1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nâng mức kiểm tra với táo nhập khẩu sau vụ táo Mỹ nhiễm độc

(Dân trí) - Ngoài việc siết kiểm tra các lô táo xuất từ Mỹ sang Việt Nam, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) đã nâng mức kiểm tra ATTP từ mức thông thường lên mức kiểm tra chặt với tất cả các loại táo xuất từ các nguồn khác để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) khi trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này bên lề Hội nghị công tác BVTV năm 2014 vừa khai mạc sáng 29/1 tại Hà Nội.

Ô
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) đang trao đổi với báo chí (Ảnh: N.An)

Theo ông Hồng, sau khi xác đinh công ty Birdat Bros (ở bang California, Mỹ) là cơ sở duy nhất có táo nhiễm vi khuẩn Listeriosis, Cục BVTV đã chỉ đạo kiểm tra chặt tất cả các lô hàng táo xuất từ Mỹ sang Việt Nam. Nếu phát hiện có sản phẩm của doanh nghiệp bị cảnh báo và thu hồi thì táo đó sẽ bị tiêu hủy. Còn táo xuất từ các nguồn khác sang Việt Nam thì phải chờ sau khi có kết quả kiểm tra ATTP và đạt yêu cầu, thì mới được nhập vào Việt Nam để sử dụng. Điều này có nghĩa Việt Nam vẫn cho phép nhập khẩu táo từ các nguồn nước ngoài nhưng đã nâng lên mức kiểm tra chặt thay vì kiểm tra thông thường như trước kia.

“Việc kiểm tra chặt này sẽ được áp dụng cho tới khi bên Mỹ đã khắc phục được tình hình và không còn đe dọa với người tiêu dùng Việt Nam. Đồng thời, việc kiểm tra cho thấy các nhà xuất khẩu táo sang Việt Nam thực hiện tốt các yêu cầu về ATTP thì chúng ta sẽ quay lại chế độ kiểm tra ATTP theo phương thức thông thường,” ông Hồng khẳng định.

Ông Hồng cũng cho biết thêm rằng: Tất cả các loại táo cũng như các loại hàng hóa thực phẩm nông sản đang được nhập khẩu vào Việt Nam đều được kiểm tra ATTP theo quy định của thông tư 13 năm 2013 của Bộ NN&PTNT. 

Không sợ thiếu trái cây

Trước sự việc táo Úc bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam do bệnh ruồi đục quả Địa Trung Hải và chị chặn lại và táo Mỹ bị kiểm tra chặt sau vụ nhiễm độc, ông Hồng khẳng định rằng: Việt Nam không sợ thiếu nguồn cung trái cây vì nước ta nhập khẩu khá nhiều trái cây từ các nước ngoài. Hơn nữa, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu nhiều trái cây đi thế giới.

“Chúng ta nhập khẩu khoảng trên 500 triệu USD/năm các trái cây từ các nước nhưng chúng ta đang xuất khẩu trái cây với kim ngạch hơn 1,4 tỷ USD/năm. Nghĩa là chúng ta đang xuất siêu khoảng gần 1 tỷ USD hoa quả sang các nước,” ông nói. 

Cục BVTV mới đang xem xét và chưa cấp phép nhập khẩu táo Ba Lan vào Việt Nam (Ảnh minh họa)
Cục BVTV mới đang xem xét và chưa cấp phép nhập khẩu táo Ba Lan vào Việt Nam (Ảnh minh họa)

Trước thông tin về việc táo Ba Lan đang được rao bán khá phổ biến trên thị trường Việt Nam sau vụ việc táo Mỹ nhiễm độc, ông Hồng nói: “Hiện nay chúng tôi đang có các thương lượng với phía bạn để có thể cho phép họ xuất khẩu một số trái cây sang Việt Nam, đồng thời phía Ba Lan cũng sẽ cho phép Việt Nam xuất khẩu các loại trái cây sang nước họ.”

Điều này có nghĩa Cục BVTV mới đang xem xét và chưa cấp phép nhập khẩu táo Ba Lan vào Việt Nam. Giải thích về việc trên thị trường lại đang quảng cáo bán rất nhiều loại táo Ba Lan, ông Hồng hứa sẽ xem xét lại cụ thể vấn để. Ông cũng cho rằng có thể là trước đây họ đã từng được nhập khẩu theo những quy định trước đây nhưng số lượng tôi cho là chưa nhiều.

Trước lo ngại rằng liệu táo Trung Quốc có nguy hiểm đối với người tiêu dùng không, ông Hồng nhấn mạnh: Không có loại táo nào hay hoa quả nào được coi là nguy hiểm cả vì tất cả các loại táo và các loại hoa quả nói chung khi được nhập khẩu vào Việt Nam đều được kiểm tra về ATTP theo quy định của pháp luật Việt Nam và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. 

Theo Cục BVTV, kết quả kiểm tra ATTP trên hàng hóa nông sản nhập khẩu trong 3 năm (2012-2014) cho thấy số mẫu vi phạm quy định chiếm tỷ lệ thấp trên tổng số mẫu kiểm tra. Năm 2014 chỉ có 5 mẫu vi phạm, chiếm tỷ lệ 0,5%, trong đó có 3 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép.

Lý giải điều này, ông Hồng nói: “Khi chúng ta tăng cường công tác kiểm tra chặt và làm tốt công tác ATTP thì buộc người sản xuất và người xuất khẩu cũng phải có những động thái đảm bảo ATTP tốt hơn đối với chúng ta. Đồng thời, ở các nước xuất khẩu trái cây, họ đều có các chương trình, kế hoạch và biên pháp đảm bảo ATTP, đảm bảo kiểm dịch thực vật để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.”

Nguyên An