1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Năm 2007 - Ngoại giao phục vụ kinh tế

Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Năm 2007, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với ngành Ngoại giao là ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng đã dành cho báo giới cuộc phỏng vấn về vấn đề này.

Thưa Thứ trưởng, năm 2007, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với ngành ngoại giao là ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế. Vậy, cách làm của chúng ta có gì khác so với trước?

Ngoại giao phục vụ kinh tế trong năm mới vẫn có những điểm như trước, nhưng có những điểm phải mới hơn. Điểm vẫn như trước là tìm và mở thị trường xuất khẩu hàng hoá mới, đồng thời, vừa củng cố và mở rộng những thị trường vốn có.

Điểm mới là, gia nhập WTO thì có thay đổi tương đối lớn về vấn đề đầu tư do quá trình tự do hoá, mở cửa trong lĩnh vực đầu tư, sẽ có những làn sóng đầu tư mới trong những lĩnh vực mới. Thứ hai, vào WTO rồi, chúng ta còn phải tham gia tiếp vào tiến trình của WTO, mà cụ thể là vòng đàm phán Doha, nhằm góp tiếng nói bảo vệ quyền lợi của các nước đang phát triển. Vòng đàm phán Doha có nhiều nội dung, trong đó có những nội dung liên quan đến Việt Nam, đó là vấn đề trợ cấp nông nghiệp. Thứ 3, hiện nay đang hình thành rất nhiều hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương.

Thực tế, Việt Nam đã và đang thảo luận, tham gia nhiều khu vực thương mại tự do như: Khu vực Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, ASEAN - Ấn Độ (đang thảo luận) và ASEAN - Nhật Bản.

Thậm chí, tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14 được tổ chức vừa qua ở Hà Nội, một số nước đã đề nghị là thành lập Khu vực Thương mại tự do APEC, hay sắp tới (tháng 1/2007), chúng ta sẽ đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Nhật Bản. Nếu thành công, đây là Hiệp định Thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với nước ngoài.

Đó là nhưng vấn đề mới sau WTO mà chúng ta đã nhìn thấy trước. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ phải theo luật chơi của WTO. Khi chúng ta xuất khẩu càng nhiều thì "tranh chấp thương mại" càng nhiều, mà xử lý những tranh chấp này rất phức tạp - đây là một trong những vấn đề mới đặt ra cho ngành ngoại giao. Tầm vóc mới của ngoại giao phục vụ kinh tế là như vậy.

Gia nhập WTO, thông tin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thông tin từ cơ quan đại diện nước ngoài, các Đại sứ quán là một kênh quan trọng, không chỉ đối với Chính phủ, mà còn cho cộng đồng doanh nghiệp, song, thực tế trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phàn nàn về những thông tin này quá chung chung. Vậy, công tác cung cấp thông tin của các cơ quan đại diện ở nước ngoài sẽ đổi mới như thế nào?

Để có được thông tin quan trọng khó lắm! Thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, báo chí… chủ yếu là tin công khai, còn để có tin mật, tin giá trị về kinh tế là một việc rất khó.

Ví dụ, về diễn biến tài chính khu vực thời gian tới như thế nào, nếu chỉ đọc báo thì không thể biết được, phải có thông tin từ bên trong mới biết được điều gì sẽ xảy ra, xảy ra như thế nào, qui mô ra sao?

Vấn đề là phải có quan hệ để lấy được những thông tin đó gửi về nước. Tin đã về nước cũng phải có bộ phận phân tích, tổng hợp, đánh giá để có những thông tin có giá trị kinh tế. Hiện nay, chúng ta có 80 cơ quan đại diện ở nước ngoài, gửi rất nhiều tin về nhưng chúng ta phải "lọc" những tin này. Bộ Ngoại giao đang bàn việc này.

Theo Thứ trưởng, cơ chế "lọc" thông tin này như thế nào để hiệu quả nhất ?

Cơ chế "lọc" thông tin, thì hiện nay Bộ Ngoại giao đang có các Vụ Kinh tế. Sắp tới, Bộ Ngoại giao sẽ thành lập Viện Nghiên cứu kinh tế, và yêu cầu là phải có những học giả, chuyên gia phân tích kinh tế kinh nghiệm để phân tích, xử lý thông tin phục vụ cho hoạt động kinh tế.

Nhiều đại sứ cho biết, sẽ dành 70% thời gian để phục vụ cho công tác ngoại giao phục vụ kinh tế. Nhưng, nếu chúng ta không thiết lập được cơ chế "cả đôi bên cùng có lợi" (tức là doanh nghiệp mua thông tin, đại sứ làm theo đơn đặt hàng), thì khó mà hiệu quả được. Vậy, làm thế nào để các cơ quan đại diện bán được tin ?

Chúng ta chưa bàn việc chia sẻ trách nhiệm tài chính trong thu thập thông tin. Có một thực tế, ví dụ như chính sách nhập khẩu thuỷ sản sắp tới của Mỹ, sẽ như thế nào? Không phải mặc nhiên mà chúng ta có được thông tin? Chỉ có thể có khi cơ quan đại diện tại Mỹ có quan hệ tốt.

Hay, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASSP) có sẵn sàng trả tiền để có những thông tin đó không? Mặc dù, tôi vẫn biết thông tin là vàng, thông tin quyết định trên 50% sự thành bại trong làm ăn, nhưng rõ rõ ràng, chúng ta cũng đang yếu về thông tin.

Thưa thứ trưởng, Bộ Ngoại giao hoàn toàn có thể ban hành cơ chế để đánh giá nhiệm vụ và hoạt động của cơ quan đại diện hàng năm, nhằm xác định rõ trách nhiệm và hiệu quả công tác?

Trước đây, Bộ Ngoại giao giao công việc cho các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài theo "khối lượng", nhưng chúng tôi thấy cách đó nhiều khi "cứng nhắc", nên bây giờ giao theo đầu công việc cụ thể cho từng sứ quán những việc lớn cần làm.

Ví dụ, đối với cơ quan đại diện tại Nhật Bản, năm 2007 phải khởi động đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản - đây là Hiệp định quan trọng, có ý nghĩa gần như WTO + (cộng).

Nếu đàm phán được sẽ rất thuận lợi cho phát triển kinh tế của nước ta. Hoặc là đối với cơ quan đại diện ở khu vực châu Phi, hay một số nước có dầu lửa, cố gắng tạo điều kiện để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia đầu tư vào các giếng dầu ở đó.

Đây là việc rất khó và vất vả, bởi đa số các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường "chậm hơn" các doanh nghiệp nước ngoài.

Xin cám ơn Thứ trưởng!

Theo VOV web

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm