Nắng nóng thiêu đốt miền Trung
Nắng nóng khủng khiếp kéo dài gần chục ngày nay khiến các tỉnh từ Trung Trung bộ đến Bắc Trung bộ khốn khổ: ao hồ cạn kiệt, nguy cơ lúa chết trên đồng, dân phát bệnh, thậm chí phải bỏ làng mà đi...
Nghệ An - Hà Tĩnh: sông suối cạn kiệt
Nắng nóng khiến những tấm khăn mặt phơi trong nhà khô cong như bánh đa nướng. Trải chiếu xuống nền nhà ăn cơm trưa giữa hai, ba làn quạt thì gặp ngay cái nóng hừng hực bốc lên dưới từng viên gạch.
Trong 630 hồ nước ở Nghệ An nay chỉ còn 50 hồ lớn còn giữ được 50% lượng nước. Số hồ còn lại đang “chết”. Theo đó, hơn 7.000 hecta lúa hè thu vùng cao, vùng cuối kênh thuộc các huyện miền núi Con Cuông, Quì Hợp, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Thanh Chương... đang lâm cảnh mất trắng do gặp hạn quá nặng. Ông Nguyễn Văn Hoa - phó Chi cục Quản lý nước Nghệ An - cho biết: “Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài đến cuối tháng bảy thì diện tích lúa hè thu bị xóa sổ có thể lên tới 10.000 hecta”.
Ngược lên huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, những địa bàn nằm trong vùng gió phơn tây nam thổi mạnh lại không có mưa bổ sung nên mực nước trên các triền sông suối đang cạn kiệt. Bà con người Thái, Khơ Mú trong các bản than: “Nắng như thiêu như đốt mà nước sông Lam đã cạn lại đục ngầu do nạn khai thác vàng sa khoáng. Dân bản đứng nhìn nước đỏ ngầu mà chịu khát”.
Cư dân, làng mạc, đồng ruộng hai huyện miền núi Hương Sơn và Hương Khê (Hà Tĩnh) cũng đang chịu cảnh nắng nóng trên 40oC. Tình hình báo động tới mức chi cục trưởng Chi cục Quản lý nước Hà Tĩnh Trần Đình Dũng phải huy động bảy công ty thủy lợi chỉ đạo 350 công nhân và nông dân xuống đồng để đóng cống, ép nước, dùng bơm dã chiến (bơm dầu) bơm nước từ thấp lên cao. Nguồn nước từ sông Rác được bơm cật lực để cứu hàng trăm hecta lúa các xã Kỳ Tân, Kỳ Văn, Kỳ Phú của huyện Kỳ Anh.
Quảng Ngãi: bỏ làng mà đi...
Từ TP Quảng Ngãi về Phổ Cường, qua khỏi đèo Mỹ Trang đã thấy những cánh đồng khô khốc. Những con bò bụng lép kẹp lững thững trên đồng. Trên đồng Gò Cát Cương nắng chói chang, lão nông Đỗ Sách, 82 tuổi, đầu đội nón cời, tay cầm cây cuốc vố cuốc từng mảng ruộng: “Cả đời tui chưa thấy năm nào khô hạn như năm nay. Từ tết đến giờ không có nổi một giọt mưa nên đất đai nứt nẻ, ruộng đồng khô cháy. Đám thanh niên, trung niên có sức lao động đành bỏ làng đi khắp nơi kiếm sống. Tui ở nhà mãi cùn chân nên mang cuốc vố ra đây cuốc, chờ mưa xuống thì gieo lúa, kiếm ít hột”. Chuyện kiếm ít hột quả chẳng dễ dàng, bởi trên trời nắng vẫn cứ chói chang...
Qua các thôn Lâm Bình, Bàn Thạch, Nga Mân lại thấy những cánh đồng khô khốc. Em Bùi Thị Thu Hà ở thôn Nga Mân đang rút mớ rơm cho bò ăn, nghe hỏi chuyện nói: “Nắng hạn kiểu này không cấy sạ được nên ba mẹ và hai em nhỏ vô TPHCM bán vé số rồi. Ở nhà chỉ còn em và đứa em kế thôi”.
Trưởng thôn Nga Mân Trần Đông nói: “Bình thường đã có khoảng 500 người bỏ làng đi làm ăn xa. Nay có thêm vài trăm người nữa. Nắng hạn, ở quê cũng chẳng làm được gì!...”.
Chủ tịch UBND xã Phổ Cường Nguyễn Thí Sinh thở dài: “Toàn xã có 850ha ruộng lúa đất cát pha. Bước vào vụ hè thu năm nay mực nước hồ Liệt Sơn, Hóc Nghì, Hóc Cầy, Huân Phong xuống thấp, huyện chủ trương chuyển sang trồng màu. Nhưng đất cát pha này trồng cây gì cũng phải có nước mới trồng được. Đầu vụ khô hạn đưa giống xuống cũng không thể nảy mầm. Do vậy hiện nay toàn xã chỉ có 70ha ruộng cấy sạ lúa nhưng cũng thấp thỏm lo âu vì thiếu nước... 114ha mía trồng từ hồi cuối năm trước nay không chống chịu nổi với khô hạn lá cháy dần”.
Bệnh viện quá tải
Suốt hơn một tuần qua, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng luôn trong tình trạng quá tải. Theo bác sĩ Phan Ngọc Hà - Giám đốc bệnh viện - hiện mỗi ngày bệnh viện đón khoảng 10 bệnh nhân nhập viện, tăng hơn so với ngày thường với các triệu chứng động kinh, tâm thần phân liệt...
Bệnh nhân chủ yếu ở TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế. “Hiện có đến hơn 230 bệnh nhân đang điều trị nội trú, tăng hơn 50 người so với qui định” - ông Hà cho biết.
Theo số liệu thống kê, hiện toàn TP Đà Nẵng có đến hơn 3.500 người bị bệnh động kinh, tâm thần phân liệt nhẹ đang được bác sĩ cho điều trị ngoại trú. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài có thể có rất nhiều người bị bệnh vì không chịu nổi buộc phải nhập viện.
Bao giờ hết nắng gay gắt?
Một trong những đợt nắng nóng kéo dài của mùa hè năm nay đã bắt đầu từ 10/7 và đang tiếp tục hoành hành tại các tỉnh ven biển Trung bộ và các tỉnh Nam đồng bằng Bắc bộ. Liệu có còn xảy ra những đợt nắng nóng gay gắt trong các tháng còn lại của mùa hè? Bà Đào Thị Thuý, trưởng phòng dự báo khí tượng - khí hậu, Trung tâm Nghiên cứu khí tượng - khí hậu, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường, cho biết:
“Trong các tháng bảy, tám năm nay, các đợt nắng nóng có thể còn xảy ra nhưng khả năng nắng nóng sẽ không còn gay gắt như trong các tháng tư đến tháng sáu vừa qua. Đợt nắng nóng có nhiệt độ cao nhất của năm nay đã xảy ra vào tháng tư rồi”.
Thưa bà, tại sao không còn các đợt nắng nóng gay gắt như những đợt xảy ra trong tháng tư đến tháng sáu?
Theo số liệu thống kê từ 1975-2006, hằng năm trung bình có khoảng 12 đợt nắng nóng. Thông thường nắng nóng xuất hiện nhiều nhất vào các tháng từ tháng tư đến tháng tám. Năm 2007 là một trong bốn năm (1998, 2001, 2006, 2007) có nắng nóng xuất hiện sớm nhất. Nguyên nhân của hiện tượng này có lẽ là do sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu gây ra.
Cũng theo tổng kết của chúng tôi, mỗi năm thường chỉ xảy ra 1-2 đợt nắng nóng gay gắt nhất. Năm 2007 đã có ba đợt nắng nóng được xem là gay gắt, nhất là đợt tháng tư và lại xảy ra khá sớm so với các năm trước. Hiện tượng này có lẽ là do ảnh hưởng vẫn còn tiếp tục của El Nino cuối 2006, đầu 2007 (từ tháng 9/2006 đến tháng 2/2007). Do vậy, nhiều khả năng trong tháng bảy, tháng tám tới nắng nóng xảy ra sẽ không còn gay gắt như trong tháng tư vừa qua.
Bà đánh giá thế nào về nắng nóng năm nay?
Ngay từ những tháng đầu năm 2007, nhiệt độ trung bình các tháng một, hai, ba đã cao hơn trung bình khá nhiều. Hẳn chưa có năm nào chúng ta chứng kiến một cái tết âm lịch rơi vào nửa cuối tháng hai dương lịch lại nóng như năm 2007. Những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, nhiệt độ trung bình toàn quốc luôn cao hơn 20oC. Cũng hiếm có tháng ba nào mà nhiệt độ cao nhất lại lên tới trên 40oC như ở Quì Hợp và Cửa Rào (Nghệ An).
Trong tháng tư và tháng năm, các đặc trưng trung bình của nhiệt độ không cao hơn, thậm chí còn thấp hơn so với trung bình ở nửa phần phía Bắc. Nhưng điều đặc biệt là nhiệt độ cao tuyệt đối xảy ra trong tháng tư cao hơn so với lịch sử, tại Tây Hiếu (Nghệ An) nhiệt độ cao nhất lên tới 43oC vào ngày 23/4 và ngay từ ngày 1/4 tại Cửa Rào (Nghệ An) nhiệt độ cao nhất là 42,2oC. |
Theo V.Toàn - Võ Quý Cầu
Tuổi Trẻ