1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Náo loạn sông Son sau vụ vớt được gỗ sưa hàng chục tỷ đồng

(Dân trí) - Sau sự việc một số người dân vớt được gỗ sưa trị giá hàng chục tỷ đồng dưới sông Son (đoạn chảy qua thôn Na, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), những ngày qua, rất đông người dân vẫn tiếp tục lặn, đục khoét dưới lòng sông để tìm kiếm “vận may”.

“Nóng” ở sông Son

Nhiều người dân địa phương cho biết, sau khi vợ chồng anh Nguyễn Văn Lâm (ở thôn Na), trong lúc thả lưới đánh cá đã vớt được 4 phách gỗ sưa, gần chục tỷ đồng từ dưới đáy sông Son, anh Nguyễn Văn Hạt (cùng thôn Na) biết tin liền phóng đò tới lặn tìm được 2 phách. Nghe tin anh Lâm và anh Hạt tìm thấy gỗ sưa, một nhóm khoảng 30 người tiếp tục ra sông lặn và tìm được 3 phách. Ngoài ra, một số người dân ở thôn Phong Nha cũng tìm được 2 phách.

Theo ghi nhận của PV và thông tin từ người dân, những ngày qua, rất đông người dân địa phương và một số người từ nơi khác đến lặn tìm gỗ sưa, có lúc lên tới 400 – 500 người. Những người này sử dụng phương tiện cá nhân như thuyền, bình hơi để lặn dưới sông nhiều giờ liền.
 
Náo loạn sông Son sau vụ vớt được gỗ sưa hàng chục tỷ đồng
Sông Son đoạn chảy qua địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch những ngày qua "nóng" lên bởi những cuộc lặn tìm sưa

Đến cuối chiều 1/3, theo ghi nhận của PV Dân trí, ở khu vực anh Lâm phát hiện gỗ sưa vẫn có rất đông người dân sử dụng đò hút cát quầy trên sông, sử dụng bình hơi lặn sâu, “đục khoét” dưới đáy sông với hy vọng tìm được ít gỗ sưa còn sót lại. Việc nhiều người dân vớt được sưu đã gây xôn xao dư luận địa phương, đồng thời cũng khiến cho nhiều người dân nơi khác đổ xô ra sông tranh nhau tìm kiếm vận may. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại không có thêm khúc gỗ sưa nào được tìm thấy.

Sông Son những ngày qua thực sự rất “nóng” vì những cuộc tìm kiếm, tranh cướp gỗ sưa. Và sức “nóng” đã dẫn đến thương tích. Trong đêm tối, tổ tuần tra gồm 7 người của Công an xã Sơn Trạch đã bị người dân ném đá. Hậu quả, anh Lê Quý Lam Phó công an xã bị thương ở chân.

Sự chậm trễ đến kinh ngạc!

Sự việc người dân đánh cá vớt được gỗ sưa trị giá hàng chục tỷ đồng rất “nóng” nhưng Hạt Kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng đóng cách đó không xa vẫn không hề hay biết (?!). Mãi đến khi người dân tẩu tán hết 12 phách gỗ sưa thì lực lượng này mới nhận được thông tin và cho triển khai lực lượng tổ chức tiếp cận hiện trường.
 
Tiếp đó, lãnh đạo huyện Bố Trạch, lực lượng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ. Công an tỉnh Quảng Bình cũng đã có mặt tại hiện trường để thu thập thông tin, tổ chức vận động người dân lên bờ và bước đầu điều tra diễn biến vụ việc.
 
Náo loạn sông Son sau vụ vớt được gỗ sưa hàng chục tỷ đồng
Để thất thoát một lượng gỗ quý tại rừng Di sản VQG Phong Nha - Kẻ Bàng trong thời gian qua là do có sự tiếp tay của một số cán bộ kiểm lâm

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hữu Chí, Trưởng Công an xã Sơn Trạch, cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin về người dân tìm thấy sưa ở dưới sông Son, chúng tôi đã xác minh và báo cáo sự việc lên huyện và các cơ quan liên quan để có hướng xử lý. Hiện tại chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai lực lượng bám sát địa bàn để đảm bảo an ninh trật tự và tránh để xảy ra tình trạng lộn xộn, xô xát ở khu vực người dân tìm thấy sưa.

Chiều ngày 1/3, PV Dân trí đã liên hệ với một số cơ quan chức năng liên quan đến vụ việc để làm việc nhưng đều nhận được câu trả lời đang bận họp, đi công tác hay số máy không liên lạc được (!?). Dư luận lại nghi ngại đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là “mô típ” giống vụ nhóm lâm tặc đốn hạ 3 cây sưa cổ thụ ở rừng Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng gây chấn động dư luận hồi tháng 4 năm ngoái? Thời điểm ấy, để liên lạc và làm việc với cơ quan chức năng cũng rất khó khăn bởi những lý do tương tự.
 
Gỗ sưa đã nằm dưới lòng sông hàng chục năm?

Qua điều tra của PV Dân trí, nhiều người dân địa phương và một số cơ quan chức năng cho rằng, số gỗ sưa người dân vừa vớt được ở sông Son có nguồn gốc cách đây 10 năm trước. Thời điểm đó, một nhóm buôn lậu gỗ sưa bị lực lượng kiểm lâm vây bắt nên đã cắt bỏ số gỗ này để chạy trốn. Tuy nhiên, một số người lại nhận định, rất có thể đây là số gỗ từ 3 cây sưa cổ thụ mà lâm tặc đã chặt hạ hồi tháng 4/2012 ở rừng Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nhà – Kẻ Bàng?

Nhóm PV