1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bắc Ninh:

“Mục sở thị” lớp trầm tích văn hóa thời Lý vô giá

(Dân trí) - Sau hơn 1 tháng tiến hành khai quật khảo cổ học tại chùa Dạm thuộc xã Nam Sơn - TP Bắc Ninh, một “kho báu” những hiện vật vô giá tái hiện cả quần thể kiến trúc đồ sộ thời Lý với nhiều hiện vật gần như còn nguyên vẹn dần phát lộ.

Có mặt tại chùa Dạm, PV Dân trí ghi nhận được hình ảnh một “đại công trường” khảo cổ học với hàng trăm hiện vật được phát lộ vô cùng đặc sắc, tái hiện một công trình kiến trúc đồ sộ với những giá trị nghệ thuật đặc trưng thời Lý.

Chùa Dạm (hay còn gọi là Đại Lãm Tự) được khởi công xây dựng từ năm 1086 và hoàn thiện vào năm 1094 ở phía Nam núi Dạm thuộc xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh ngày nay, với quy mô rộng lớn gồm: khoảng 12 toà sen, 100 gian, các lớp nền của ngôi chùa đều được làm bằng đá tảng.
 
“Mục sở thị” lớp trầm tích văn hóa thời Lý vô giá - 1
Cột trụ đá chùa Dạm với nhiều dấu tích văn hóa đặc sắc.

Qua gần 10 thế kỷ, ngôi chùa đã bị hư hại, mai một đến nay chỉ còn lại những dấu tích như các lớp nền đá nguyên gốc, cột đá chạm hình hài con rồng, gạch ngói, đất nung có chạm rồng và một số hình tượng các con thú bằng đất nung, giếng bống, hai pho tượng bà Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông.

Việc khai quật khảo cổ khu di tích Chùa Dạm được thực hiện theo quyết định số 2745/QĐ-BVHTTDL ngày 05/9/2011 của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch do tiến sĩ Lê Đình Phụng - Viện khảo cổ học Việt Nam phụ trách. Tổng diện tích khai quật 300m2 được khởi công vào ngày 04/10/2011, dự kiến kết thúc vào 30/11/2011.  

“Mục sở thị” lớp trầm tích văn hóa thời Lý vô giá - 2
Một khu vực khảo cổ học phát lộ nhiều dấu tích một công trình bị vùi lấp.

Sau hơn 1 tháng tiến hành khai quật khảo cổ học trên diện tích 300m2 ở cả 4 cấp nền cho thấy chùa Dạm là một quần thể kiến trúc đồ sộ gồm 4 lớp kiến trúc xây dựng cao dần lên theo độ cao sườn núi, trên tổng diện tích mặt bằng 7.356m2, mỗi cấp nền được kè 3 lớp đá vững chãi, có nhiều công trình khác nhau, trong đó công trình trung tâm cấp cao nhất là đền thờ Linh nhân Hoàng Thái Hậu; 3 cấp dưới là kiến trúc Chùa, các kiến trúc tháp đá nằm trong tổng thể chung của di tích.

Dấu tích các trụ sỏi tìm được mang kỹ thuật và vật liệu thời Lý cho thấy quy mô ngôi chùa được xây dựng to lớn thuộc loại hình kiến trúc “tiền Phật, hậu Thánh”. Ngoài ra các nhà khảo cổ học còn tìm thấy ngói mũi sen đơn, kép; đồ dùng sinh hoạt; đồ thờ gốm sứ thời Lý Trần (có thể có cả đời Lê). Đặc biệt phát hiện chân tháp đá thời Lý chạm hoa văn sóng nước còn nguyên vẹn duy nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay.
 
“Mục sở thị” lớp trầm tích văn hóa thời Lý vô giá - 3
Những mảnh đồ gốm được khai quật tại chùa Dạm.
 
Tại buổi toạ đàm hiện trường ngày 5/11/2011 và kết quả khai quật khảo cổ học di tích chùa Dạm, ông Trần Văn Tuý - Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh - khẳng định kết quả khảo cổ học chùa Dạm sẽ làm cơ sở để Bắc Ninh có định hướng trùng tu, tôn tạo.
 
Các nhà khoa học nhận định, kết quả khai quật tại chùa Dạm có ý nghĩa quan trọng, tuy nhiên diện tích khai quật còn quá nhỏ so với diện tích tổng thể và kết quả đó mới chỉ là tài liệu ban đầu; cần phải có cuộc khai quật quy mô lớn hơn để tìm hiểu toàn diện về khu di tích quan trọng này, làm cơ sở cho thiết kế, phục dựng di tích trong giai đoạn tiếp theo.
 
Dưới đây là một số hình ảnh PV Dân trí ghi nhận tại khu vực khảo cổ học chùa Dạm:
 
“Mục sở thị” lớp trầm tích văn hóa thời Lý vô giá - 4
Công trường khảo cổ học.
 
“Mục sở thị” lớp trầm tích văn hóa thời Lý vô giá - 5
Những dấu tích đầu tiên đã phát lộ.
 
“Mục sở thị” lớp trầm tích văn hóa thời Lý vô giá - 6
Mảnh vỡ hiện vật được tập trung để phân loại.
 
“Mục sở thị” lớp trầm tích văn hóa thời Lý vô giá - 7
Cận cảnh một trụ đá bị chôn vùi sâu dưới lớp đất đá.
 
“Mục sở thị” lớp trầm tích văn hóa thời Lý vô giá - 8
 
“Mục sở thị” lớp trầm tích văn hóa thời Lý vô giá - 9
Những hoa văn chứa đựng nhiều dấu ấn văn hóa thời Lý.
 
“Mục sở thị” lớp trầm tích văn hóa thời Lý vô giá - 10
Một bức tường đá lộ dần sau khi được khai quật.
 
“Mục sở thị” lớp trầm tích văn hóa thời Lý vô giá - 11
Một khu thờ tự được xây dựng lại trong quần thể di tích chùa Dạm.
 
Thế Cường - Bá Đoàn