Nặng trĩu nỗi lòng bà mẹ trẻ định nhảy cầu tự tử
(Dân trí) - Bỏ lại túi đồ trên mặt cầu, người phụ nữ tóc tai rũ rượi vừa kêu khóc vừa leo lên lan can định nhảy xuống. Vừa lúc ấy một thanh niên qua đường lao tới kéo chị lại, ngay lập tức lực lượng công an có mặt hỗ trợ.
Vụ việc xảy ra vào lúc 17 giờ 20 ngày 28/9 trên cầu Điện Biên Phủ bắc qua kênh Thị Nghè thuộc phường Đa Kao, quận 1. Những người chứng kiến vụ việc cho biết, vào thời điểm trên, người phụ nữ mặc áo đỏ, quần Jean đi từ hướng vòng xoay Điện Biên Phủ tới cầu, vừa đi vừa kêu khóc thảm thiết. Đến giữa cầu, chị bất ngờ dừng lại bỏ túi đồ đang xách trên tay xuống mặt đường, bám hai tay vào thành cầu rồi ngửa mặt lên trời “cha ơi, tha lỗi cho con…”
Khi người phụ nữ đặt chân lên thành cầu chuẩn bị lao xuống nước thì ngay lập tức một thanh niên qua đường dừng xe gắn máy nhào tới túm kịp tay chị kéo lại. Sau cú nhảy hụt, bị mọi người túm chặt tay nhưng chị vẫn vùng vằng giật mạnh, vừa tuột khỏi tầm tay mọi người chị lại nhào tới thành cầu định lao xuống lần nữa nhưng mọi người kịp thời ngăn lại. “Tôi sống giờ còn khổ hơn chết, xin mọi người hãy để tôi chết đi, đừng giữ tôi nữa...” Người phụ nữ hơi thở nồng nặng mùi rượu gào khóc, gương mặt lộ rõ sự tuyệt vọng.
Lực lượng công an phường Đa Kao quận 1 ngay lập tức có mặt hỗ trợ, vừa khuyên can, vừa tìm hiểu hoàn cảnh. Sau một hồi đấu trí căng thẳng lực lượng công an khu vực cũng đưa được chị về chốt dân phòng. Tại đây, sau khi trấn tĩnh lại người phụ nữ cho biết tên Đ.T.T, đã có chồng và con gái 2 tuổi.
Chị cho biết: “Sau khi lập gia đình tôi mới hay chồng mình nghiện ma túy, mọi tài sản tôi tích cóp được từ thời còn con gái chẳng mấy chốc bị chồng mang đi hút chích hết”. Nhiều lần khuyên can chồng không được chị còn hứng chịu những trận đòn man rợ vì không kiếm được tiền cho chồng thỏa cơn nghiện. Để có tiền hút chích chồng chị con tham gia vào đường dây buôn bán ma túy gieo rắc cái chết trắng cho vùng quê yên bình.
“Thương chồng nhưng khuyên can không được, tôi không nỡ nhìn anh đi vào con đường chết. Sau nhiều đêm suy nghĩ tôi quyết định tố giác hành động của chồng cho cơ quan công an. Ngày chồng tôi lĩnh án tù cũng là ngày tôi mất quyền nuôi dưỡng đối với đứa con gái mới lên 2 tuổi vì gia đình chồng đuổi tôi ra khỏi nhà. Cha mẹ chồng cho rằng tôi đã hại con trai của ông bà khiến anh phải ngồi tù.” Chị T. ngậm ngùi gạt nước mắt.
Mẹ mất sớm, gia đình nghèo khốn không có nổi mảnh đất cắm dùi, chị T. quay về sống với người cha già yếu trong gian phòng trọ. “Dưới quê chẳng có công việc gì làm nên ngày ngày cha vẫn đi bán vé số về nuôi tôi.” Sau một thời gian suy sụp, chị T. trấn tĩnh trở lại lên TPHCM tìm việc làm với hy vọng sẽ tự lo được cho cuộc sống của mình. Công việc phụ hồ vốn chỉ dành cho nam giới nhưng vừa chân ướt chân ráo lên thành phố tìm được công việc này đối với chị cũng đã là may mắn.
“Tôi thuê nhà trọ ở ghép với mọi người, ngày ngày đi làm nhưng chưa được một tháng thì chủ thầu công trình tuyên bố giải thể. Tiền phòng không có để trả, tiền ăn cũng chẳng còn, bất đắc dĩ tôi phải điện thoại về quê nhờ cha giúp. Sau nhiều ngày tằn tiện cha tôi mới gửi lên được 500 nghìn đồng khuyên tôi về quê bán vé số cùng ông. Vừa nhận được tiền tôi gói đồ về thì chủ trọ bắt phải đóng tiền phòng rồi tiền điện nước, tôi cầm cả chiếc điện thoại được 200 nghìn đồng mới trả hết… Tôi không thể làm cái nghề “đứng đường” để nuôi thân.”
Sau khi vét sạch túi mua 2 xị rượu đế chị ngồi một mình uống cạn, bao nhiều nỗi đau ùa về. Vết thương cũ chưa kịp lành, lại thêm áp lực cuộc sống đè nén khiến chị bế tắc. Hơi men chếnh choáng trong lúc không làm chủ được bản thân chị nghĩ quẩn tìm đến cái chết để chôn vùi thân phận đau khổ của chính mình.
“Không nghĩ tới mình nhưng chị hãy nghĩ tới người cha già tôi nghiệp đang mong ngóng chị từng ngày và đứa con thơ dại sẽ mãi phải sống trong cảnh mồ côi… Mọi khó khăn hiện tại chỉ là thử thách mình phải vượt qua, không nên đầu hàng... Đừng nghĩ dại để rồi chính mình lại làm khổ mọi người mà mình thương yêu nhất…”, Người qua đường chia sẻ động viên.
Tại công an phương Đa Kao, sau khi trấn tĩnh trở lại chị ngượng ngùng bộc bạch về nỗi khó khăn chính khiến chị nghĩ quẩn là do không đủ tiền mua vé xe về quê. Biết được nỗi khổ trên của người mẹ trẻ khốn quẫn, một nhà hảo tâm thân thiết của Dân trí (xin được giấu tên) đã hỗ trợ chị 500 nghìn đồng tiền lộ phí. “Xã hội còn nhiều người tốt quá, tôi đã dại dột khi nghĩ quẩn. Cảm ơn mọi người đã thức tỉnh tôi...” Chị gạt nước mắt xúc động bước lên xe gắn máy của một chiến sỹ công an ra bến đón xe về quê.
Vân Sơn