1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Nải chuối nghĩa tình của đồng chí Sáu Dân”

(Dân trí) - Chính sự chăm sóc ân cần của lãnh đạo thành phố, những “nải chuối thắm đượm nghĩa tình” của đồng chí Sáu Dân đã là động lực vô cùng to lớn cho các trí thức miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp cho công cuộc tái thiết thành phố sau giải phóng.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), sáng 18/4, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và đội ngũ trí thức tiêu biểu thành phố. Buổi gặp gỡ nhằm ghi nhận, biểu dương những đóng góp của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển của thành phố trong 40 năm qua; đồng thời nhân dịp này, lãnh đạo thành phố cũng lắng nghe những đóng góp của đội ngũ trí thức đối với quá trình xây dựng và bảo vệ thành phố.

Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM cùng 350 đại biểu trí thức tiêu biểu là đại diện cho hơn 1 triệu các nhà khoa học lão thành, các Nhà giáo Nhân dân, nhà khoa học đầu ngành, Thầy thuốc Nhân dân, trí thức Việt kiều… trên địa bàn TPHCM ở các lĩnh vực đã tham dự buổi gặp gỡ.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải bắt tay chào mừng các trí thức tiêu biểu

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải bắt tay chào mừng các trí thức tiêu biểu

Nải chuối nghĩa tình

Đại diện cho lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn bồi hồi nhớ lại những tháng ngày lịch sử của 40 năm về trước. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, núi liền núi, sông liền sông, “được làm công dân của một nước độc lập, được sống ngẩng đầu trên đất nước thân thương của mình quả thật là hạnh phúc”, GS.TS Ngọc Sơn không giấu được cảm xúc.

Theo GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, sau 30/4/1975, đa số anh chị em trí thức thành phố tuy có thể có người chưa hiểu rõ cách mạng nhưng do gắn bó với đất nước quê hương nên đã quyết tâm ở lại. Tháng 8/1975, Hội Trí thức yêu nước chính thức ra mắt nhằm tập hợp trí thức tại chỗ, ổn định tư tưởng, từng bước tạo điều kiện để anh chị em đến với cách mạng, làm quen cuộc sống mới…

Tuy nhiên, những tháng đầu sau giải phóng, anh chị em trí thức tại chỗ như GS.TS Sơn hoà nhịp vào cuộc sống mới không phải lúc nào cũng dễ dàng. “Cũng có những suy tư, băn khoăn, cũng có những người bỏ cuộc nửa chừng, những ra đi vào tháng ngày quá khó khăn của đất nước, nhưng phải nói rằng tuyệt đại bộ phận anh chị em đã thắng trận đối với chính mình, vì tấm lòng yêu nước truyền thống của dân tộc, vì mình là “con của ba mẹ và ba mẹ chính là quê hương mình” nên họ đã ở lại với quê cha, đất tổ”, GS.TS Sơn nói.

GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn xúc động kể về nải chuối nghĩa tình của đồng chí Sáu Dân

GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn xúc động kể về "nải chuối nghĩa tình của đồng chí Sáu Dân"

Trong khó khăn đó, lãnh đạo TPHCM đã triển khai những biện pháp chăm lo đời sống cho anh chị em trí thức như mang gạo thịt đến từng gia đình khó khăn, cấp xăng dầu hàng tháng… Ngày ấy, những đồng chí lãnh đạo Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Vĩnh Nghiệp… luôn động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất, tìm nhiều cách để hỗ trợ cho đội ngũ trí thức yên tâm làm việc.

GS.TS Sơn kể lại rằng, sau giải phóng, một nhóm nghiên cứu khoa học do ông hướng dẫn làm việc đến hơn 9h đêm ở phòng thí nghiệm của trường Tổng hợp. Biết chuyện, thương anh chị em, đồng chí Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã tự tay ban đêm ra vườn chặt nải chuối chín để các anh chị em trí thức ăn đỡ mệt.

Chính sự chăm sóc ân cần của lãnh đạo thành phố, những “nải chuối thắm đượm nghĩa tình” của đồng chí Sáu Dân đã là động lực vô cùng to lớn cho các trí thức miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp cho công cuộc tái thiết thành phố sau giải phóng.

GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn xúc động kể về nải chuối nghĩa tình của đồng chí Sáu Dân

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam, Giáo sư trẻ nhất Việt Nam đại diện cho thế hệ trí thức trẻ phát biểu cảm xúc tại buổi gặp gỡ

Học vì đất nước

GS.TS Ngô Văn Lệ (Hội Nhân học/Dân tộc học TPHCM) cho biết, ông xuất thân từ một người lính. Những năm tháng ông được cử đi đào tạo là thời kỳ ác liệt của cuộc chiến tranh. “Lúc đó, chúng tôi học vì đất nước và hầu như ít nghĩ về cá nhân. Với một niềm tự hào, một nghị lực vươn lên trong khó khăn, một tinh thần trách nhiệm đối với đất nước đã giúp cho chúng tôi học tập tốt”, GS.TS Ngô Văn Lệ tâm sự.

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam, Giáo sư trẻ nhất Việt Nam đại diện cho thế hệ trí thức trẻ cho biết, dù không phải là người con sinh ra và lớn lên tại TPHCM nhưng chính thành phố này đã dang rộng vòng tay đón anh đến học tập và làm việc hơn 20 năm qua.

“Khoảng thời gian 20 năm không phải là dài với một đời người nhưng cũng đủ dài để tất cả những con đường, góc phố, những con người ở nơi đây đã trở thành một phần đời trong trái tim tôi. Để mỗi khi đi xa, trở lại thành phố, tôi đều có cảm giác như mình được về nhà. Mặc dù không được sinh ra tại đây, tôi vẫn nghĩ mình là người con của thành phố thân thương này”, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam tâm sự.

Các đại biểu trí thức tiêu biểu chụp hình lưu niệm tại buổi gặp mặt

Các đại biểu trí thức tiêu biểu chụp hình lưu niệm tại buổi gặp mặt

Để xứng đáng là công dân thành phố mang tên Bác

Cùng ghi nhận tại buổi gặp gỡ, các trí thực đều nhận định, suốt 40 năm qua, TPHCM đã tiến một bước dài với nhiều chuyển biến diệu kỳ, xứng đáng là “thành phố của cả nước, vì cả nước”. Trong bước tiến thần kỳ đó của TPHCM, có sự đóng góp đáng kể của đội ngũ trí thức mà thành phố đã đặc biệt chăm sóc, vun bón từ ngay những ngày đầu sau giải phóng.

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam mong muốn lãnh đạo TPHCM có những chính sách thích hợp để thêm nhiều cán bộ trẻ của thành phố có điều kiện phát huy hết năng lực của mình trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn đề xuất TPHCM cần có chính sách và biện pháp tập hợp, liên kết chặt chẽ sản xuất với giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, một mắt xích không thể thiếu trong xây dựng một nền công nghiệp hiện đại, nền khoa học công nghệ tiên tiến đặc thù nhằm phát huy tất cả những lợi thế có sẵn của thành phố.

Lãnh đạo TPHCM

Lãnh đạo TPHCM đề nghị các nhà khoa học, trí thức tiếp tục phát huy truyền thống lao động sáng tạo, đóng góp "chất xám" cho sự nghiệp phát triển của TP

Trò chuyện thân mật với các trí thức tiêu biểu của TPHCM, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM đã ghi nhận và biểu dương những đóng góp của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố nói chung và các lĩnh vực khoa học kỹ thuật nói riêng trong suốt 40 năm qua.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đề nghị các nhà khoa học, trí thức tiếp tục phát huy truyền thống lao động sáng tạo, tiếp tục đóng góp các giải pháp giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc trong xã hội, thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của TPHCM trong thời gian tới. Đặc biệt là tham gia thực hiện tốt việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực; tích cực đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của TPHCM, nâng cao đời sống của nhân dân thành phố.

Công Quang