Điện Biên:
Náo nức về một vùng nông thôn mới
(Dân trí) - Được lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên đang thay da, đổi thịt từng ngày.
Từ tháng 10/2009, Đề án Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới tại xã Thanh Chăn chính thức được phê duyệt và đi vào thực hiện. Cũng từ đó, tỉnh Điện Biên luôn xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, không chỉ có ý nghĩa đối với Điện Biên mà còn là mô hình điểm cho các tỉnh miền núi phía Bắc. |
Chúng tôi có mặt ở Thanh Chăn vào những ngày tháng 6/2010, dưới cái nắng gay gắt lên đến gần 40 độ C. Khi được hỏi những đổi mới của nơi đây thì ai cũng nhiệt tình tâm sự.
Có mặt trong một quán nhỏ gần trung tâm xã, nơi mà người dân vẫn tụ tập để hàn huyên sau khi kết thúc những công việc thường ngày, một người dân tự hào chỉ tay ra phía ngoài đường hồ hởi chia sẻ: “Anh thấy đấy, một bộ mặt nông thôn hoàn toàn mới. Các công các dự án, các công trình về giao thông, thủy lợi, trạm cung cấp nước sạch, trung tâm học tập cộng đồng đã và đang được hoàn thiện”.
Dưới cái nắng oi bức nhưng người dân Thành Chăn vẫn hăm hở góp sức mình để xây dựng những con đường bê tông hóa
Chia sẻ với chúng tôi ông Cà Văn Pánh, Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn, Trưởng Ban Quản lý Đề án cho biết: “Là một xã có thu nhập thấp nên nguồn vốn đóng góp của người dân chủ yếu là ngày công. Với việc vừa được tham gia lại vừa được trực tiếp giám sát nên chất lượng các công trình luôn đảm bảo theo yêu cầu thiết kế”.
Khi trung tâm giáo dục cộng đồng này hoàn thành sẽ đáp được nhu cầu học tập khoảng 50% dân số xã
“Hiện nay xã đang gấp rút hoàn thành công trình trung tâm giáo dục cộng đồng. Với việc ra đời của trung tâm này sẽ giải quyết được nhu cầu học tập khoảng 50% dân số xã. Với 6 phòng học cùng với phương thức bố trí dạy học nhiều ca thì đây sẽ là tiền đề để xã nâng cao trình độ người dân đáp ứng tiêu chí của một nông thôn mới” - Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn tâm sự.
Còn đó những khó khăn...
Trao đổi với chúng tôi Chủ tịch Cà Văn Pánh tâm sự, bên cạnh những mặt thuận lợi, việc triển khai Đề án xây dựng mô hình nông thôn mới xã Thanh Chăn cũng gặp một số khó khăn như Thanh Chăn là một xã miền núi biên giới, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Một số nội dung của Đề án khi triển khai liên quan tới việc huy động vốn trong dân còn rất hạn chế.
Với ngành nghề chính là thuần nông thì để đạt 1,2 - 1,4 thu nhập bình quân của tỉnh là quá khó đối người dân Thanh Chăn
Cũng theo ông Pánh thì ngay tiêu chí về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội mà cụ thể ở đây là bài trừ tệ nạn xã hội về ma túy là rất bế tắc.
Giải thích về sự bế tắc này ông Pánh cho hay: “Khi xây dựng đề án thì số quản lý là 78 nhưng vừa rồi qua kiểm tra sàng lọc tiếp thì số nghiện lại tăng lên gần 100”.
“Vừa qua UBND Huyện đã ra quyết định đưa 95 đối tượng vào trung tâm cai nghiện của tỉnh nhưng xã mới chỉ đưa được khoảng 60 người. Hơn 30 người còn lại thì một phần là do làm ăn xa, phần còn lại thì lại cố tính trốn tránh”, ông Pánh chia sẻ.
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, do xã Thanh Chăn giáp biên giới Việt- Lào, bên cạnh đó lại có rất nhiều đường tiểu ngạch qua lại nên mặc dù công an, bộ đội biên phòng, dân quân xã… liên tục được tăng cường để tuần tra nhưng kiểm soát không xuể.
Khi được chúng tôi hỏi liệu Thanh Chăn có để đạt được hết các tiêu chí của đề án vào lộ trình cuối năm 2011 hay không, Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn chỉ chia sẻ: “Nếu cố gắng lắm thì chúng tôi may ra chỉ phấn đấu được 8-10 tiêu chí mà thôi”.
Sự đổi mới của Thanh Chăn là một niềm vui không nhỏ đối với người dân nơi đây nhưng để đi đến cái mốc là vùng nông thôn mới đúng nghĩa, chắc hẳn vẫn là một giấc mơ xa.
Nguyễn Hùng