Mùng một nhận tiền mừng tuổi cầu may

(Dân trí) - Không biết từ bao giờ, tục lệ mừng tuổi đã xuất hiện ở Việt Nam và cho đến nay, mừng tuổi hay còn gọi là lì xì vẫn hết sức phổ biến. Gặp nhau ngày Tết, người trẻ mừng tuổi người già như lời chúc sức khoẻ, sống lâu, người lớn mừng tuổi trẻ con với mong muốn con cháu hay ăn chóng lớn.

Nhà đầu tiên mà chúng tôi xông đất là nhà cụ Giang ở tổ 29, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội. Cụ ông năm nay đã 94 tuổi nhưng còn rất khoẻ mạnh, cụ bà đã 86, tóc bạc trắng hết nhưng thấy chúng tôi đến cụ rất vui. Năm nay con cháu, chắt của cụ có gần hai chục người đều tề tựu về để chúc tết hai cụ. Cụ Giang ông có lẽ hơi bị lẫn nên không nhận hết được con cháu, nhưng cụ bà thì nhớ hết.

 

Đầu năm bao giờ các con, rồi đến các cháu lớn đều có phong bao mừng tuổi hai cụ với mong muốn sức khoẻ của hai cụ lúc nào cũng tốt, sống lâu với con cháu. Cụ Giang cũng rút tiền ra để mừng tuổi lại cho con cháu. Không khí vui vẻ đầm ấm, tràn ngập căn nhà cụ Giang. Phong tục mồng một tết cha vẫn còn rất đậm nét trong truyền thống dân tộc của người Việt Nam.

 

Rời nhà cụ Giang lúc 10 giờ sáng chúng tôi đến chúc tết hai cụ Nguyễn Văn Kiệm và cụ Nguyễn Thị Hảo ở  169 Cầu Giấy. Cụ Kiệm năm nay cũng đã 82 tuổi, còn cụ Hảo thì bắt đầu bước vào tuổi 80, nhưng cả hai cụ đều rất khoẻ mạnh. Cụ Kiệm là anh ruột cụ Hảo và hai anh em cùng cả gia đình đều sống quây quần trong một khu nhà. Ngày Tết nên cửa nhà nào cũng mở hết cỡ, tỏ ý cho người đến chúc tết thấy tấm lòng của gia chủ rất rộng mở, luôn sẵn sàng đón khách.

 

Cụ Kiệm răng đã rụng mất mấy chiếc nhưng vẫn vồn vã đón khách. Lời đầu tiên mà cụ chúc cho bọn trẻ con là hay ăn chóng nhớn, học giỏi, sau mới là chúc đến chăm lam chăm làm, ngoan ngoãn…Con cháu thì chúc cụ sống thọ trăm tuổi. Sau lời chúc bao giờ cũng là phong bao mừng tuổi. Từ mấy năm nay phong bao mừng tuổi được làm rất cẩn thận, có loại bằng giấy điều, nhỏ gọn. Bà Hảo thì lôi hết tất cả những của ngon, vật lạ trong nhà ra đãi khách, nào là kẹo của Pháp, mứt của Thái Lan, và bao giờ cũng là mừng tuổi cho bọn trẻ. Mấy đứa trẻ phấn khởi đeo hẳn cái bao trên ngực để dễ đựng tiền mừng tuổi.

 

Buổi sáng mùng một tết, tiết trời thật đẹp, nắng nhẹ vừa lên, ngoài đường có khá nhiều người bắt đầu xuất hành đi chúc tết. Nhưng mùng một tết thường người ta chỉ đi chúc tết trong gia đình mà không đi chúc hàng xóm hay bạn bè.

 

Gia đình anh Đặng Trần Huy ở số 48, tổ 29, Ngọc Hà suốt hai mấy năm nay cứ đến chiều mồng một tết là lại đi chúc tết bố mẹ vợ, mẹ chồng và mấy cô, dì, chú, bác. Hỏi chị Huyền, vợ anh Huy có mệt không, chị gật đầu: Quá là mệt mỏi, nhưng đã là tết thì làm sao khác được. Nói rồi chị móc trong túi ra mấy cái bao lì xì mầu đỏ để kiểm lại xem có thiếu cái nào không. Anh chị sẽ xuất hành sáng nay lúc 10 giờ và sẽ đi thông luôn đến 7 giờ tối. Anh Huy thì nhẩm tính: Mồng một cố gắng đi được 6 nhà, mồng hai đi nốt bốn nhà, chứ đi chúc tết mồng 3 người ta trách.

 

Đức Trung