1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Mùa lúa đắng

(Dân trí) - Mưa lớn kéo dài, bão chồng lũ đẩy hàng nghìn hộ nông dân ở Nghệ An vào cảnh điêu đứng. Lũ nhấn chìm hàng ngàn hecta lúa hè thu sắp đến kỳ thu hoạch. Những hạt lúa mẩy vàng chắt chiu mưa nắng của người nông dân giờ chỉ còn là những hạt lúa đắng.

Sau những cơn mưa dầm dề kéo dài đến gần nửa tháng, chiều ngày 28/9, Nghệ An mới có một buổi nắng hiếm hoi. Tranh thủ trời nắng ráo, người dân tận dụng mọi khoảng trống để đưa lúa, rơm ra phơi. Bao nhiêu ngày ngâm nước nước lũ, bao nhiêu ngày phải ủ trong nhà khiến lúa đã nảy mầm, chuyển sang màu nâu xỉn, mùi chua thum thủm bốc lên nồng nặc.

Con đường 12/9 và đê Tả Lam đoạn đi qua huyện Hưng Nguyên trở thành một cái sân phơi khổng lồ. Già, trẻ, trai gái đổ ra đường, kẻ đảo lúa, người phơi rơm... Mưa kéo dài, nước sông dâng cao, những xã nằm dọc sông Lam trở thành một biển nước mênh mông. Bất chấp, nông dân vẫn kéo nhau ra đồng, ngụp lặn trong làn nước đỏ ngầu để vớt vát chút lúa còn sót lại. Có những nơi nước ngập đến ngực, hàng trăm người dân chỉ còn cách rờ rẫm trong nước “dứt” được bông lúa nào hay bông đó.

Cũng bởi ngâm mình trong nước, họ trở thành “miếng mồi ngon” cho những con đỉa đói. “Nhiều khi thấy nhói dưới cổ, giật mình đứng dậy một con đỉa dài cả gang tay đang quấn dưới cằm. Còn chuyện đỉa cắn hay về đến nhà cởi quần áo ra mới phát hiện vài chú đỉa đã là chuyện bình thường rồi”, chị Nguyễn Thị Liên (xóm 7, xã Nghi Khánh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết.

Phát hiện đỉa đang bám vào người đã là may mắn lắm rồi. Người dân xóm 2 xã Hưng Phú (Hưng Nguyên) vẫn chưa hết rùng mình vụ ông L.V.T bị đỉa chui vào… hậu môn. Phát hiện sớm nên ông T. không phải nhờ đến bác sĩ can thiệp. Không may mắn như ông T, chị N.T.L (xóm 4, xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên) bị đỉa chui vào bụng. Thấy đau, sinh nghi, chị lên bệnh viện huyện để khám. Dù không phải phẫu thuật nhưng các bác sĩ cũng phải một phen vất vả mới đưa được con đỉa căng tròn ra khỏi người chị L.
 
Sau một mùa gặt ngâm mình trong nước bẩn, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa, bệnh ngoài da ở các vùng ngập lũ cũng tăng đột biến. Nhiều hộ khá giả hơn một chút đã sắm loại quần ủng để đi đối phó với nạn đỉa cũng như những căn bệnh ngoài da.

Nước lũ lên, giá thuê gặt và tuốt lúa cũng tăng lên vù vù. Hiện tại, giá thuê thợ gặt ở Nghệ An đã lên đến mức kỷ lục: 200.000 đồng/1 sào (500m2) hoặc 150-170.000 đồng/ngày. Giá cao ngất ngưởng nhưng không phải ai cũng tìm được thợ gặt để thuê.

Ngâm lâu dưới nước, hạt lúa sình lên, thân lúa mền oặt không thể tuốt được bằng máy thủ công trục tròn răng cưa. Vậy là chủ nhân những chiếc máy tuốt lúa liên hoàn được dịp làm giá. Thay vì 50.000 đồng/sào lúa thì họ tính tiền bằng… phút máy chạy. Cứ mỗi phút 5.000 đồng. Khốn nỗi, cả ruộng lúa giờ chỉ là đống bùi nhùi lấm lem bùn đất khiến máy cũng không tuốt nổi. 10 thước ruộng (hơn 330m2) chỉ gặt được một xe cải tiến chất vừa ngang thành mà máy chạy đến gần 10 phút, tính ra mất đến gần 50.000 đồng, hạt lúa chẳng thấy đâu vì bị dính vào bùn, vào gié rồi bay tuốt ra ngoài.

Mất tiền thuê máy tuốt nhưng người dân phải chở lúa đi tìm máy rồi hì hụi ngồi đãi gạn bớt hạt thóc lép. 10 thước ruộng nhưng chỉ được 1 bì gần 5 yến lúa tươi sũng nước, vợ ông Nguyễn Văn Quý (xóm 7, xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên) chỉ biết ngồi khóc vì xót của. Nhiều nhà không đủ tiền thuê máy tuốt đành… dùng chân để đạp, mót những hạt lúa thâm xì cho con gà, con bò.

Mất công gặt, mất tiền thuê máy tuốt, rồi đổ công ra đãi, phơi phong nhưng mỗi sào thu hoạch chưa nổi 50kg lúa, nhiều hộ gia đình nông dân ở xã Hưng Nhân và các vùng ngập sâu trong nước lũ đành bỏ luôn cả mấy sào ruộng. “Ngâm nước lâu quá rồi, có gặt cũng không ăn thua. Hạt lúa giờ trương sình, chua loét, có làm thức ăn cho trâu bò chúng cũng không ăn cho. Năm ni thì cả người lẫn trâu bò bị đói”, ông Võ Hoàng Sâm (xóm 1, xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên) lý giải chuyện bỏ 4 sào lúa trong tổng số 8 sào của nhà mình.

Không chỉ người dân đang đứng trước nguy cơ thiếu ăn mà ngay cả trâu bò cũng thiếu thức ăn khô dự trữ. Mưa lũ đã ngớt, nắng đã lên nhưng sao hạt lúa của người nông dân xứ Nghệ vẫn mang vị đắng?

Mùa lúa đắng - 1

Những ruộng lúa bị hư thối vì ngâm trong nước

Mùa lúa đắng - 2

Chủ nhân của nó không đủ kiên nhẫn và sức lực để thu hoạch

Mùa lúa đắng - 3

Hay cố gắng dầm mình trong nước lũ để vớt vát chút ít để rồi phải đối mặt với bênh tật và nạn đỉa

Mùa lúa đắng - 4

Hạt lúa mùa lũ thâm xì, nhẹ tênh

Mùa lúa đắng - 5

Có gắng đãi để tìm lấy ít hạt thóc làm thức ăn chăn nuôi

Mùa lúa đắng - 6

Giá tuốt lúa cũng tăng cao theo nước lũ khiến người nông dân lại thêm khốn đốn

Mùa lúa đắng - 7

Dùng chân đạp những bông lúa ngâm nước lâu ngày mong gỡ gạc được ít hạt dẫu nó không thể nấu thành cơm

Mùa lúa đắng - 8

Trong hạt lúa thâm xì vì bùn có cả mồ hôi và nước mắt của người dân vùng lũ

Mùa lúa đắng - 9

Hàng nghìn người dân xứ Nghệ đứng trước nguy cơ bị thiếu đói sau vụ Hè Thu thất bát vì mưa lũ


Mùa lúa đắng - 10

Các tuyến đường trở thành sân phơi khi nắng vừa lên
Mùa lúa đắng - 11

Lũ rút, nắng lên nhưng hạt lúa nhọc nhằn của người nông dân vẫn mang vị đắng!

Hoàng Lam