1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

An Giang:

Mùa lũ nặng nỗi lo sông Hậu “nuốt” đường

(Dân trí) - Vụ sạt lở nghiêm trọng trên Quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú, An Giang) ngày 27/2/2010 chưa khắc phụ xong thì đầu tháng 6, một đoạn khác trên tuyến quốc lộ này lại tiếp tục bị sông Hậu “ngoạm” mất. Nỗi lo lại dấy lên khi mùa lũ đang về.

Lở nối tiếp lở

 

Theo ghi nhận của Dân trí, lần sạt lở này dài khoảng 50m và ăn sâu vào bên trong khoảng 15m. Tuy không nghiêm trọng như vụ hồi tháng 2 song cũng hết sức nguy hiểm, đe dọa an toàn giao thông.

 
Mùa lũ nặng nỗi lo sông Hậu “nuốt” đường  - 1

Lo sông Hậu "nuốt" QL 1A khi mùa lũ về
 

Đáng nói hơn, điểm sạt lở mới chỉ cách điểm sạt lở cũ trên dưới 50m. “Nếu không có biện pháp kịp thời thì hậu quả xảy ra cho tuyến Quốc lộ 91 này rất khó lường” - một người dân ở ấp Bình Tân nói.

 

Theo các ngành chức năng tỉnh An Giang, nguyên nhân có thể là do bờ sông Hậu có nhiều hố xoáy ăn sâu vào trong. Mỗi ngày có hàng trăm phương tiện đường bộ qua lại và nhiều phương tiện đường thủy dưới sông góp phần tạo “áp lực” cho phần tiếp giáp giữa bờ đất và sông.

 

Vụ sạt lở ngày 27/2 hiện vẫn chưa được khắc phục. Đại diện Khu Quản lý đường bộ 7 hiến kế đóng đập đinh để điều chỉnh dòng chảy. Trong khi đó, Sở TN-MT tỉnh An Giang lại cho rằng cần làm bờ kè kiên cố cho các đoạn này. 

 

Lo mùa lũ về

 

Với tình trạng sạt lở ở Quốc lộ 91, mùa lũ đang là mối lo ngại của tỉnh An Giang. Theo Sở GT-VT tỉnh An Giang, để lấp các hố xoáy cần rất nhiều cát, ước tính cũng trên dưới 30.000m3 với kinh phí cả chục tỷ đồng.

 

Vụ sạt lở hồi tháng 2 đã ảnh hưởng khá lớn đến đời sống của người dân, đặc biệt dân sống gần Quốc lộ 91. Do không lường được Quốc lộ 91 sẽ tiếp tục lở nên còn rất nhiều hộ dân không di dời. Sau vụ sông Hậu “nuốt” đường hồi tháng 6, người dân càng thêm hoang mang. Một người dân nóng ruột nói: “Nếu không di dời, thật sự chúng tôi không thể đảm bảo là được ăn ngon ngủ yên trong thời gian tới”.

 

Trong khi đó, người dân cũng “sợ” lũ về bởi đường thì khắc phục chưa xong mà lở lại tiếp lở. Cứ tình trạng này thì không ai dám chắc có lở nữa hay không khi chừng hơn 1 tháng nữa lũ tràn về. Bởi thế, di dời đến nơi khác là gần như chắc chắn và rất cần chính quyền địa phương hỗ trợ.

 

Ông Phạm Biên Cương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - trong cuộc họp về khắc phục các vụ sạt lở, đã yêu cầu các ngành chức năng, các đơn vị thi công trước mắt phải xử lý dứt điểm những hố xoáy trước khu lũ về để đảm bảo an toàn cho tuyến Quốc lộ này. 

 

Hiện tỉnh An Giang xuất kinh phí trên 60 tỷ đồng để sửa chữa các sự cố. Sau đó sẽ có tờ trình lên Chính phủ cấp kinh phí.

 

Huỳnh Hải