Năm 2016 có 20 người đứng đầu bị xử lý vì để xảy ra tham nhũng
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ cho biết năm 2016 có 20 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng đã bị xử lý, trong đó có 1 người bị xử lý hình sự, 10 người bị cảnh cáo, khiển trách…
Báo cáo tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 được Thanh tra Chính phủ công bố hôm nay (11/1) cho biết, năm 2016 có 20 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý. Cụ thể, ở Bạc Liêu có 1 người, Hậu Giang 1 người, Hòa Bình 1, Kiên Giang 2, Tây Ninh 2, Thanh Hóa 2, Thừa Thiên- Huế 1, Vĩnh Long 3, Bình Thuận 3, Cần Thơ 4. Trong số này có 1 người đứng đầu đã bị xử lý hình sự, 10 người bị xử lý kỷ luật hành chính bằng các hình thức như cảnh cáo, khiển trách.
Kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức tại gần 2.300 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, trong đó số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý là 24 người.
Ngoài ra, qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 30 vụ, 60 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 16 vụ, 20 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan, tổ chức đã phát hiện 05 vụ, 05 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.
Thanh tra Chính phủ thừa nhận kết quả phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra trách nhiệm trong thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng vẫn còn thấp. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Thực trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra và nhất là giữa thanh tra với kiểm toán nhà nước vẫn còn xẩy ra.
“Tiếp công dân chưa gắn với đối thoại để giải quyết; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo giải quyết còn chậm, vẫn còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh, giải quyết chưa dứt điểm”- báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Cơ quan thanh tra đán giá, không ít địa phương thực hiện chưa tốt công tác phòng, chống tham nhũng. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tuy có tiến bộ so với năm trước nhưng vẫn còn hạn chế, số vụ việc phát hiện còn ít.
Bảo vệ người tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng
Năm 2017 Thanh tra Chính phủ tiến hành đổi mới công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra theo chuyên đề, giảm thanh tra vụ việc, chú trọng thực hiện tốt mục tiêu của thanh tra là tập trung vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật.
Nội dung thanh tra tập trung theo hướng tiếp tục tăng cường thanh tra trách nhiệm công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành trên các lĩnh vực quản lý: đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; việc quản lý mua sắm tài sản và quản lý tài chính công; việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản; việc quản lý vốn chủ sở hữu, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; công tác quản lý, sử dụng đất đai, giao đất, giao rừng; quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản; quản lý chi bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế địa phương quản lý; việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng
Trong công tác phòng, chống tham nhũng sẽ tăng cường phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý các hành vi tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Đi liền với đó là xử lý những hành vi lợi dụng chống tham nhũng để vu khống, tố cáo sai sự thật; chú trọng xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xẩy ra tham nhũng và động viên, khen thưởng, bảo vệ người tố cáo và tố giác hành vi tham nhũng.
Thế Kha