1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Một Việt kiều trong "100 thiên tài đương thời thế giới"

Liên tục đạt được những thành công trong nghiên cứu khoa học, ông Võ Đình Tuấn - một tiến sĩ vật lý gốc Việt vừa được Công ty tư vấn và kinh doanh toàn cầu Creator Synectics bình chọn là một trong “100 thiên tài đương thời thế giới".

Ngoài cương vị là Viện trưởng Viện Fitzpatrick của Đại học Duke (thuộc Bắc Carolina, Mỹ), ông Tuấn hiện còn là viện sĩ Viện Hóa học, biên tập viên và cố vấn của nhiều tạp chí quốc tế chuyên ngành.

Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, sau khi tốt nghiệp trung học, ông Tuấn sang Thụy Sĩ du học và lấy bằng cử nhân vật lý năm 1971. Bốn năm sau, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hóa lý sinh tại Viện Công nghệ Liên bang Zurich và sang định cư tại Mỹ.

Bằng phát minh đầu tiên của ông Tuấn được trao năm 1987 là sáng chế "Băng dán cứu sinh", một loại băng rất nhỏ và dễ sản xuất hàng loạt, dùng để gắn lên áo của công nhân khi họ làm việc trong những môi trường có nguy cơ cao, nhằm ghi lại các thông số của loại chất độc hại mà họ bị mắc phải trong quá trình lao động.

Lĩnh vực y khoa thế giới đã ghi nhận nhiều phát minh của ông về những hệ thống chẩn đoán sử dụng việc khám phá các ADN gây bệnh tiểu đường và ung thư. Tất cả các hệ thống này đều dựa trên phương pháp "tia sáng đồng hành" dễ ứng dụng. Phương pháp này của ông đã được các công ty dược và tổ chức môi trường Hoa Kỳ chấp nhận.

Năm 2003, ông còn là một trong bốn nhà khoa học Mỹ gốc Á được Cơ quan Thương hiệu và phát minh Hoa Kỳ (USPTO) tôn vinh. Theo đánh giá của USPTO, những phát minh của tiến sĩ Võ Đình Tuấn đã góp phần làm cho Mỹ trở thành một trong những nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới.

Sau gần 30 năm hoạt động khoa học, đến nay ông Võ Đình Tuấn đã có hơn 30 bằng phát minh và sáng chế đang được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực môi trường, sinh học và y học.

Ngoài ra, ông Tuấn còn đoạt 5 giải thưởng Nghiên cứu & Phát triển vào các năm 1981, 1987, 1992, 1994 và 1996, đồng thời là tác giả của hơn 300 công trình được in ấn trên các tạp chí khoa học.

“Những nghiên cứu của tôi chỉ có mục đích đơn giản là góp phần làm giảm những nỗi đau của con người và cái khó nhất đối với bệnh nan y như ung thư hay AIDS chính là phát hiện ra nó”, ông Tuấn khiêm nhường nói.

Nhà khoa học tài năng này hiện đang tiếp tục theo đuổi mục đích cải tiến công nghệ sản xuất thiết bị y khoa hiện đại, có kích thước nhỏ và giá thành thấp nhằm góp phần nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm chi phí trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Hiện nay, có khoảng 3,5 triệu Việt kiều đang sinh sống tại 94 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều người trong số họ đã rất thành đạt, có vị trí và những đóng góp đáng kể tại các nước sở tại.

Theo TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm