1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nạn “chặt chém” vẫn diễn ra trong ngày đầu Festival Huế 2010

(Dân trí) - Mặc dù, ngành du lịch Huế đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn nạn “chặt chém” trong những ngày diễn ra Festival Huế 2010, song ngay trong đêm khai mạc, nhiều du khách đến với Huế đã không được hài lòng vì những dịch vụ này.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, vì là đêm khai mạc nên lượng khách đổ về Đại Nội rất đông. Nhân cơ hội này, những bãi giữ xe cũng mọc lên kín vỉa hè hai bên đường Trần Hưng Đạo và Lê Duẩn với giá cắt cổ, 10.000 đồng/xe máy. Rất hiếm điểm giữ xe có mức giá thấp hơn tại khu vực này. Dù biết bị “chặt chém” nhưng hàng ngàn du khách đành ngậm ngùi rút ví.
 
Nạn “chặt chém” vẫn diễn ra trong ngày đầu Festival Huế 2010 - 1
Dịch vụ giữ xe tha hồ nâng giá.

Anh Lê Văn Tân, ở Phú Thượng (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) lắc đầu: “Đã lên đến đây rồi thì họ nói 10 ngàn chứ đến 20 ngàn cũng chịu. Vì nếu quay về cũng không về được vì giờ này tắc đường kinh khủng”.

Trước giờ khai mạc Festival Huế 2010 khoảng 10 phút, những người đến sau phải gửi xe ở cách xa khu vực sân khấu cả cây số. Một số người cố gắng len lỏi, quay lại tìm cách vào gửi xe trong các nhà sách, siêu thị trên đường Trần Hưng Đạo mong gửi được xe nhưng đều nhận được cái xua tay: “Hết chỗ rồi!”.

Ngay sau khi lễ khai mạc diễn ra, dù trời đổ mưa nhưng nhiều người dân và du khách phải âm thầm ra về trong nuối tiếc và một chút thất vọng.

Đánh vào tâm lý “chịu chi” của du khách đến với lễ hội, những điểm dịch vụ giải khát quanh khu vực Thành nội cũng đồng loạt tăng giá để “móc túi” du khách. Khảo sát tại một số điểm bán nước mía trên đường Lê Duẩn, giá nước mía là 5.000 - 8.000 đồng/ly, gấp đôi, thậm chí gấp 3 chỉ so với buổi chiều cùng ngày. Đáng nói hơn, có chủ dịch vụ giải khát còn “làm ẩu” để chạy theo số lượng.

Chị Luyến, một du khách từ Hà Nội vào Huế cho biết: “Tôi vào Huế được 2 hôm nay, đi chỗ nào cũng thấy nước mía chỉ 3.000 là cùng, thế mà tối nay họ hô giá cắt cổ. Tôi có hỏi thì họ nói ngày thường khác, ngày lễ hội khác. Thế thì chịu chứ biết làm sao?”.

Trong khi BTC đang cố gắng nhằm mang đến một kỳ Festival đặc sắc, hoành tráng và tạo được sự hài lòng đối với du khách gần xa thì những tình trạng trên lại đang tồn tại gây nên ấn tượng không tốt. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần quan tâm và có những giải pháp ngăn chặn kịp thời để Festival Huế 2010 hoàn hảo hơn.
 
 
Tắc đường nặng
Nạn “chặt chém” vẫn diễn ra trong ngày đầu Festival Huế 2010 - 2
Giao thông ùn tắc khiến dòng người nhích từng tí một mới đến được khu vực diễn ra đêm khai hội.
 
Lưu lượng các phương tiện giao thông đã tăng đột biến đã khiến nhiều tuyến đường ùn tắc trước và sau lễ khai mạc. Tại một số
điểm như: đường Trần Hưng Đạo, Lê Duẫn, cầu Phú Xuân, cầu Tràng Tiền… giao thông liên tục bị dồn ứ, người điều khiển xe máy phải nhích từng bước chân để đến điểm gửi xe, sau đó mới vào được khu vực diễn ra đêm khai hội.

Không còn chỗ dù vẫn có vé

Trong khu vực khai mạc, có khoảng gần 100 người tuy có vé nhưng đã không còn chỗ ngồi (không biết nguyên nhân là thế nào?). Nhiều người bức xúc phản ánh với cơ quan chức năng nhưng vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Những người này đành chấp nhận phương án ngồi bệt giữa đất xem.

Tác nghiệp trong mưa
Nạn “chặt chém” vẫn diễn ra trong ngày đầu Festival Huế 2010 - 3
Một mảnh nilon chỉ đủ che được "máy cưng".

Đêm qua, khi lễ khai mạc mới diễn ra chưa đầy 1/3 thời gian thì bỗng có mưa nhẹ. Sau đó, cơn mưa ngày càng nặng hạt làm cho toàn bộ mọi người (hầu hết không có áo mưa) bằng cách này, cách khác che mưa.

Tận dụng những thứ hiện có như poster Festival, vỏ bọc chân máy ảnh hay chỉ là một mảnh áo mưa chỉ để che cho máy “cưng”, cánh phóng viên đã có một đêm đứng dầm mưa tác nghiệp mặc cho mưa gió vây quanh.

Đại Dương - Thành Chung - Khánh Hằng