1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Năm 2006, bỏ thi tốt nghiệp trung học cơ sở

Sau nhiều tranh cãi, chiều 20/5, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật giáo dục (sửa đổi). Theo đó, từ năm 2006, học sinh học hết chương trình THCS có đủ điều kiện sẽ được cấp bằng tốt nghiệp.

Nhằm tránh những tiêu cực nảy sinh do việc bỏ thi tốt nghiệp, Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Bộ GD&ĐT phải chỉ đạo sát việc thực hiện chương trình giáo dục, tổ chức tốt kiểm tra hết môn, học kỳ, cuối năm để đảm bảo chất lượng. Song song với bỏ thi tốt nghiệp, kỳ thi tuyển sinh vào các trường THPT, Trung học nghề phải thực hiện nghiêm túc.

Trong khi vấn đề bỏ thi tốt nghiệp THCS được đa số đại biểu tán thành thì trước giờ biểu quyết, cuộc tranh cãi về tên gọi các bậc học vẫn chưa ngã ngũ. Theo kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu, có 45,48% đại biểu tán thành phương án giữ nguyên 3 cấp: tiểu học, THCS, THPT. Trong khi, 43,9% lại cho rằng nên đổi thành cấp 1, 2, 3.

Với lý lẽ tên gọi tiểu học, THCS, THPT đang dần đi vào cuộc sống và phù hợp với câu chữ trong Hiến pháp, Quốc hội đã biểu quyết tán thành phương án giữ nguyên tên gọi các cấp học.

Tuy nhiên, điểm mới trong dự án Luật sửa đổi là quy định "một chương trình thống nhất sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa" đã không được Quốc hội thông qua. Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, nếu có nhiều bộ sách có thể huy động được trí tuệ xã hội, tạo điều kiện lựa chọn một số bộ sách giáo khoa tốt nhất. Nhưng đa số đại biểu lại cho rằng, trong tình hình hiện nay, cần tập trung chỉ đạo biên soạn thật tốt 1 bộ sách giáo khoa sử dụng thống nhất trong cả nước.

Để tránh tình trạng chất lượng sách thấp do "độc quyền", Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT có biện pháp thu hút những nhà giáo có kinh nghiệm tham gia biên soạn, tổ chức thẩm định sách giáo khoa phổ thông.

Cuối buổi chiều 20/5, Quốc hội đã thông qua Luật quốc phòng. Buổi sáng, Luật thương mại (sửa đổi) và Luật kiểm toán cũng đã được thông qua.

Theo VnExpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm