1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mưa lớn khủng khiếp, đất lở vùi lấp 24 sinh mạng

(Dân trí) - Cơn mưa “chưa bao giờ khủng khiếp đến thế” đổ ập xuống huyện nghèo Pác Nặm (Bắc Kạn) vào cuối ngày 3/7 và chỉ sau mấy tiếng mưa liên tục, đất đã vùi lấp 9 gia đình, cướp đi 24 sinh mệnh xấu số, khiến tang tóc phủ kín huyện vùng sâu này.

Mưa lớn khủng khiếp, đất lở vùi lấp 24 sinh mạng - 1
Mưa lũ gây sạt lở cắt đứt đường vào xã Nhạn Môn huyện Pác Nặm. (Ảnh: Âu Vượng - Quang Đán/TTXVN)
 
Cơn mưa lớn nhất 50 năm qua

 

Cuối giờ chiều ngày 3/7, nhìn bầu trời phía Tây Bắc huyện có vầng mây đen bao phủ, như thường lệ, ông Triệu Phúc Bình 75 tuổi xã Nhạn Môn nhìn trời cao mà ao mà ước có một cơn mưa để cây rừng tươi tốt, ngô bắp trên nương đỡ khô cháy.

 

Anh Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm, cùng nhiều cán bộ có nhà tại thị trấn Ba Bể cũng nhanh leo lên xe gắn máy phóng về sum họp với gia đình sau một tuần xa nhà trước khi có mưa tới. Nhưng có ai ngờ, đêm thứ 6 cuối tuần đó là một trận mưa lịch sử nhất đối với Pác Nặm.

 

Ông Bình bùi ngùi kể lại, sinh ra lớn lên ở xã Nhạn Môn này đã 75 năm, cái tuổi gần đất xa trời rồi ông mới gặp trận mưa khủng khiếp đến thế, mưa lớn làm cả đêm ông sao không ngủ được. Chỉ mấy tiếng mưa liên tiếp như trút nước, toàn bộ hệ thống mương phai, khe suối, ao hồ đầy ắp nước. Các con suối cũng không còn chỗ chứa, nước cứ vậy leo lên làng bản ven bờ sông suối, khiến nhiều nhà dân ở các thôn bám ven dòng sông Năng như Bằng Thành, An Thắng phải chạy hỗn loạn trong đêm tối, nhưng cuộc sống ven sông lớn đã tạo cho bà con cảnh giác khi có mưa to, nước lũ không có cơ hội gây hại cho người.

 

Mưa lớn đã làm mất điện lưới, điện thoại cũng tịt nốt, mọi liên lạc chỉ bằng miệng, trong cơn hoạn nạn bà con cũng biết gọi nhau tránh khỏi dòng nước hung dữ, trẻ em người lớn dắt nhau leo lên chỗ cao mà chờ trời sáng.

 

Ông Hoàng Văn Dĩ, xã Giáo Hiệu kể: “Con suối chạy qua chỗ nhà tôi lúc buổi chiều ngày mùng 3 cạn lắm, lũ trẻ con còn chạy nô đùa té nước nhau cho đỡ nóng, nhưng 11 giờ đêm lũ chảy ầm ầm như thác nước nơi rừng sâu, tôi vội cầm chiếc đèn pin khua và gọi mọi người trong nhà, rồi nhà nọ gọi cho nhà kia để lên cao tránh lũ, nên trong thôn không ai bị nước cuốn trôi, chỉ có hoa màu tài sản thì đành cho lũ cuốn”.

 

31 người chết và mất tích, thiệt hại nhiều tài sản

 

Tổng hợp nguồn tin chưa đầy đủ từ phóng viên TTXVN thường trú tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Ban chỉ đạo PCLB Trung ương: Trong những ngày qua, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đã xảy ra mưa rất to, gây ra lũ cục bộ làm 31 người chết và mất tích.

 

Trong đó, Bắc Kạn có 13 người chết, 11 người mất tích; Cao Bằng 1 người chết và 2 người mất tích; Hà Giang 1 người chết và 1 người mất tích; Lai Châu 1 người chết; Lào Cai 1 người mất tích.

 

Mưa lũ gây thiệt hại lớn cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai.

Trong đêm mùng 3/7, tất cả 10/10 xã, thị trấn của Pác Nặm đều có mưa lớn, nhưng mưa như trút nước chỉ tập trung ở 3 xã có dòng suối chảy vào sông Năng đó là xã Giáo Hiệu, Nhạn Môn, Công Bằng, làm cho dòng sông Năng đoạn hạ lưu chảy qua thị trấn Chợ Rã huyện Ba Bể vượt qua báo động cấp 3, nhiều nhà dân ven sông phải sơ tán vào sáng sớm ngày 4 đến chiều tối mùng 5 vẫn chưa dám về, vì phòng lỡ đêm nay lại có mưa, nước lũ có thể lên nhanh gây nguy hiểm, bởi đêm nay nguy cơ mưa lớn ở Pác Nặm vẫn có thể diễn ra, bởi trời vẫn tối sầm và nặng trĩu màu nước.

 

Cơn mưa lớn đem nỗi đau thương tới người dân Pác Nặm, với 24 người chết và mất tích. Đau thương ấy khiến nước lũ sông suối ngăn cách, mưa lớn vẫn diễn ra nhưng 2 ngày qua lực lượng cứu hộ, những nhà hảo tâm vẫn tìm đến những gia đình gặp nạn tại xã Công Bằng và Nhạn Môn để chia sẻ khó khăn.

 

Công tác cứu trợ bà con gặp nạn được diễn ra khẩn trương với lãnh đạo và người dân huyện Pác Nặm là đào bới đất sạt cứu người sống sót trong đống đổ nát, còn phía huyện hạ lưu phải gồng mình chịu úng lụt của tỉnh Bắc Kạn là huyện Ba Bể, thì công tác khẩn trương di dân khỏi nơi có nguy cơ sạt lở và ngập lụt cũng được đưa lên hàng đầu.

 

Gạt nước mắt chia sẻ với những người gặp nạn

 

Ngay sau khi mưa lớn gây sạt lở đất, làm chết 13 người, mất tích 11 người tại xã Công Bằng và Nhạn Môn, tang tóc như bao trùm lên toàn xã Bộc Bố (là nơi trung tâm hành chính của huyện Pác Nặm), mặc dù ngày nghỉ, nhưng các phòng ban trong huyện mọi công việc diễn ra khẩn trương hơn ngày thường, tất cả tập trung vào việc cứu hộ. Ngoài ra, cán bộ được phân theo ca kíp đi các xã thuộc địa bàn mình phụ trách, có thông tin gì báo ngay về trung tâm huyện để báo cáo cấp trên. Trong cơn mưa vẫn như trút nước, mỗi người một bộ đồ áo mưa, ủng để vượt hàng chục km đường núi đến nơi bà con đang gặp nạn.

 

Chúng tôi được cử đi theo đoàn của ông Nguyễn Văn Du, Bí thư huyện uỷ Pác Nặm, con đường đến thôn Nà Bẻ xã Nhạn Môn nhầy nhụa bùn đất đỏ. Phải mất gần 3 tiếng vượt núi, chúng tôi mới tiếp cận nơi có 4 hộ gia đình bị vùi lấp hoàn toàn, 3 nạn nhân xấu số đã được đưa ra khỏi đống đổ nát, những người bị thương được lực lượng cứu hộ của xã đưa đi sơ cứu. Trong thương đau hoạn nạn, mọi người làm việc rất khẩn trương, ai làm việc đó nhằm chia sẻ đau thương với người đang gặp nạn.

 

Ông Ma Văn Thoả, Trưởng thôn Nà Bẻ, vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại khoảng 1 giờ chiều 4/7, trận lũ quét bất ngờ ập xuống thôn, cuốn phăng đi tất cả, làm cho 3 người bị vùi chết tại chỗ, 2 người bị thương rất nặng, 3 ngôi nhà bị lũ đất cuốn trôi hoàn toàn, 11 hộ khác bị hư hỏng nặng, 3ha lúa bị san phẳng.

 

Cũng theo ông Thoả, trong những ngày tới việc khắc phục lũ quét, ổn định cuộc sống đối với các hộ trong thôn sẽ rất khó khăn, do thôn có 49 hộ thì có tới 37 hộ dưới nghèo.

 

Khi chúng tôi tiếp cận nhà chị Cà Thị Hựu, 39 tuổi, thôn Nà Bẻ - đúng lúc mọi người vừa mới tìm thấy xác chị Hựu đưa về để chuẩn bị an táng. Căn nhà 4 gian của gia đình chị bị lũ quét cuốn phăng, nay chỉ trơ trọi vì còn mỗi đất đá. Bố chồng chị là ông Chu Văn Tốc, 57 tuổi, cũng bị lũ cuốn trôi trong lúc đang giúp hộ ông Cà Văn Đạt (người cùng thôn) vận chuyển tài sản tránh lũ, tận chiều tối ngày 4/7 mới tìm thấy xác. Chồng chị Hựu là anh Chu Thanh Vân cũng bị lũ quét cuốn trôi và bị thương nặng đang được điều trị tại chỗ.

 

Làm việc với chúng tôi tại trụ sở UBND xã Nhạn Môn, ông Chủ tịch xã Ma Văn Môn lo lắng xã có 8 thôn, tuy nhiên đến 17 giờ chiều 5/7, vẫn còn 3 thôn nằm cách trung tâm xã khoảng hơn 10km là Năm Khiếu, Slan Vè, Ngan Váng vẫn chưa thể liên lạc, do đường đến các thôn này bị ách tắc do sạt lở, các khe suối chia cắt nên không biết có thiệt hại gì không.

 

Lúc 20h tối 5/7, lãnh đạo huyện Pác Nặm cho biết sơ bộ thiệt hại là 24 người chết và mất tích, hàng trăm ha lúa màu đã bị cuốn trôi và vùi lấp hoàn toàn, 16 ngôi nhà bị lũ quét vùi lấp hoàn toàn, còn 7/10 xã bị đất đá sạt lở vùi kín đường, không thể đi lại bằng phương tiện xe gắn máy. Thông tin liên lạc, lưới điện đang được các ngành khẩn trương khắc phục.

 

Công tác cứu hộ vẫn đang được huyện duy trì đến các xã, đồng thời tiếp tục cử cán bộ đi đến các thôn vùng xa xem xét mực độ thiệt hại. Khắc phục sạt lở tuyến đường 258B cơ bản thôn xe 4 bánh, đã nối được huyện Pác Nặm với huyện Ba Bể vào lúc cuối buổi chiều 5/7.

 

Âu Vượng - Quang Đán
TTXVN