1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Năm 2008: Gộp sổ đỏ, sổ hồng thành một

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn sáng 27/12. Theo ông Nguyên, khả năng sẽ lấy giấy đỏ làm giấy chuẩn và giấy mới sẽ có mã vạch để thuận tiện cho việc quản lí.

Bên lề buổi giao lưu trực tuyến của Bộ Tài Nguyên - Môi trường cùng 64 sở với người dân xung quanh các lĩnh vực do Bộ này quản lí, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã có cuộc trao đổi cởi mở với báo chí.

Xin Bộ trưởng cho biết, việc hợp nhất các loại giấy tờ sẽ được thực hiện như thế nào?

Cả quốc hội, Chính phủ cùng thống nhất chỉ có 1 loại giấy. Việc triển khai thực hiện sẽ căn cứ trên Luật đất đai là chính và tiến tới sẽ chỉ có một loại là giấy đỏ. Thực tế, nếu nghiên cứu kỹ thì tất cả các nội dung ghi trên 2 tờ giấy đỏ, giấy hồng là gần như nhau, chỉ có điều, mỗi giấy có nét đậm riêng. Đối với giấy đỏ thì viết đậm các phần liên quan đến đất đai, còn đối với giấy hồng thì ghi đậm những phần liên quan đến tài sản gắn liền với đất.

Về mặt chủ trương thì rõ rồi, vấn đề ở đây chủ yếu thuộc về kỹ thuật là làm sao tạo điều kiện cho người dân khi thực hiện quyền của mình chỉ cần 1 loại giấy.

Liệu có một thời gian ấn định cho việc gộp thành một loại giấy không?

Theo tôi là trong 2008 là phải thống nhất được một loại giấy và khả năng sẽ lấy giấy đỏ làm giấy chuẩn. Tiến tới chúng ta sẽ đổi ra một loại giấy mới dựa trên cơ sở công nghệ thông tin, quản lý bằng mã vạch. Chỉ cần đưa vào máy là biết giấy thật hay giấy giả. Chủ trương của bộ là nghiên cứu để đến năm 2010 khi có luật đất đai mới ra đời sẽ có một loại giấy điện tử.

Ngày 26/12, Chính phủ có đề cập đến việc giao cho Bộ TN-MT tính giá đất, thay vì Bộ Tài chính như trước. Quan điểm của ông như thế nào?

Về giá đất đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư... theo Luật đất đai là giao cho Bộ Tài xhính. Trong thời gian vừa rồi Bộ Tài chính cũng đã có nhiều phương pháp xác định hiện đại. Tuy nhiên, trong điều kiện của Việt Nam có rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau và việc xác định giá đất là rất phức tạp...

Giao cho cơ quan nào thì Chính phủ đang bàn, tuy nhiên Bộ TN-MT cũng rất muốn Chính phủ giao cho Bộ để chúng tôi làm.
 
Nếu Bộ TN-MT đảm nhận sẽ có lợi thế gì?

Năm 2008: Gộp sổ đỏ, sổ hồng thành một  - 1

Ông Phạm Khôi Nguyên (bên phải) cùng các chuyên viên giao lưu với người dân.

Một là xác định giá đất thì phải từ các loại đất. Thứ hai là chúng tôi có hệ thống các Sở TN-MT ở các địa phương. Thứ 3 là chúng tôi có một đội ngũ được học về tài chính và kinh tế đất đai. Thứ tư là với các phương pháp tiếp cận thì cũng giống với Bộ Tài chính nhưng đi điều tra khảo sát thì người làm sát nhất là sở tài nguyên môi trường.

Người dân vẫn ca thán rất nhiều xung quanh chuyện đất đai, vậy lỗi ở đây theo ông là do chính sách đất đai quá phức tạp hay là các địa phương làm méo mó đi?

Người dân, doanh nghiệp cũng kêu ca, Trung ương, địa phương cũng kêu ca nhưng phải nhìn nhận ở khía cạnh, đất đai là một vấn đề hết sức phức tạp. Về quan điểm của tôi, thứ nhất các cơ quan quản lý nhà nước về chính sách chế độ phải theo kịp những biến động quá nhanh. Tới đây sẽ phải có xem xét sửa đổi, điều chỉnh về mặt pháp luật.

Thứ 2 là cách hiểu và áp dụng ở địa phương như thế nào là vấn đề rất quan trọng vì hiện nay luật đất đai phân cấp, gần như là giao toàn quyền cho chủ tịch UBND.

Trong phiên họp Chính phủ vừa rồi đã đề cập đến việc sửa đổi Luật đất đai. Việc sửa luật sẽ tập trung vào những vấn đề nào, thưa ông?

Trong thời gian tới, Bộ sẽ chủ trì các bộ ngành tiến hành sửa đổi một số điểm quan trọng nhất của Luật đất đai. Trước hết sẽ sửa đổi một số điều liên quan đến quy hoạch sử dụng đất để làm sao dành được diện tích đất an toàn cho sản xuất lương thực, thực phẩm với dân số dự kiến 100 đến 120 triệu dân trong tương lai.

Tiến hành rà soát lại 3 loại rừng, nhằm vừa bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng đồng thời dành ra được một quỹ đất tương đối lớn cho sản xuất. Tiến hành sửa đổi như thế nào để cho các quy hoạch như đất nông nghiệp, đất đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng... phải thể hiện được rõ ràng. Cuối cùng là phải phân cấp quy hoạch cho rõ ràng.

Về vấn đề cần tập trung sửa đổi trong thời gian tới là vấn đề giá đất, đền bù, GPMB, thu hồi đất, tái định cư và giải quyết công ăn việc làm.

Xin cảm ơn ông!

Mạnh Cường