1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

MTTQ: Mở rộng Hà Nội quá cập rập!

(Dân trí) - Nhiều ý kiến tại UB TƯMTTQ cho rằng, từ khi có thông tin hợp nhất, mở rộng Hà Nội đến khi thành hiện thực là quá ít thời gian. Các vấn đề đặt ra trong việc sáp nhập, trong đó có “chỗ đứng, chỗ ngồi” cho cán bộ cũng khiến nhiều ý kiến băn khoăn.

Sáng nay 25/4, UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho phương án mở rộng Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trần Văn Tuấn cùng Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Trần Ngọc Chính đã trình bày phương án với các đại biểu.

Ông Trần Văn Tuấn cho biết, Chính phủ quyết tâm chỉ đạo bộ máy chính quyền của Thủ đô mới (cấp thành phố) đi vào hoạt động từ 1/7/2008.

“Bản thuyết trình chưa thuyết phục!”

Phó Chủ tịch MTTQ, Cư Hoà Vần đánh giá việc hợp nhất, mở rộng Hà Nội là việc “to đùng”, nhưng việc xin ý kiến mặt trận lại làm đột xuất và cập rập. Ông cho biết, đến chiều qua mới nhận được giấy mời và ông chỉ có một đêm suy nghĩ góp ý mà lại là một đêm không có… tài liệu.

Góp ý với phương án, ông Vần cho rằng lẽ ra việc này phải được thực hiện trên cơ sở lấy ý kiến của người dân, ít nhất cần phải có điều tra xã hội học. Theo ông Vần, người dân có quyền thông qua HĐND, qua mặt trận, nhưng cũng có quyền trực tiếp đối với những vấn đề như việc hợp nhất này.

Phó Chủ tịch MTTQ, Vũ Trọng Kim cho biết, qua đợt tiếp xúc với cán bộ và người dân Hà Tây, nhiều người dân ý kiến rằng, nếu họ được tham gia vấn đề lớn như vậy sẽ rất có ý nghĩa. Chẳng hạn có thể đưa ba phương án lên ti vi để người dân thảo luận, góp ý rồi Chính phủ tổng hợp, thống nhất.

“Bản thuyết trình chưa thuyết phục” là ý kiến của GS Vũ Đình Bách, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế. GS Bách đặt vấn đề, có phải vì dân số đông, khoa học, công nghiệp xã hội không “đẩy” lên được mà mở rộng? Cùng đó, lợi ích mở rộng tác động đến Hà Nội, các tỉnh khác như thế nào cũng chưa được làm rõ.

Theo ông không nhất thiết phải mở rộng để tập trung phát triển vào Hà Nội, không nhất thiết GDP của Hà Nội phải thật cao. Ông đưa ra dẫn chứng, doanh nghiệp ô tô Xuân Kiên, sau khi gặp khó khăn về đất ở Hà Nội đã mở xí nghiệp ở Vĩnh Phúc và vẫn lớn mạnh. Như vậy là vẫn đóng góp vào sự phát triển.

Phát biểu sau đó, GS Phan Đình Diệu cũng cho rằng, lí do xây dựng các vực này khu vực kia chẳng hạn như khu công nghiệp, khu đại học… chưa có sức thuyết phục. Đơn cử như việc xây dựng các trường đại học tại khu vực Hoà Lạc, đã nhiều năm trôi qua, đến nay chưa trường Đại học nào lên đó vì ai cũng biết, lên là khó khăn hơn.

GS Phan Đình Diệu nhìn nhận, từ khi biết thông tin Hà Nội mở rộng đến khi thành hiện thực chỉ vài tháng, như vậy là quá nhanh. Ông đặt vấn đề, trong một ngàn năm, Hà Nội tăng lên bao nhiêu mà trong mấy tháng đã tăng lên 4 lần? Một thay đổi to lớn, đột ngột chưa hẳn đã tạo nên sự tiến bộ mà phải có quá trình cho sự thích nghi.

Một sở sẽ có 15 phó?

Theo ông Vũ Trọng Kim, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Hà Nội nhỏ như vậy, quản lí vẫn chưa tốt, bây giờ rộng gấp ba, trình độ quản lí, khả năng lãnh đạo phải được nâng lên - vậy điều này đã được chuẩn bị chưa?

Về bộ máy chính quyền, nhiều cán bộ Hà Tây cho rằng, với cấp trưởng không có vấn đề gì lắm vì chỉ có một người. Nhưng cấp phó sẽ khó hơn rất nhiều vì qua đợt sáp nhập các cơ quan cấp tỉnh vừa qua số cấp phó đã tăng lên rất nhiều, nay tiếp tục gộp hai tỉnh lại, có cơ quan cấp tỉnh sẽ lên đến…15 phó.

“Hà Nội cần một chiếc áo mới, nhưng 1/7 làm ngay tôi thấy đơn giản quá” đại biểu Nguyễn Túc nối tiếp. Cách làm như thế nào, sắp xếp chỗ đứng, chỗ ngồi cho cán bộ như thế nào là vấn đề không đơn giản.

Ông Túc cho biết, trong đợt làm việc với Hà Tây vừa qua, ông đã được nghe cán bộ Hà Tây đoán già, đoán non rằng, Hà Nội sẽ có nhiều người làm PCT, còn Hà Tây có nhiều người làm Giám đốc Sở.

Ông Cư Hoà Vần đồng tình với tinh thần mở rộng Hà Nội, nhưng như phương án đã đề cập là quá lớn, trong khi chúng ta chưa làm rõ những cơ sở.
 
Theo ông Vần cần phải tính toán kĩ lưỡng, bởi hợp nhất các tỉnh trước đây, khi đưa ra Quốc hội đa số bỏ phiếu thông qua, nhưng trước đó khi thảo luận có những ý kiến chưa đồng tình. Sau này khi phải tách các tỉnh ra, chúng ta mới thấy được những ý kiến đó là đúng.
 

Báo cáo về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô của Bộ Nội vụ cho biết: Chính phủ quyết tâm chỉ đạo bộ máy chính quyền (HĐND, UBND và các cơ quan chuyên môn giúp việc) của Thủ đô mới (cấp thành phố) đi vào hoạt động từ 01/07/2008.

 

Về bộ máy lãnh đạo HĐND và UBND thành phố Hà Nội mới: Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, bộ máy lãnh đạo cuả thành phố Hà Nội mới sẽ được bố trí, sắp xếp theo qui định của luật hiện hành và có tính đến yếu tố đặc thù khi hợp nhất tỉnh Hà Tây với thủ đô Hà Nội, cố gắng mức cao nhất đảm bảo quyền lợi của cán bộ lãnh đạo hai địa phương.

 

Đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh Hà Tây và thủ đô Hà Nội sẽ được bố trí sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo chính sách, đoàn kết cùng nhau xây dựng thủ đô mới.

 
Cấn Cường