1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mua bán súng tự chế, linh kiện lắp ráp vũ khí ngày càng phức tạp

Phùng Minh

(Dân trí) - Bộ Công an cho biết, hành vi chế tạo, mua bán, sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, linh kiện để lắp ráp vũ khí ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Theo báo cáo tổng kết 5 năm triển khai Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vừa được Bộ Công an gửi tới Bộ Tư pháp, đại dịch Covid-19 khiến tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục gia tăng. Hàng ngàn lao động mất việc làm tạo áp lực lớn đến các vấn đề kinh tế, an ninh trật tự, nảy sinh mâu thuẫn xã hội.

"Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất", Bộ Công an đánh giá.

Đáng chú ý, tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn xã hội sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để gây án như giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cướp tài sản; các băng, ổ nhóm "xã hội đen", bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, nhóm đối tượng thanh thiếu niên tụ tập sử dụng vũ khí để giải quyết mâu thuẫn vẫn xảy ra, nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Mua bán súng tự chế, linh kiện lắp ráp vũ khí ngày càng phức tạp - 1

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng mới đây phát hiện súng tự chế và đạn trong kiện hàng hành khách gửi ra Hà Nội (Ảnh: TTAN).

Hoạt động chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và linh kiện lắp ráp vũ khí còn xảy ra ở nhiều địa phương, chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, có tuyến biên giới.

"Đặc biệt, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều đối tượng đã câu kết thành các nhóm, đường dây sử dụng không gian mạng, dịch vụ bưu chính để mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ. Lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ với số lượng vũ khí, công cụ hỗ trợ rất lớn", báo cáo của Bộ Công an cho hay.

Điển hình, tháng 4 vừa qua, Công an tỉnh Thanh Hóa bắt 3 đối tượng về hành vi chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, thu 217 khẩu súng các loại, hàng trăm vũ khí thô sơ và linh kiện.

Tháng 8/2022 và 10/2022, Công an tỉnh Kiên giang đã điều tra, bắt giữ 4 đối tượng, thu 313 khẩu súng các loại, 300 viên đạn.

Ngoài ra, theo Bộ Công an, nước ta vẫn còn số lượng lớn vũ khí, bom, mìn do chiến tranh để lại tồn đọng ngoài xã hội, trong lòng đất chưa được phát hiện.

Tại nhiều địa phương, một bộ phận người dân vì lợi nhuận vẫn đào bới, tìm kiếm, mua, bán, tàng trữ trái phép vũ khí, bom, mìn dẫn đến một số vụ tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Một số đồng bào dân tộc vẫn còn chế tạo, sản xuất, tàng trữ súng tự chế để săn bắn trái phép hoặc sử dụng trong các nghi lễ theo phong tục, tập quán.

5 năm qua, toàn quốc đã vận động nhân dân giao nộp gần 100.000 khẩu súng các loại (hơn 3.000 súng quân dụng, 2.99 súng hơi, hơn 93.000 súng tự chế); gần 18.000 bom, mìn, lựu đạn; 25.000 công cụ hỗ trợ; gần 99.000 vũ khí thô sơ,…

Trong đó, số vũ khí vận động thu hồi được chủ yếu từ nhóm đối tượng đồng bào dân tộc và nhóm ngoài xã hội.

Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và công an các địa phương định kỳ tổ chức kiểm tra đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Qua kiểm tra, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã phát hiện 41 vụ vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và đã xử phạt 648 triệu đồng.

"Qua 5 năm thi hành luật, hành vi chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng súng tự chế (súng kíp, súng hơi cồn, súng hơi ga), vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ (các loại dao, đao, kiếm, mã tấu, búa, rìu…), linh kiện để lắp ráp vũ khí ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, xảy ra nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng", Bộ Công an thông tin.