Thèm nhớ thuở hoang sơ
Khoảng 15 năm trước, trong một chiều dông gió ì oàng sấm nổ, tôi đến thôn Đắc Mế sau hành trình kinh hoàng vượt đèo dốc với những cung đường đất đỏ xa biền biệt. Cán bộ đồn Biên phòng Bờ Y bảo, không khí nơi này u uất, nặng nề, hại sức khỏe, vì chất độc hóa học từ hồi Ngã ba Đông Dương còn là túi bom đạn của 3 nước láng giềng còn tồn dư quá nhiều. Thỉnh thoảng dân thôn hoặc cán bộ thi công nào đó lại đào được… 1 thùng.
Trẻ em Brâu rất hiện đại. |
Tôi nói, tôi đã đi xuyên qua ký ức và hàng nghìn cây số để đến đây. Bởi với người làng tôi, Ngã ba Đông Dương đồng nghĩa với những gì ác liệt nhất trong cuộc chiến chống giặc Mỹ. Những “Đồi thịt băm” trong “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, những “Sân bay Phượng Hoàng” ác liệt, rồi núi xương sông máu vùng Đắc Tô - Tân Cảnh, tất cả đều quanh quẩn xung quanh. Suốt mấy chục năm qua, bà con nườm nượp đi rà nhặt phế liệu rồi bị bom đạn nổ tan thây hoặc trở về trong đói khát lại hoàn đói khát… - thế mà “di vật” cuộc chiến vẫn còn đầy rẫy.
Có ông ở thị trấn Play Kần, giữa trưa tát ao nhà mình mà cứ ngỡ gặp ác mộng, khi thấy đám bèo tú hụ nhô lên mặt ao mà không chịu rút xuống theo mức nước vừa bị máy bơm hút dần. Trời ạ, 1 chiếc xe tăng, với tháp pháo lấm bèo đứng… dưới ao nhà không rõ tự bao giờ. Có mấy anh công nhân trồng caosu cuốc phải bom Mỹ, “oàng!” - không một miếng thịt lành lặn.
Và đêm hôm ấy, tôi vào bản Đắc Mế, người Brâu đã đón tôi với sự thân thiện rơi nước mắt. Đàn ông đóng khố, đàn bà ngậm tẩu thuốc lớn, vành tai thõng chảy, lỗ tai “căng” duễnh doãng 2 miếng ngà voi to gần bằng miệng cái cốc uống bia hơi. Không ai chấp nhận sát hại voi rừng hoặc voi nhà lấy ngà nữa. Nhưng, những miếng ngà vân vi tuyệt sắc đó là thứ gia bảo truyền từ nhiều đời “chế độ mẫu hệ” của người Brâu, quả là nó rất - rất - đẹp. Nó đã hiện diện như là một phần không thể thiếu của cơ thể những người phụ nữ mà tôi đã gặp kia, kể từ khi các nàng bước vào tuổi 16.
Miếng ngà voi căng tai đang được giới sưu tầm săn lùng
Mặt các mẹ đều xăm chi chít, xăm bằng cách chọc gai rừng cho máu chảy lêu lao khắp gương mặt vừa tuổi trăng tròn, rồi kỳ công ủ nhựa cây núi. Chao ôi, mỗi người cầm một cái đuốc lồ ô ngùn ngụt cháy, họ giơ lên giời, thắp lửa soi cho tôi ghi chép vào sổ tay rồi chụp ảnh. Có người còn nói: “Soi xem mặt cái nhà báo nó ra sao”, nụ cười thân thiện đến ám ảnh. Có người đàn bà mẫu hệ quyền quý, quyền lực, đã lấy hai ông chồng. Có bộ quần áo làm bằng vỏ cây đập dập rồi chằng bó thành khố che thân.
Một người phụ nữ Brâu đau khổ sau khi bán mất hai miếng ngà voi ở lỗ căng tai, nay phải nhét vào đó hai cái nắp chai nước suối Lavie
Có bộ chiêng tha là báu vật của trời, làm bằng thứ vật chất mà không thuộc về một nguyên tố hóa học nào trên thế gian này (bà con tin thế), đơn giản, nó đã được các vị thánh khổng lồ từ thiên đình bay xuống, trao cho tổ tiên người Brâu, được “ăn gà, ăn lợn”, uống máu lợn, máu gà để sống (bằng cách thoa tiết con vật lên mặt chiêng). Bấy giờ, tôi đã phải thốt lên trong cuốn sách của mình: “Ngã ba Đông Dương, viết ra kẻo nữa rồi quên”.
Mất báu vật vì phải đem chôn ra rẫy?
Đều đặn mấy năm nay tôi đều trở lại thôn Đắc Mế. Anh cán bộ huyện Ngọc Hồi đưa ra bản báo cáo dài thượt rồi cười cười nói: Chúng tôi còn khó khăn, may thay, có người Brâu là “dân tộc của Trung ương” nên được ưu tiên rất nhiều.
Cộng đồng quá thiểu số với vài trăm người trên toàn cõi Việt Nam này đã được nhà nước cấp phát từ chăn màn, bát đĩa, rồi nước, phân, giống má, rồi trâu bò, điện đường trường trạm, cả nhà văn hóa lẫn nhà rông to đùng, rồi bảo tồn từng điệu múa, từng tiếng chiêng.
Đường làng thênh thang, kiên cố cả rồi, xe ôtô đúng là đến từng nhà, nhà nào cũng “nhà nước xây cho” nên cùng một mô-típ. Ruộng nhà nước san ủi cho, nên bằng phẳng lắm. Cây càphê, cây caosu, cây bời lời, cũng nhà nước bảo trồng, nhà nước cấp phân bón nên nó đang lên khá tốt. Tuy nhiên, bản sắc và sự thuần phác của người Brâu, thì đôi khi đã “hương đồng gió nội bay đi quá nhiều” vì cái gọi là sự phát triển đó.
Chẳng ai muốn bà con mình đóng khố vỏ cây hay ở nhà gianh tre giữa rừng hoang núi thẳm, ăn củ nâu củ mài tránh chết đói rồi chiến đấu với thú dữ mãi. Nhưng cái giá của sự phát triển mà đánh đổi bằng sự biến mất vĩnh viễn của các giá trị muôn một của tổ tiên như thế, thì cũng cần phải xem lại chứ?
Niềm tin tâm linh thì chưa mất. Ngã ba đường vào thôn, rất nhiều cây “bùa chú” được dựng lên. Người ta làm những tua rua bằng tre răm rối, đan những cái giỏ tre xinh xắn, giỏ được đặt trên cột cây cao bằng đầu gối người đi bộ. Trong cỏ rả xung quanh, có rắc rất nhiều gạo trắng.
Mất báu vật vì phải đem chôn ra rẫy?
Đều đặn mấy năm nay tôi đều trở lại thôn Đắc Mế. Anh cán bộ huyện Ngọc Hồi đưa ra bản báo cáo dài thượt rồi cười cười nói: Chúng tôi còn khó khăn, may thay, có người Brâu là “dân tộc của Trung ương” nên được ưu tiên rất nhiều.
Cộng đồng quá thiểu số với vài trăm người trên toàn cõi Việt Nam này đã được nhà nước cấp phát từ chăn màn, bát đĩa, rồi nước, phân, giống má, rồi trâu bò, điện đường trường trạm, cả nhà văn hóa lẫn nhà rông to đùng, rồi bảo tồn từng điệu múa, từng tiếng chiêng.
Đường làng thênh thang, kiên cố cả rồi, xe ôtô đúng là đến từng nhà, nhà nào cũng “nhà nước xây cho” nên cùng một mô-típ. Ruộng nhà nước san ủi cho, nên bằng phẳng lắm. Cây càphê, cây caosu, cây bời lời, cũng nhà nước bảo trồng, nhà nước cấp phân bón nên nó đang lên khá tốt. Tuy nhiên, bản sắc và sự thuần phác của người Brâu, thì đôi khi đã “hương đồng gió nội bay đi quá nhiều” vì cái gọi là sự phát triển đó.
Chẳng ai muốn bà con mình đóng khố vỏ cây hay ở nhà gianh tre giữa rừng hoang núi thẳm, ăn củ nâu củ mài tránh chết đói rồi chiến đấu với thú dữ mãi. Nhưng cái giá của sự phát triển mà đánh đổi bằng sự biến mất vĩnh viễn của các giá trị muôn một của tổ tiên như thế, thì cũng cần phải xem lại chứ?
Niềm tin tâm linh thì chưa mất. Ngã ba đường vào thôn, rất nhiều cây “bùa chú” được dựng lên. Người ta làm những tua rua bằng tre răm rối, đan những cái giỏ tre xinh xắn, giỏ được đặt trên cột cây cao bằng đầu gối người đi bộ. Trong cỏ rả xung quanh, có rắc rất nhiều gạo trắng.
Bùa chú của người Brâu. |
Các khúc tre, khúc gỗ và những “linh vật” gì lít nhít trắng đen được bỏ trong giỏ. Giỏ đính trên cọc, nên phải có cái cây thật thẳng, ở đó đẽo mấy chục các bậc đều tăm tắp để “chư vị thần linh” từ mặt đất, đi theo đó lên “đỉnh trời” hưởng đồ tế lễ? Trong làng dựng rất nhiều cây nêu và treo các bộ xương, răng thú rừng.
Nhiều nhà có cúng, cúng liên tục. Cúng là phải rượu thịt, rượu cần phải hũ to như cái lu đựng nước, rượu đã hút một vòi đổ thêm một vò nước lã thì… phải uống cho đến bao giờ rượu nhạt thì thôi. Uống bỏ phí rượu thiên đình ban tặng là có tội. Rượu nhạt thì tất cả thôn nam phụ lão ấu đều… mặn rượu, say túy lúy rồi. Bà con nghèo đi, lười đi, cùn đi vì các lễ cúng, vì rượu.
Trưởng thôn Thao Lợi thở dài: Bà con phải làm “kiêng” (tức là cúng) nhiều lắm. Mùa vụ đến, lúc gieo hạt, lúc cây lúa lớn, lúc người đau ốm, lúc dựng nhà sửa nhà, cái gì cũng phải làm “kiêng”. Lúc rước chiêng, tha trống đi đâu cũng phải làm kiêng. Chiêng nó đòi “ăn” gà ăn lợn, lấy huyết bôi lên chiêng, nó ăn nhiều quá. Dính cái chiêng mà linh hồn nó quá “tham”, không cho ăn thì bà con tin rằng linh hồn của chiêng tha sẽ bay đi mất, nên họ phải giết gà lợn rồi bôi tiết của vật hiến tế lên chiêng.
Bà con nghèo đi vì nó, nên người ta đem chôn chiêng ra ngoài rẫy, ngoài đồng. Chiêng tha quý giá nhất của người Brâu bị người Hà Nội và người khắp nơi đến đòi mua. Bà con đói thì bán, hoặc không bán thì bị kẻ xấu lấy trộm theo “đơn đặt hàng” của đám con buôn. Hoặc sợ chiêng “ăn” mất nhiều gà nhiều lợn quá, bà con (theo phong tục) đem chôn chiêng ra ngoài rẫy rồi quên vị trí nên mất luôn. Mất chiêng tha là báu vật của người khổng lồ ở trên thiên đình ban cho tổ tiên người Brâu, nay bị mất, bà con uất hận lắm. Nếu phải cắn răng bán thì cũng đau cả đời.
Thao Lợi bảo, chiêng tha lúc nào cũng cần ở bên người Brâu, “khi đưa lúa vào đất (gieo hạt) thì đánh chiêng, lúc gọi linh hồn người về rừng (đám tang) thì đào chiêng lên đánh, đợi đến lúc lúa cao khoảng 50cm thì cũng nhờ chiêng gọi hồn lúa, hồn mỳ (sắn), thần củ quả về với dân thôn, đem lại sự sinh sôi cho cây cỏ, đem no ấm cho dân thôn. Lúc đem lúa, mỳ, củ quả về nhà, lại mời thần chiêng đến ăn tiệc trả ơn”.
Trưởng thôn Đắc Mế và nghệ nhân đánh chiêng Thao La cùng thống kê: Cách đây chưa lâu, thôn có 15 bộ chiêng tha, sau bị mất trộm, bị bán chác đi, bị đem chôn không nhớ chỗ để đào, nghe nói còn 12,5 bộ (mỗi bộ 2 chiếc). Nhà nghệ nhân Thao X., vừa rồi “bán cho Hà Nội” 1 bộ, anh em lấy tiền chia nhau kiểu “công bằng trong thừa kế”.
Bộ khác thì bán cho bảo tàng nọ ở địa phương, với giá 70 triệu đồng. Còn các bộ vòng đeo tay, đeo chân (mỗi tay mỗi chân có thể hàng chục cái vòng) của phụ nữ Brâu thì bị lùng mua rất nhiều. Đặc biệt các tẩu hút thuốc, hiếm người phụ nữ Brâu (lớn tuổi) nào không ngậm tẩu phì phèo và các cái miếng ngà voi lồng trong lỗ “căng” tai - chúng bị săn lùng mua rất ráo riết. Bà con bán lúc đầu 500 nghìn đồng/ miếng ngà voi, sau bán vài triệu, giờ 5 triệu/miếng cũng không ai dám bán.
Nhiều người đã hiểu, đó là bảo vật của gia đình, dòng họ, bán vài triệu tiêu vèo cái hết, lúc sờ lên cái tai dài thõng không có gì cài ở đó, xấu hổ lắm. Nhưng lúc hiểu thì đã cơ bản mất hết rồi. Người nào lỗ tai bé thì họ đút cái nắp chai Lavie thay thế vào chỗ mà hơn nửa thế kỷ qua miếng ngà voi đã luôn ngự trị. Lỗ nào mà chủ nhân lười biếng thì cứ kệ nó chảy dài, lõng thõng. Người lỗ tai to thì đút cả cái ống lồ ô lớn. Nhiều người tiện thể dùng cái khúc lồ ô to bằng miệng cốc cắm ở hai bên lỗ căng tai (2 tai) làm một… cái túi đựng thuốc lào. Họ hút tẩu hết, hắt bỏ tàn thuốc, rồi thò tay lên tai vê một cục “tiêm” lửa vào mà… ngây ngất.
Ai đã làm mất đi sự hồn hậu?
Người Brâu vốn ở trong rừng sâu, ở giáp ranh 3 nước Lào, Campuchia, Việt Nam. Cộng đồng người Brâu ở nước ta đã đối mặt với quá nhiều mai một bản sắc do bị di chuyển chỗ ở nhiều lần, do quá trình hiện đại hóa mọi thứ. Giờ đây chúng tôi có thể lái xe rèo một cái dọc đường Hồ Chí Minh, vào cửa khẩu quốc tế Bờ Y, ra tận chỗ cột mốc 3 cạnh, mỗi cạnh ngoảnh về một quốc gia Việt - Lào - Campuchia. Hiện đại thì dễ mai một bản sắc, nhưng không ai nghĩ người Brâu giờ lại hiện đại và “cơ chế thị trường” đến mức ấy.
Nhà thơ Tạ Văn Sỹ, một người Kon Tum, yêu Kon Tum như máu thịt đã thống kê trong sách của mình, rằng đã có ít nhất 6 cuộc “thiên di” với cộng đồng Brâu quá nhỏ bé kia. Mỗi lần chuyển làng được tổ chức cẩu thả như thế, các giá trị truyền thống người Brâu bị rơi mất… cơ bản. Thao Lợi thống kê các lần cháy làng, nghe mà rợn người: Năm 1976, chuẩn bị tuốt lúa (tháng 10) thì làng cháy hết; lúc đang tỉa lúa năm 1982, chả hiểu sao làng lại phát hỏa; đến năm 1992, mùa đốt rẫy, lửa lan vào làng và thiêu hủy sạch sành sanh. Đồ vật bằng giấy, gỗ, tre nứa tiêu tan hết đã đành, đến cả chiêng lớn bé, trống lớn bé, cả các cái ghè rượu, các nồi 8 (đựng được 1 con trâu), nồi 9 (nấu được 2 con trâu)… tất cả đều biến mất.
Có người bảo, lúc cháy nhà kẻ xấu ăn trộm; có người bảo, lửa làm hỏng tuốt tuột. Tiếc nhất là những cái nồi nấu được tới 6 con trâu, người già ở Đắc Mế ai cũng tiếc, nghe đâu, nó đã bị thất lạc sang tận bên… Lào. “Không biết bằng cách nào mới lấy lại được vật quý ấy, nhà báo nhỉ?” - Thao Lợi thở dài bần thần nói. Nghệ nhân Thao La thì bức xúc: “Bọn Hà Nội các ông vào đây thu mua hết vật quý của bà con chứ còn ai nữa!”.
Cái đáng buồn không kém là một số bà con đang du nhập lối sống mới rất nhanh. Chúng tôi cần quay phim, chụp ảnh một cái lễ hội, lập tức gà được giết, rượu cần được khênh về, họ làm ào ào mà không trao đổi trước gì cả, đến lúc thanh toán ai nấy ngã ngửa: Riêng “món cơ bản” đã 1,5 triệu đồng. Chưa kể bao nhiêu chi phí, công cán cho người già, nghệ nhân, trẻ em, phụ nữ khác. Thế rồi vài người còn cãi nhau vì mức chia tiền trước mặt khách, bỏ không thèm dự tiệc.
Khách ra về, họ lại ầm ĩ chè chén cả cái ngày hôm đó. Lại nữa, chúng tôi phỏng vấn ai xong cũng bị xin tiền. Có người không nói ra, cứ bần thần đi theo nhà báo cho đến lúc nhà báo chợt “hiểu ra” thì… mới thôi. Có người già gợi ý tiền, chúng tôi cho kiểu “kính già già để tuổi cho”, một cô gái trẻ lập tức lanh lảnh chê ít, bĩu môi dè bỉu. Có đám làm “kiêng”, khách đến thì gia chủ bả lả mời rượu, rồi xin tiền. Đặc biệt là những người tây tây rượu, họ xin trắng trợn. Có người đi rà phế liệu bị cụt chân hay thương binh gì đó, ông ta cứ ồn ào nói chuyện chúng tôi có trách nhiệm phải cho tiền, rồi ông lăn lộn cầm cái gậy, nhảy lò cò ngã dúi dụi đi theo khách để mè nheo.
Nhiều người Brâu suốt ngày tiệc tùng, cúng bái, xin tiền khách du lịch. |
Vài cô bé bắt đầu thiếu nữ, ăn mặc hở hang tắm bên kênh mương thủy lợi đục ngầu do “nhà nước đầu tư”, các em ít nói ra chuyện xin tiền, nhưng khách ý tứ cho khi chụp ảnh thì… vui vẻ nhận. Nhận mãi thành thói quen rồi và các em vẫn có ý chờ đợi. Du khách làm hư một số người Brâu ấy, hay họ biết tự làm hư họ nhỉ? Hôm sau tôi trở lại, xin đâu được mấy lon bia, các cháu chạy thẳng ra quán tạp hóa ở đầu thôn, đổi bia lấy… tiền, với phong cách học đòi cực kỳ đáng lo ngại.
Thanh niên đầu xanh đầu đỏ, xe máy thì có lẽ đến 80% trông như bộ khung sắt gỉ sau quá trình “độ chế” để chở hàng, chở gỗ lậu xuyên ba quốc gia. Họ - những công dân biên giới chứng minh thư màu xanh - cứ lao như những chiến xa của siêu nhân trên đường “cao tốc” ra cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tiếng gào rú đinh tai nhức óc.
15 năm gắn bó ấy, tôi đã thăm, và chứng kiến phút gần đất xa trời của không ít người phụ nữ quyền uy như pho sử sống của xã hội mẫu hệ Brâu. Họ đã lần lượt ra đi. Họ mang theo những gương mặt đen nhẻm thiêng liêng vì xăm trổ cổ xưa, đem theo hai lỗ căng tai từng gắn hai miếng ngà voi vân vi tuyệt đẹp, mang theo xiết bao huyền thoại người của núi rừng Ngã ba Đông Dương.
Và hôm nay, trong cơn lốc biến mất của cả hệ thống những chiếc vòng chân vòng tay, của những miếng ngà voi gia truyền tuyệt mỹ, của những bộ chiêng tha thiên đình tặng tổ tiên người Brâu - tôi lại gặp một người đàn bà Brâu xăm mặt khác. Cũng buồn hiu hắt như thế. Bà là một quý tộc xưa (càng xăm trổ nhiều, càng căng tai rộng thì càng giàu có, quyền uy). Nhưng bây giờ bà ở một mình, hằng ngày đi ăn xin trong xóm, ở trong nếp nhà thưng gỗ mục. Cạnh giường của bà là một chiếc quan tài dự trữ vàng ruộm.
Khi bà tắt thở, người ta chỉ lăn bà một cái là bà và rất nhiều giá trị khác sẽ vĩnh viễn ra đi. Bây giờ lưỡi bà đã đầy ú trong miệng, lại nhớ năm ngoái, tôi gặp cụ xăm mặt Nang Gâu, bà cũng yếu ớt ngần này. Lần nào rời Đắc Mế, tôi cũng gặp những cuối chiều nắng quái của miền đất đỏ, nhưng lần này, sau khi những miếng ngà voi đẹp bị “thu mua” mất hết, tôi còn bị ám ảnh bởi ánh sáng vàng vọt cuối chiều của cỗ quan tài trong căn nhà người quyền quý ăn xin sống qua ngày ấy…
Bà Y Pan, hiện là Ủy viên trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, 1 trí thức, 1 cán bộ có uy tín là người Brau, hiện đang sống ở thôn Đắc Mế, tiếc nuối nói: Vào năm 1990, ngoài 1 gia đình được ăn học với truyền thống từ trong chiến tranh, còn lại 100% người dân Đắc Mế mù chữ. Bây giờ trẻ em được đến trường, người Brau có 4 em học cao đẳng, nhưng việc vận động các cháu không bỏ học còn rất khó khăn. Tâm huyết với báu vật chiêng tha và các cổ vật gắn bó với dân tộc mình, tôi đã kêu gọi người dân đừng bán chiêng tha đi, đừng bán kỷ vật của tổ tiên đi. Vì chiêng tha là vật quý, là một nơi lưu giữ văn hóa, bản sắc dân tộc mình. Chiêng tha còn là chốn nương tựa, nơi neo giữ niềm tin tâm linh để chúng ta tiến tới sự ấm no và hạnh phúc. |
Theo Đỗ Doãn Hoàng
Lao Động