1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nét đẹp “khất thực” đầu năm của người vùng cao

(Dân trí) - Không biết tự bao giờ, khi mùa xuân về, ngày Tết đến với muôn nhà, người Vân Kiều, Pa Cô ở vùng cao Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) lại lũ lượt xuống núi, hoà mình vào phố xá để “khất thực” đầu năm.

Ngày xuân đi “khất thực”

 

Khoảng thời gian từ mồng 1 đến mồng 10 Tết Nguyên đán, hàng trăm đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều ở các bản phân bố trong vùng ven của thị trấn Lao Bảo bắt đầu “rậm rịch” xuống núi xin lộc xuân đầu năm! Bởi người vùng cao quan niệm rằng trong những ngày xuân, để có nhiều may mắn, tất cả các thành viên trong gia đình không phải lao động gì cả.

 

Từ sáng sớm mồng một, tại các bản Khe Đá, Katang, Ktup, Hà-Lệt…bà con dân bản chuẩn bị tay nải để đựng quà do những gia đình khá giả ở thị trấn biếu tặng.

 

Năm nào cũng thế, cứ sáng mồng 1 mồng 2, bà Hơ Riêng lại cùng những người con, người cháu của mình rời bản đến những gia đình ở thị trấn Lao Bảo để nhận lộc đầu năm. Năm nay, bà chuẩn bị nhiều tay nải hơn vì số con cháu của bà đông hơn. Gia đình Hơ Riêng một năm trở lại đây công việc làm nương rẫy khá thuận lợi, gia đình đã đủ ăn chứ không phải chạy từng lon gạo như năm trước. Nhưng dù sung túc hay đói kém, việc đi khất thực đầu năm vẫn diễn ra.

 

Bà tâm sự: “Năm nào mình cũng đi xin lộc xuân năm cả. Mình có tấm lòng chúc tết thì người ta có tấm bụng thôi. Lộc đầu năm sẽ được chia đều cho con cháu, đó là quà xuân, là “mâm cỗ” của những gia đình đông con cháu như mình”.
 
Nét đẹp “khất thực” đầu năm của người vùng cao - 1

Một phụ nữ Kinh đang chia lộc đầu năm cho những đứa trẻ Vân Kiều, Pa Cô

 

Những gia đình ở bản gần thị trấn như Ktup, Katang, mối quan hệ giữa người Kinh và đồng bào Pa Cô, Vân Kiều có phần thắm thiết hơn. Họ không chỉ “xuống núi” hái lộc đầu năm mà còn đến chúc tết, thăm hỏi và biếu quà (thường là con gà, vò rượu cần...) cho những hộ gia đình có quan hệ buôn bán với mình.

 

Những gia đình “bị” xin lộc cũng cho rằng “làm phước” đầu năm sẽ đem lại nhiều may mắn, thuận lợi. Quà chia chủ yếu là “lộc” sau khi cúng giao thừa như hoa quả, đĩa xôi, chén chè. Có nhiều gia đình khá giả còn biếu luôn áo quần ấm hay tiền bạc.

 

Một nét văn hoá đẹp

 

Tục xin lộc đầu năm từ lâu là một truyền thống đẹp của người vùng cao nơi đây, hướng đến những điều tốt đẹp, thể hiện một triết lý sống đầy tình người.

 

Nói về nguồn cội của tục xin lộc đầu năm, các bô lão trong làng kể: Vào những năm chiến tranh, bộ đội Trường Sơn phải chiến đấu giữa bao khó khăn về vật chất. Có nhiều chiến sỹ ở trên các cánh rừng phía Tây dãy Trường Sơn ăn măng, củ rừng thiếu chất đến “thủng cả đầu gối”. Những năm đó, nếu không có cư dân bản địa là đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều vừa động viên tin thần, vừa nuôi giấu cán bộ, bộ đội thì chúng ta đã không làm nên một chiến thắng Khe Sanh, Làng Vây lịch sử.      

 

Cũng có người cho rằng tục xin lộc này xuất phát từ sự trả ơn của những người từ đồng bằng cho người vùng cao. Năm 1975 sau khi giải phóng, đất nước còn nhiều khó khăn, chính sách khai hoang luôn được ưu tiên hàng đầu. Miền tây Quảng Trị - huyện Hướng Hoá vốn là vùng kinh tế mới. Những hộ gia đình mới lên đều được cấp 6 tháng lương thực, hết 6 tháng này phải tự túc. Rất nhiều đồng bào dân tộc định cư ở đây đã giúp người Kinh lương thực để chống chọi với đói rét và muỗi rừng.

 

Nhà Phật nói: An ủi lớn nhất của đời người là sự bố thí. Văn hoá cho của người Lao Bảo trong  mỗi dịp Tết đến không đơn thuần là niềm an ủi, thảnh thơi trong tâm hồn mà trở thành văn hoá thuần khiết xuất phát từ truyền thống, sự đáp nghĩa, biết ơn. Trong tâm thức người nhận cũng không đơn giản là hành động “đi khất thực” và là đón nhận lộc đầu năm để vui cùng cái Tết cổ truyền của dân tộc. Đó chính là nét văn hoá độc đáo - văn hoá cho và nhận - có lẽ chỉ có ở thị trấn vùng cao này.

 

Tốn Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm