1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mưa lớn, nước dâng nhanh, nhiều nơi ngập lụt

(Dân trí) - Từ tối qua đến sáng nay, 15/11, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có mưa lớn, nước trên các sông dâng nhanh gây ngập úng nhiều nơi. Thủy điện Sông Ba Hạ đang xả lũ. Tại Bình Định, Quảng Nam, nước cũng đang dâng ngập nhiều nơi.

Khu vực thành phố Tuy Hòa và thị xã Sông Cầu ngập khá nặng, nhất là tại một số tuyến đường nội thị. Nhiều con đường ngập sâu trong nước khiến các phương tiện không thể lưu thông. Cánh đồng rau Ngọc Lãng ven sông Ba nổi tiếng bị nước mưa làm dập nát, một số nơi ngập úng, gây thiệt hại nặng cho nông dân.

Sau mưa lớn, nhiều tuyến đường ở phố Tuy Hòa (Phú Yên) bị ngập
Sau mưa lớn, nhiều tuyến đường ở phố Tuy Hòa (Phú Yên) bị ngập
Hoa màu của người dân mấp mé mặt nước (ảnh Nhạn Sơn)

Hoa màu của người dân mấp mé mặt nước (ảnh Nhạn Sơn)

Tại các huyện miền núi Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh, trời bắt đầu mưa to, kết hợp với lượng mưa ở các tỉnh Tây Nguyên, làm mực nước các sông dâng nhanh.

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, tổng lượng mưa phổ biến tính đến 7 giờ ngày 15/11 tại Phú Yên dao động từ 120 - 170mm. Lũ trên sông Ba, Kỳ Lộ và Bánh Lái dâng ở mức báo động 1 (BĐ1), BĐ2, trên BĐ2; thủy điện Sông Ba Hạ đang xả lũ với lưu lượng 900m3/s và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên.

Tại Bình Định, từ sáng tới trưa ngày 15/11, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa to, nước trên các sông tăng nhanh, nguy cơ xảy ra lũ quét rất cao.

Mưa lớn ở Quy Nhơn
Mưa lớn ở Quy Nhơn
Mưa lớn ở Quy Nhơn
Mưa lớn ở Quy Nhơn
Mưa lớn làm nhiều hộ dân ở vùng trũng huyện Tây Sơn (Bình Định) bị ngập nước (ảnh Doãn Công)

Tại huyện Tây Sơn (Bình Định) mưa lớn mực nước Sông Kôn tăng nhanh làm ngập nhiều khu vực dân cư nằm trong vùng trũng ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người nhân. Dọc hai bên suối Cát (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) bị sạt lở. Lũ lớn cũng làm đổ một trụ điện cao thế và làm gãy chân cầu tràn cống liên hợp qua hai xã Tây Thuận và Tây Giang (huyện Tây Sơn).

Tại bờ tràn Huỳnh Mai, trên tỉnh lộ DT 640 thuộc địa bàn xã Phước Nghĩa, đập Bà Rùa ở thị trấn Tuy Phước, nước đã ngập qua tràn nên việc đi lại của người dân cũng gặp khó khăn.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên các huyện miền núi Quảng Nam có mưa to đến rất to; lượng nước về hồ thủy điện Sông Tranh 2 và Đak Mi 4 tăng đột biến nên buộc phải xả lũ. Từ sáng đến trưa nay 15/11, lượng nước đổ về thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) lên đến trên 5.200m3/s khiến nước dâng lên trên cửa xả tràn (ở cao trình ngưỡng tràn tự nhiên là 161m) là 4,2m. Theo thông tin từ thủy điện Sông Tranh 2 cho biết, đến 14h chiều nay 15/11, lượng nước tự chảy qua ngưỡng tràn và qua tổ máy đạt trên 2.700m3/s.

Theo dự đoán của cơ quan chuyên môn về PCLB Quảng Nam, với lượng xả lớn như thế, vùng hạ du của Quảng Nam chắc chắc sẽ bị ngập trong đêm 15 và sáng ngày 16/11.

Thủy điện Sông Tranh 2 đang xả lũ với lưu lượng khoảng 2.700m3/s
Thủy điện Sông Tranh 2 đang xả lũ với lưu lượng khoảng 2.700m3/s

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Bắc Trà My - cho biết, huyện đã chỉ đạo cho xe thông tin lưu động của huyện, các thôn tổ dân phố của các xã Trà Sơn, Trà Tân, Trà Đốc, Trà Giang, thị trấn Trà My và Đài truyền thanh huyện thông báo khẩn cấp liên tục về nước lũ thủy điện Sông Tranh 2 vượt ngưỡng xả tràn và xả với lưu lượng lớn về phía hạ lưu để người dân vùng hạ du sinh sống, sản xuất ven Sông Tranh, Sông Nước Oa và Sông Trường biết để chủ động phòng chống, đề phòng nước lũ dâng cao tránh gây thiệt hại đến người và tài sản.

Cũng theo thông tin từ huyện Bắc Trà My, từ lúc 5h30 sáng nay 15/11, hai nút giao thông huyết mạch trên tuyến tỉnh lộ 616 tại cầu ngầm Sông Trường và cầu ngầm sông Nước Oa thuộc địa phận xã Trà Sơn và Trà Tân huyện Bắc Trà My bị nước lũ băng qua và dâng cao gần 2m làm cô lập hoàn toàn huyện vùng cao Nam Trà My và 6 xã cánh nam gồm Trà Tân, Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giáp, Trà Giác và Trà Trà Ka của huyện Bắc Trà My.

Ngoài hồ thủy điện Sông Tranh 2, hiện hồ thủy điện Đak Mi 4 (huyện Phước Sơn) cũng có lượng nước về rất lớn. Mực nước hồ hiện ở cao trình 258,28m/258m; trong khi đó lưu lượng nước về hồ lên đến 4.360 m3/s, lưu lượng xả tràn là 3.900 m3/s.

Thủy điện A Vương cũng có mực nước hồ đạt 379,35m/380m; lưu lượng nước về hồ 200 m3/s, phát điện 78 m3/s.

Theo thông tin mới nhất từ Ban chỉ huy PCLB Quảng Nam, từ 19h ngày 13/11 đến 13h ngày 15/11 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa, lượng mưa phổ biến từ 100mm-150mm. Một số trạm có mưa lớn như Trà My 301mm, Phước Sơn 25 mm, Tiên Phước 178mm, Hiệp Đức 148mm.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Nam, khả năng tối nay 15/11 và sáng ngày 16/11 trên địa bàn Quảng Nam còn có mưa to đến rất to, mực nước các sông Vu Gia, Thu Bồn có khả năng lên mức báo động II, III và trên báo động III.

Trước tình hình diễn biến của mưa lũ, ngày hôm nay 15/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – ông Lê Phước Thanh đã ban hành công điện yêu cầu chủ động ứng phó sự cố do mưa, lũ.

Vùng hạ du Quảng
Vùng hạ du Quảng Nam chắc chắn sẽ bị ngập do mưa lớn ở thượng nguồn

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; đề phòng ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi. Tổ chức triển khai phương án phòng chống lũ theo cấp báo động; tăng cường công tác tuần tra, canh gác, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý ngay giờ đầu các tình huống có thể xảy ra. Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công có công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, chủ các phương tiện vận tải thủy biết thông tin về ATNĐ và tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và các phương tiện.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban 24/24 giờ; theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước về hồ để thực hiện điều tiết mực nước hồ theo đúng quy trình vận hành đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh để theo dõi, chỉ đạo việc điều tiết hồ hợp lý, giúp cho công tác phòng tránh ở các địa phương vùng hạ du được chủ động. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống lũ; nắm vững thông tin và thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh.

 

Nhạn Sơn - Doãn Công - Công Bính