1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nặng nợ với Hoàng Sa

Họ - những ngư dân Lý Sơn nặng nợ với Hoàng Sa cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này.

Cho dù nhiều lần bị phía Trung Quốc bắt giữ, đánh đập, tịch thu cả ngư lưới cụ lẫn tàu, trở về với chỉ một chiếc quần đùi, song ngư dân Lý Sơn vẫn gượng dậy, cầm cố, vay mượn để đóng tàu, tiếp tục trực chỉ Hoàng Sa. Bởi, ra Hoàng Sa, với họ, thực chất là những cuộc tìm về vùng đất hương hỏa của tổ tiên.
 
Thuyền trưởng Lê Tân trên con tàu trước khi ra Hoàng Sa

Thuyền trưởng Lê Tân trên con tàu trước khi ra Hoàng Sa

 

Chuyện của Tân “cùi”

 

Sau bão số 7, biển Lý Sơn yên bình trở lại. Đứng ở vũng neo đậu tàu thuyền An Hải, thấy lẫn trong những con sóng bạc đầu là các tàu cá đang vươn mình đến với các vùng biển xa. Sau khi cúng tàu để mở phiên biển mới, thuyền trưởng Lê Tân, 52 tuổi, ở thôn Tây, xã An Hải - chủ tàu QNg 96372 TS, công suất 409 CV - kiểm tra lại lần cuối các phương tiện, nguyên vật liệu, đồ đạc, lương thực, để ngày mai cùng các bạn chài trở lại với ngư trường truyền thống Hoàng Sa.

 

Con tàu mới này là phương tiện làm ăn mà ông và 9 ngư dân khác hùn hạp, vay mượn đóng mới với số tiền hơn 1,4 tỉ đồng. Trong đó, cả thảy 10 người đóng góp được 200 triệu đồng, vay của chủ nậu 500 triệu đồng. Còn lại 700 triệu đồng vay mượn từ các ngân hàng và bà con lối xóm.

 

Tàu QNg 96372 TS được hạ thủy hồi cuối tháng 8.2012. Sau chuyến ra khơi đầu tiên ở ngư trường Hoàng Sa trở về, trừ mọi phí tổn, tính ra chỉ hòa vốn. Thế nên, khoản tiền nợ vay mượn bên ngoài đành trông đợi vào những chuyến biển sau.

 

Tôi vừa gợi lại những lần ông bị phía Trung Quốc bắt giữ, giọng ông bỗng chùng xuống, mắt nhìn xa xăm ra biển: “Ở Lý Sơn, người ta gọi tui là Tân “cùi” với nghĩa không còn gì để mất. Họ (Trung Quốc) đã 3 lần bắt giữ, đánh đập, tịch thu tàu của tui khi đang khai thác ở quần đảo Hoàng Sa”. Ký ức kinh hoàng về những lần bị bắt bớ, đánh đập lần lượt hiện về.

 

Lần thứ nhất, khoảng 11 giờ trưa một ngày giữa tháng 6.2006, tàu của Lê Tân và tàu của Lê Đúc - cũng ở xã An Hải - đang đánh bắt ở khu vực bãi cạn, cách đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 38 hải lý thì phát hiện một chiếc “tàu lạ” từ phía xa. Linh tính có chuyện chẳng lành, cả hai tàu nổ máy bỏ chạy cách xa khoảng 4 hải lý. Nhưng thấy chiếc “tàu lạ” vẫn “án binh bất động”, nghĩ rằng chẳng có nguy hiểm gì, cả hai tàu dừng lại tiếp tục đánh bắt.

 

Bỗng, từ chiếc “tàu lạ” kia, hai canô được thả xuống, phóng rất nhanh về phía các ngư dân, khiến họ không kịp tháo chạy. Sau khi uy hiếp, ép ngư dân điểm chỉ vào các giấy tờ được soạn sẵn bằng chữ Trung Quốc, chúng tịch thu chiếc tàu 400 QNg 96095 TS, công suất 120 CV, trị giá hơn 400 triệu đồng, do ông Tân làm thuyền trưởng, sau đó, dồn toàn bộ anh em lên tàu cá của ông Lê Đúc, trấn lột toàn bộ tài sản, ngư cụ, mỗi người còn đúng một chiếc quần cộc trên người cùng lượng dầu đủ trở về Lý Sơn.

 

Vài ngày sau khi trở về, được một người quen trong cảng Sa Kỳ cho mượn con tàu cũ QNg 96004 TS, ông gia cố, sửa chữa lại rồi tiếp tục trực chỉ Hoàng Sa. Lúc ấy, khi đang neo tàu đánh bắt cách đảo Phú Lâm khoảng 7 hải lý, ông lại bị phía Trung Quốc bắt giữ, tịch thu một ít dầu, đá lạnh cùng vài ngư cụ rồi thả ra. Trên đường về, ông mượn dầu từ các tàu cá đồng hương để tiếp tục đánh bắt.

 

Nhưng, chỉ vài ngày sau, ông lại bị phía Trung Quốc rượt đuổi ở khu vực đảo LinCon, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Lần này, chúng dắt tàu của ông về đảo Hải Nam. Tại đây, ông gặp các ngư dân đi trên tàu cá của ông Dương Lúa - Lê Lộc, cũng ở Lý Sơn - bị bắt trước đó ít ngày. Sau 4 ngày bị giam giữ, bỏ đói, 40 ngư dân đi trên 3 tàu cá bị dồn lên chiếc tàu QNg 96004 TS để thả về. Lần ấy là vào tháng 10.2010.

 

Cám cảnh thuyền mượn, lưới mướn, ông và các bạn chài đánh liều vay mượn để đóng con tàu mới 1,4 tỉ đồng để trở lại Hoàng Sa hành nghề lặn. Tôi hỏi: Nếu được hỗ trợ, bác thích nhận gì nhất? Ông đáp ngay: “Tôi cần tiền để trả bớt nợ nần”.

 

Khoảng trống... trong căn nhà chật

 

Tôi đến nhà ngư dân Dương Thành Vinh, 41 tuổi, ở thôn Tây, xã An Hải - từng bị phía Trung Quốc tịch thu con tàu trị giá gần 900 triệu đồng, khi đang khai thác ở ngư trường Hoàng Sa - thì biết anh đã đi bạn, trở lại vùng biển này. Dương Văn Tân - anh trai của Dương Thành Vinh, cũng từng bị phía Trung Quốc bắt giữ, đánh đập - kể: Con tàu QNg 6364 TS là khối tài sản mà gia đình anh có được từ số tiền gom góp, dành dụm của các thành viên gồm anh chị em, hai cha mẹ già cùng con rể, con dâu.

 

Cả gia đình của ngư dân Dương Thành Vinh gồm 3 thế hệ sống trong căn nhà chưa đầy 60 mét vuông.

Cả gia đình của ngư dân Dương Thành Vinh gồm 3 thế hệ sống trong căn nhà chưa đầy 60 mét vuông.
 
Bao hy vọng đổi đời đều dành hết vào con tàu ấy. Đầu năm 2009, lần đầu tiên con tàu rẽ sóng ra khơi. Sau vài phiên biển, số hải sản bán được chưa đủ trả tiền lãi vay, thì đến tháng 8.2009 bị phía Trung Quốc bắt giữ, tịch thu. Sau lần ấy, đứa con gái lớn của anh phải bỏ học, vào Sài Gòn làm thuê, kiếm tiền phụ giúp gia đình.

 

Nói đoạn, anh Tân lấy tay chặn những giọt nước mắt chực trào ra trên gương mặt ngỡ chưa hề biết khóc: “Anh thấy đấy, hai em tui đều đã hơn 40 tuổi đời, nhưng chưa ai có được căn nhà để ra riêng. Ngoài các anh chị em tứ tán khắp nơi, tha phương cầu thực, hai cặp vợ chồng cùng các con chúng tôi với một người chị bị câm, cả thảy 10 người phải ở chung với cha mẹ già đã bước sang tuổi thất thập trong một ngôi nhà cũ, chưa đầy 60 mét vuông”.

 

Anh nói hồi chưa bị mất tàu, muốn vay mượn tiền, vàng của hàng xóm cũng dễ. Còn bây giờ, tàu thuyền không có, chỉ hai bàn tay trắng với một gia đình nheo nhóc, ai người ta dám cho mượn. Cứ dăm bữa, nửa tháng lại có người tìm đến đòi tiền nợ vay để đóng con tàu đã bị Trung Quốc tịch thu. Hiện tại, gia đình anh còn nợ hơn 600 triệu đồng, không biết đến bao giờ mới trả xong.

 

Tôi thắc mắc: Tại sao đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ về tiền bạc, vật chất cho ngư dân Lý Sơn, nhưng chính quyền địa phương lại bỏ qua gia đình anh - một trong những gia đình ngư dân “nghèo điển hình” ở huyện đảo này? Một người hàng xóm góp chuyện, cho đến lúc này, gia đình ngư dân Dương Thành Vinh chỉ nhận được một chiếc quạt máy và một tấm bản đồ quần đảo Hoàng Sa. Hết. Cứ mỗi lần có đợt hỗ trợ, ai cũng nghĩ lần này chắc sẽ có tên của ngư dân Dương Thành Vinh trong danh sách.

 

Thế nhưng, năm lần bảy lượt, mọi sự chờ đợi đều vô vọng. “Ước mong lớn nhất của gia đình tui bây giờ là được giúp đỡ một khoản tiền để trả bớt nợ, chứ nhìn thấy cảnh cha mẹ già rồi, mà phải chịu đựng những lời khó nghe từ các chủ nợ, anh em tui không chịu thấu” - anh Tân chua xót. Nhìn khắp lượt, căn nhà cũ của “đại gia đình” ngư dân Dương Thành Vinh chẳng có tài sản gì đáng giá. Nơi ở chật chội của 3 thế hệ trong một gia đình ấy đang chứa đầy những khoảng trống nợ nần, rất cần được lấp đầy.

 

Chuyện buồn của “ông ngoại trẻ”

 

Thật khó tin, nếu như không chính miệng thợ lặn Võ Minh Tâm (ở đội 8, thôn Tây, xã An Vĩnh) xác nhận: “Tui năm nay 38 tuổi, ngoài thâm niên 22 năm đi lặn ở vùng biển Hoàng Sa, tui đã “lên chức” ông ngoại rồi kia đấy”.

 

Tâm lấy vợ khi chưa đầy 20 tuổi. Vợ anh sinh một lèo cho anh những 4 đứa con. Đứa con gái lớn nhất vừa mới lấy chồng, sinh con. 3 đứa nhỏ hiện đang học phổ thông. “Được cái đứa nào cũng học giỏi, nhưng tui cũng không biết chúng có được học hành đến nơi đến chốn hay không, trong khi tiền ăn uống hằng ngày còn phải chạy từng bữa”.

 

Đầu năm nay, vợ chồng anh phải thế chấp sổ đỏ căn nhà chưa đầy 50 mét vuông để vay 60 triệu đồng ở ngân hàng về trang trải tiền độ nhật, chứ cả năm nay, chưa đi được phiên biển nào thì lấy đâu ra tiền.

 

Còn nhớ đúng ngày mùng 10 Tết âm lịch năm 2006, chiếc tàu cá QNg 6473 TS, công suất 320 CV, do ông Tâm làm thuyền trưởng cùng 12 ngư dân rời Lý Sơn thẳng hướng Hoàng Sa. Vào thời điểm ấy, con tàu có giá trị gần 100 cây vàng, tương đương 1,5 tỉ đồng.

 

Số tiền này, phần lớn được ông Tâm vay mượn từ các chủ nậu và bà con hàng xóm. Khi tàu của ông và tàu của người em cọc chèo Võ Minh Vương, chở theo 15 lao động đang đánh bắt ở Hoàng Sa thì bị phía Trung Quốc uy hiếp, bắt tàu đưa về đảo Hải Nam. “Sau khi tịch thu tàu, chúng giam giữ 28 ngư dân bọn tui chẳng khác gì ở tù, suốt 85 ngày ròng rã. Sau khi Bộ Ngoại giao can thiệp, được thả về cũng là lúc tui trắng tay...” - ông Tâm ngậm ngùi.

 

Mất tàu, ông Tâm xin đi bạn, mãi đến năm 2010 mới ky cóp, vay mượn được 400 triệu đồng, đóng mới con tàu 165 CV. Song, con tàu ấy cũng chỉ đi được vài phiên biển thì bị lốc tố đánh vỡ, chìm tại vùng biển Xà Cừ, quần đảo Hoàng Sa. Một chiếc tàu bị Trung Quốc tịch thu, chiếc kia bị sóng đánh chìm nghĩa là đã dồn “ông ngoại - kình ngư trẻ” Võ Minh Tâm vào thế bế tắc trước gánh nặng cơm, áo hằng ngày. “Mơ ước lớn nhất đời tôi là có lại được con tàu để ra Hoàng Sa bám biển làm ăn, kiếm tiền nuôi con, trả nợ, nhưng biết lấy đâu ra tiền bây giờ”?

 

Hai tiếng “bây giờ” của ông Tâm rất khó nghe, vì lúc đó ông bật khóc...   

 

Theo Phạm Khang
 Lao động