1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Ném tiền” thí điểm đổi chứng minh thư 12 số?!

(Dân trí) - Dự luật Căn cước công dân, luật Hộ tịch sửa đổi vẫn không ngừng gây băn khoăn cho đại biểu Quốc hội về việc các Bộ giẫm chân nhau, "cát cứ" việc cấp các loại thẻ, giấy tờ công dân trong phiên thảo luận tại tổ sáng 9/6.

Thẻ căn cước ghi nhóm máu - nhân đạo hay phạm luật?

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến (đại biểu Hà Nội) nói về những thông tin dự kiến thể hiện trên thẻ căn cước công dân như họ tên, ngày sinh, giới tính, đặc điểm nhận dạng, nhân diện… Trong xã hội hiện nay, yếu tố giới tính, nhận dạng đều có thể thay đổi, không khó khăn, khi cần, một người hoàn toàn có thể thêm hoặc bớt bất cứ đặc điểm cơ thể nào của bản thân khiến không thể nhận ra so với nhận dạng ban đầu. Trong khi đó, dự luật lại không có quy định nào về việc khi thay đổi nhân diện cần làm lại thẻ căn cước.

Việc này cũng liên quan đến quy định khi công dân xuất trình thẻ căn cước, cán bộ chức năng không được “hạch sách”, yêu cầu cung cấp bất cứ giấy tờ nào khác. Quy định này để đảm bảo quyền, sự tiện lợi cho công dân nhưng ông Tuyến lo ngại trường hợp thông tin, ảnh trên thẻ không trùng khớp với người đứng ra giao dịch sau khi người này có những can thiệp làm thay đổi nhân dạng mà cũng không được yêu cầu căn cứ chứng minh nào khác gì quá khó với cơ quan quản lý. Ngoài ra, ông Tuyến cũng không loại trừ trường hợp người này “dùng nhờ”, dùng trộm thẻ căn cước của người khác để giao dịch.

Vì vậy, ông Tuyến không giấu băn khoăn về nội dung này. Đại biểu đề nghị thay vì những yếu tố không bất biến này, thẻ căn cước nên ghi thông tin về nhóm máu của công dân.
Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng chung suy nghĩ với đại biểu Tuyến. Ông Chung cho rằng nên đưa thông tin về nhóm máu vào thẻ căn cước. Việt Nam hiện cũng đang xây dựng hệ thống cấp cứu tại chỗ trên đường cao tốc. Việc cấp cứu trong trường hợp có tai nạn sẽ rất hữu dụng nếu người bị nạn có thông tin về nhóm máu ngay khi đó vì trên xe không thể có phương tiện xét nghiệm, kiểm tra nhóm máu.

Bác bỏ lo ngại việc ghi thông tin này trên thẻ căn cước là phạm nguyên tắc xâm phạm bí mật cá nhân, Giám đốc Công an Hà Nội cho rằng việc này là để phục vụ mục đích xã hội và nhân đạo. Các nước phát triển đều áp dụng quy định này, thông tin về nhóm máu trên thẻ căn cước theo đó cũng được sử dụng cho việc khám sức khỏe quân ngũ.

Từ chuyện thông tin ghi trên thẻ, ông Chung chỉ thêm mâu thuẫn trong đề xuất cấp thẻ căn cước cho công dân ngay từ khi khai sinh vì khi đó đặc điểm nhận dạng của trẻ chưa ổn định, dễ thay đổi, đến ảnh in trên thẻ cũng khó thể hiện. Đại biểu kiến nghị nên nhập thông tin để làm thẻ căn cước ngay khi trẻ được làm thủ tục khai sinh nhưng lưu giữ đến năm 14 tuổi mới in ra thẻ khi công dân cần để thực hiện các giao dịch.

2 loại chứng minh thư, 1 thẻ căn cước lưu hành cùng lúc

Vấn đề khác ông Nguyễn Đức Chung đề cập là mối quan hệ giữa các loại giấy tờ như thẻ căn cước, giấy chứng minh nhân dân 9 số đang sử dụng hiện tại, chứng minh nhân dân 12 số đang áp dụng thí điểm tại một số khu vực. Theo đó, nếu luật Căn cước công dân được Quốc hội thông qua, thời gian tới, trong thực tế sẽ tồn tại cả 3 loại giấy tờ như trên.

Theo đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân Bộ Công an đang triển khai, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, làm kho số định danh cá nhân đã tốn khoảng 350.000 tỷ đồng. Dự kiến, việc chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số sang 12 số (12 số này trùng với số định danh cá nhân) phải mất một thời gian dài. Trong khi theo luật này, đến năm 2022 lại hoàn thành việc cấp thẻ căn cước. Việc này, đại biểu cảnh báo, sẽ gây lãng phí lớn.

“Hiện Hà Nội đã thu thập thông tin của công dân với 19 trường dữ liệu bắt buộc, đã nhập được thông tin cho 3,6 triệu công dân (mỗi tuần nhập được khoảng 200.000 người). Dự kiến đến tháng 11 năm nay thành phố sẽ hoàn thành việc thu thập thông tin làm cơ sở dữ liệu về dân cư của toàn bộ 9,6 triệu người sinh sống ở thủ đô” – ông Chung cho biết.
Đại biểu Trần Du Lịch: Bộ Tư pháp, Bộ Công an đang làm lãng phí! (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Trần Du Lịch: "Bộ Tư pháp, Bộ Công an đang làm lãng phí!" (ảnh: Việt Hưng).

Nhận định các đề án, chương trình liên quan đến việc cải tiến quy cách quản lý dân cư đang chồng chéo, Giám đốc Công an Hà Nội phân tích thêm, chứng minh thư 12 số hiện đang được làm theo công nghệ của Đức nhưng cũng là công nghệ cũ từ năm 1997, phôi thẻ mua rất đắt. Vậy mà đầu tư xong lại chuyển sang làm thẻ căn cước thì rất lãng phí. Kinh nghiệm vừa qua cho thấy việc chuyển từ chứng minh thư 9 số sang 12 số cũng đã rất rắc rối, phức tạp thêm cho công dân khi phải cấp kèm giấy chứng nhận 2 số chứng minh mới và cũ đều là một người. Khi đó, người dân tham gia các giao dịch phải trình đến 3 loại giấy chứ không giảm được giấy nào.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhận định, thẻ căn cước thay thế chứng minh thư về lâu dài có thể là đúng hướng, cần thiết nhưng cần có lộ trình phù hợp vì hiện nhiều loại giấy tờ, thủ tục chưa bỏ được. Chỉ trong ít năm mà chuyển hết từ chứng minh thư cũ sang chứng minh thư mới rồi khi có thẻ căn cước lại thay hết cả 2 loại giấy tờ này thì rất lãng phí, không cẩn thận vừa làm khó người quản lý, vừa làm khó người dân.

Có mặt tại phiên thảo luận tổ của đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Công an cho biết, thẻ căn cước công dân gồm 12 số, được làm kỹ thuật cao, không thể làm giả, không thể thay thế. Từ khi sinh ra đến lúc chết đi, công dân được cấp 1 thẻ 12 số đó, thay thế cho chứng minh nhân dân và cũng là số định danh cá nhân. Hiện nay, sau khi Hà Nội thí điểm làm chứng minh nhân dân 12 số thì đang triển khai làm ở 5 tỉnh thành khác.

Đại biểu Trần Du Lịch, Đỗ Văn Đương… thắc mắc, tại sao thí điểm việc đổi chứng minh thư trong khi Quốc hội bàn luật về việc làm thẻ căn cước công dân cho lãng phí, bởi nếu luật được thông qua thì dự kiến 1/1/2015, từ thời điểm luật có hiệu lực, chứng minh thư nào hết thời hạn 15 năm sử dụng lại thay thế bằng thẻ căn cước.

“Có cảm tưởng Bộ Tư pháp, Bộ Công an làm riêng rẽ, không phối hợp chặt chẽ với nhau, quá lãng phí” - ông Trần Du Lịch bức xúc.

P.Thảo