1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nên gắn tăng học phí với các nấc thang chất lượng

(Dân trí) - Bên lề kì họp Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi đã có cuộc trao đổi cởi mở xung quanh vấn đề “nhạy cảm” - tăng học phí.

GS.TSKH Đào Trọng Thi đưa ra quan điểm: “Tôi cho rằng, bên cạnh giáo dục đại trà, vẫn phải xác định một mức học phí vừa phải, phù hợp với khả năng đóng góp của đông đảo nhân dân lao động, cũng cần đáp ứng nhu cầu của một bộ phận có khả năng đóng góp nhiều hơn để nhận được chất lượng giáo dục tốt hơn”.

Theo dự kiến trong tháng 9 này, dự thảo đề án học phí mới của Bộ Giáo dục sẽ được gửi tới các trường đại học để lấy ý kiến. Ông có ủng hộ quan điểm tăng học phí hay không?

Theo tôi vấn đề tăng học phí phải được cân nhắc từ hai phía. Thứ nhất, phải phù hợp với khả năng của người dân, đáp ứng được nhu cầu học tập của giới trẻ. Thứ hai, học phí cũng tạo điều kiện để cùng  với kinh phí nhà nước hỗ trợ, các trường đại bảo đảm chất lượng theo nhu cầu xã hội. Chứ một mặt cứ thích có chất lượng nhưng mặt khác lại không muốn tạo điều kiện cho các trường “làm” chất lượng thì bản thân suy nghĩ của chúng ta là mâu thuẫn.

Bởi vậy tôi cho rằng, vấn đề ở đây không phải là tăng hay không tăng mà là quyết định mức học phí như thế nào để đáp ứng, hài hoà được cả hai nhu cầu ấy. Với hoàn cảnh kinh tế của chúng ta hiện nay nếu có tăng thì cũng tăng ở mức vừa phải, chứ không phải một lúc tăng lên gấp vài lần. Nhưng tôi cho rằng, cái quan trọng hơn là phải thay đổi quan niệm của chúng ta về công tác giáo dục đào tạo, đặc biệt là cấp đại học.

Cụ thể, thưa ông?

Vừa rồi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp thảo luận về vấn đề phí và lệ phí và cũng đã ý kiến là những dịch vụ công liên quan đến những yêu cầu chất lượng khác nhau thì nên chăng không nên để là phí lệ phí nữa mà chuyển sang giá dịch vụ công.

Đã là giá thì ắt sẽ gắn với chất lượng của sản phẩm và có thể phân loại ra, trong khi phí, lệ phí thì chỉ qui định mức thấp nhất mà chất lượng tương đối đồng đều. Đã phân biệt yêu cầu về chất lượng thì cũng phân biệt về giá mới đủ chi phí để thực hiện đựoc yêu cầu về chất lượng đó. Nhu cầu xã hội khác nhau, người có khả năng đóng góp nhiều hơn, rất có thể người ta chấp nhận đóng góp nhiều hơn để được nhận một dịch vụ cao hơn, chất lượng hơn.

Tôi cho rằng, bên cạnh giáo dục đại trà, vẫn phải xác định một mức học phí vừa phải, phù hợp với khả năng đóng góp của đông đảo nhân dân lao động, cũng cần đáp ứng nhu cầu của một bộ phận có khả năng đóng góp nhiều hơn để nhận được chất lượng giáo dục tốt hơn. Chúng ta nên đáp ứng nhu cầu bộ phận này theo tinh thần tự nguyện. Và những chương trình chất lượng cao đó, tuỳ theo chất lượng của mình có thể xác định những mức kinh phí khác nhau để phù hợp với yêu cầu chi trả cho những đầu tư khác nhau.

Nên tăng theo hướng đó chứ không nên tăng học phí đồng loạt, không phân biệt chất lượng. Lần trước đặt ra vấn đề tăng học phí người ta đã đặt ra câu hỏi, anh tăng học phí, chất lượng có tăng lên không? Mà anh bảo là tăng toàn bộ chất lượng đại trà thì tôi tin là không có!

Có nghĩa tăng học phí không đồng nghĩa với việc tăng chất lượng của tất cả các trường đại học?

Tôi nghĩ rằng, phải chia làm hai loại. Tăng học phí để phù hợp với khả năng chi trả của đông đảo nhân dân thì mức tăng đó có giới hạn và thường tăng không nhiều vì mức sống của ta có tăng nhiều lắm đâu. Cái đó vẫn là nên có mức qui định phù hợp có thể đáp ứng tỉ lệ lớn trong nhu cầu học tập của nhân dân.

Nhưng bên cạnh đó, mình có thể đặt ra một số một số chương trình giáo dục mà đáp ứng chất lượng giáo dục cao hơn và khi đó mình có thể qui định mức học phí cho những chương trình riêng đó cao hơn. Chúng ta có thể yêu cầu, những người có nhu cầu chất lượng cao hơn mức đại trà thì anh chi trả toàn bộ và nhà nước không phải hỗ trợ, dành hỗ trợ đó cho chỗ khó khăn.

Trong báo cáo thẩm tra  của UB Tài chính - Ngân sách của Thường vụ Quốc hội có đề cập đến việc sử dụng học phí ở một số trường đại học chưa đúng với qui định của ngành, chẳng hạn một số trường không để lại tối thiểu 45% để xây dựng cơ sở vật chất, thậm chí nhiều nơi dùng học phí để chi cho cán bộ công nhân viên, giáo viên mà không tập trung đầu tư cho công tác đào tạo. Điều này cho thấy, học phí chưa được sử dụng đúng, vậy đặt ra tăng học phí có phải sẽ khó thuyết phục dư luận?

Tôi đồng ý với ý kiến việc trích bao nhiêu % cho đầu tư cơ sở vật chất, bao nhiêu thù lao cho người giảng dạy là phải thực hiện theo đúng qui định của nhà nước. Thực ra, hiện nay, trong một số trường hợp cụ thể thì tôi biết, một số trường gặp khó khăn, ví như bảo tăng cường lớp học, nhưng đất có đâu mà xây dựng. Nhưng không có cái đó thì mình đầu tư vào tư liệu, giáo trình... vẫn là phục vụ điều kiện cơ sở vật chất cho đào tạo.

Theo tôi, điều này phải  thực hiện theo đúng qui định, nhưng mà cái làm sai đó, không có nghĩa là không đặt ra vấn đề tăng học phí, bởi mức học phí hiện nay không đủ thực hiện đảm bảo chất lượng đặc biệt là yêu cầu chất lượng cao.

Nhưng trước khi tăng học phí nên kiểm tra học phí đã được sử dụng như thế nào?

Theo tôi là nên có cái đó. Cần có đánh giá tổng kết để xem cần tăng bao nhiêu là vừa đáp ứng hai yêu cầu, một là phù hợp với khả năng đóng góp của nhân dân, thứ hai cũng phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu của nhu cầu đào tạo nhân lực như tôi đã nói ở trên.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm