Huế:
Nạn khai thác cát “mài mòn” dòng sông Hương di sản
(Dân trí) - Năm 2001, UBND tỉnh TT-Huế đã ban hành Chỉ thị tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát sạn trên sông, nhưng thực tế các hoạt động khai thác cát trái phép ở một số đoạn của sông Hương vẫn diễn ra công khai và gần như bị “thả nổi” khâu quản lý.
Tuyến đường Minh Mạng được mệnh danh là cung đường du lịch của Huế, bởi nó là con đường nối liền các lăng Minh Mạng, Thiệu Trị, Gia Long…. với cảnh sắc sông Hương ở thượng nguồn đoạn qua cầu Tuần, tạo nên một bức tranh phong cảnh đẹp mắt. Thế nhưng, từ năm 2003 trở lại đây, 6 doanh nghiệp kinh doanh cát sạn, vật liệu xây dựng dọc theo tuyến đường Minh Mạng đoạn qua xã Thuỷ Bằng, huyện Hương Thuỷ đã làm cho đoạn đường này cả thuỷ lẫn bộ đều bị băm nát.
Dưới thuỷ “sa tặc”, trên bộ xe ben
Từ ngã ba Bẵng Lẵng về đến điện Hòn Chén - khu du lịch tâm linh nổi tiếng đất Cố Đô - qua địa phận hai xã Hương Thọ (Hương Trà) và Thuỷ Bằng (Hương Thuỷ) có hàng trăm lượt tàu thuyền khai thác cát sạn cả ngày lẫn đêm.
Hàng chục thuyền lớn nhỏ tập trung khai thác san sát giữa lòng sông Hương di sản.
Sau 4 năm khai thác nở rộ, 4 hộ dân của xã Thuỷ Bằng đã di dời khỏi ngôi nhà cũ của mình nhường đất cho thuỷ thần gặm nhấm. Bà Nguyễn Thị Xoèn (làng Dương Phẩm), người “mất nhà” do sạt lở năm 2006) cho biết: “Chỉ mấy năm thôi, mà nước sông Hương đã vô tới móng nhà. Ngày xưa tui về định cư ở đây, nước sông cách vườn nhà tui cả chục mét. Lở đất, ăn lần mà đến nay thành ra như rứa đó. Nếu không có khai thác cát sạn thì không đến nổi như thế này đâu”.
Sông Hương đoạn qua xã Thuỷ Bằng dài 13km, đã được kè chống sạt lở 3km. Nhưng đoạn sông này tập trung đến 6 doanh nghiệp với khả năng cung ứng 1.000m3/doanh nghiệp/ngày. Cao điểm vào mùa xây dựng tháng 4 đến tháng 7, mỗi ngày doanh nghiệp bán về TP Huế cả nghìn m3 cát.
Bãi khai thác, vận chuyển cát của một DN.
Theo quan sát của chúng tôi tại các bãi cát sạn của ông Nguyễn Hai, Tuyết Liêm, Bên Than… các doanh nghiệp cắm trực tiếp ống hút cát sạn xuống mép sông, dùng bơm thuỷ lực rút ruột sông ngay cạnh bờ cách 1m. Việc hút cát trực tiếp thường được thực hiện vào buổi sáng sớn từ 4-6h và buổi chiều từ 4-6h. Những ngày cao điểm, các doanh nghiệp hút nguyên ngày để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Từ ngày có các bãi tập kết cát sạn, cung đường Minh Mạng trở thành thánh địa vận chuyển cát sạn về TP Huế. Mỗi ngày hàng nghìn lượt xe tải trọng tấn 1-7m3 thi nhau bằm nát con đường. Chị Nguyễn Thị Minh ở số nhà 27 Minh Mạng cho biết: “Xe ben chở cát thi nhau chở cát về thành phố, nhiều xe còn tranh nhau đường, lại đi nhanh nên gây tai nạn cho người đi xe máy. Ngày trước đường mới làm thì còn đỡ, chứ thời gian gần đây, đường xuống cấp bụi bặm nhiều không thể tả nổi”.
Bế tắc trước nạn “sa tặc” hoành hành?!
Từng đoàn xe tải chở cát nối đuôi nhau trên đường Minh Mạng.
Du khách đi thuyền qua điện Hòn Chén hết sức ngỡ ngàng trước “tiếng máy át tiếng người” của thuyền khai thác. Chị Trần Khánh Vy - Việt Kiều Úc tâm sự: “Ở đây người ta khái thác cát sạn quá tuỳ tiện, không thấy cắm mốc khu vực nào cho khai thác nên nhiều lúc đang nói chuyện, người ta cho máy nổ, không còn nghe nhau nói cái gì nữa. Du lịch như thế này sẽ mất điểm trong lòng du khách”.
Những "núi" cát vẫn ngày một cao, đồng nghĩa với việc dòng sông di sản vẫn từng ngày bị "rút ruột".
Năm 2001, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát sạn trên sông, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho lực lượng CSGT đường thuỷ và UBND các địa phương trực tiếp quản lý, chấn chỉnh khai thác cát sạn trên sông.
Tuy nhiên thực tế các hoạt độ khai thác cát trái phép ở Thủy Bằng và Hương Thọ vẫn diễn ra công khai và gần như bị “thả nổi” khâu quản lý. Ông Nguyễn Thái- Chủ tịch UBND xã Thuỷ Bằng cho hay: “Sáu doanh nghiệp khai thác cát sạn đều được cấp giấy phép khai thác. Tuy nhiên, số lượng tàu thuyền khai thác cát sạn tại khu vực xã Thuỷ Bằng lên đến trăm chiếc từ các phường Kim Long, Hương Long, Vỹ Dạ… của TP Huế lên khai thác lại không được cấp phép khai thác.
Lực lượng CA viên của xã chỉ có 3 người, không thể đêm nào cũng trực để ngăn chặn. Cảnh sát giao thông đường thuỷ thỉnh thoảng lắm mới đi kiểm tra nên truy quét sa tặc coi như bế tắc”.
Vì vậy, vì lợi nhuận mà cả ngày lẫn đêm, các doanh nghiệp và hộ dân khai thác trái phép vẫn miệt mài “rút ruột” dòng sông di sản, bất chấp những tác động xấu tới cuộc sống người dân và hình ảnh của các di tích, danh thắng ở đôi bờ sông Hương.
Bài và ảnh: Hoàng Thùy