ĐBSCL:
Một trạm BOT đặt “nhầm” vị trí sắp phải di dời
(Dân trí) - Khi trạm thu phí BOT T2 thuộc dự án nâng cấp QL91 qua địa phận TP Cần Thơ đưa vào thu phí, người dân và các ngành chức năng tỉnh An Giang đã phản đối. Sau đó, Bộ GTVT cho giảm giá thu phí nhưng người dân không đồng tình, yêu cầu dời trạm thu phí này.
Dân phản ứng, Bộ GTVT giảm mức thu phí
Theo hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 qua địa phận TP Cần Thơ thể hiện chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư QL91 Cần Thơ – An Giang làm chủ đầu tư.
Dự án có hai phân đoạn gồm: QL91 đoạn Km14+00 (giao QL91B) đến Km50+889 và QL91B đoạn Km0+000 đến Km 15+793. Tổng mức đầu tư hơn 1.720 tỉ đồng.
Trên dự án có 2 trạm thu phí gồm trạm T1 được đặt tại Km16+905,83 QL91 (phường Phước Thơi, quận Ô môn) và trạm T2 được đặt tại Km50+050 thuộc khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt – giáp ranh tỉnh An Giang (cách cầu Cái Sắn khoảng 200m).
Ngay sau khi trạm T2 bắt đầu thu phí, các doanh nghiệp vận tải, tài xế, người dân đã phản ứng quyết liệt. Ngay sau đó, nhiều cơ quan tỉnh An Giang, Kiên Giang có những văn bản kiến nghị gửi đến Bộ GTVT, Chính phủ về việc đặt trạm T2 chưa hợp lý.
Tài xế tên Bình có 5 xe tải chở thuê ở TP Long Xuyên (An Giang) nói: "Khách dọn nhà từ TP Long Xuyên qua địa bàn phường Thới Thuận chưa tới 1km nhưng khi qua trạm chúng tôi phải trả phí như đi hết tuyến quốc lộ 91. Tận thu thế này thì làm sao dân chúng tôi sống nổi".
Một doanh nghiệp vận tải khác ở TP Long Xuyên cho biết, doanh nghiệp có 10-15 xe; hàng ngày mỗi xe dù chỉ đi khoảng 200 mét đường thuộc dự án nhưng vẫn phải đóng 140.000 đồng/lượt thì làm bao nhiêu cho đủ. Bởi vậy doanh nghiệp đã làm đơn gửi đến Hiệp hội Vận tải An Giang kêu cứu.
Liên quan đến những nghi vấn trạm T2 đặt nhầm vị trí, các ngành liên quan tỉnh Kiên Giang, An Giang và TP Cần Thơ đã gửi nhiều công văn đến Bộ GTVT để xem xét lại mức phí và vị trí đặt trạm.
Cụ thể, trong văn bản gửi Bộ GTVT, Sở GTVT tỉnh An Giang cho rằng, tuy dự án đầu tư trên địa phận TP Cần Thơ nhưng trong quá trình thẩm định dự án ban đầu, Bộ GTVT có mời Sở GTVT tỉnh An Giang dự họp.
Tại cuộc họp vào ngày 1/11/2013, Bộ chỉ thống nhất đặt một trạm thu phí tại khoảng Km14+770, không có trạm thứ hai tại Km50+050 (T2 – PV) như hiện nay.
“Khi trạm T2 đi vào hoạt động, nhân dân và doanh nghiệp phản ứng gay gắt, vì phương tiện tham gia giao thông trên QL 80 qua đoạn QL 91 khoảng 750 mét (tuyến trùng giữa QL 91 và QL80), nhưng phải đóng phí như đi trên toàn tuyến, rất bất hợp lý”, văn bản của Sở GTVT tỉnh An Giang gửi Bộ GTVT phản ánh về vị trí trạm BOT T2 trên QL 91.
Trước bức xúc của người dân và kiến nghị của các tỉnh An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ, ngày 6/6/2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật gửi công văn cho các địa phương, chủ đầu tư dự án yêu cầu giảm 100% giá vé qua trạm T2 cho các loại xe buýt, xe khách phục vụ vận chuyển hành khách công cộng chạy tuyến cố định sử dụng quãng đường BOT theo hướng từ Kiên Giang (QL 80) về An Giang (QL 91) và ngược lại.
Miễn giảm 100% giá vé qua trạm T2 cho các phương tiện các phương tiện của người dân sinh sống có hộ khẩu thường trú trong phạm vi lân cận trạm thu phí.
Yêu cầu dời trạm thu phí T2
Dù đã được Bộ GTVT cho giảm giá nhưng người dân và các địa phương An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ kiến nghị di dời trạm T2.
Về việc này, tại thông báo số 196, ngày 6/6/2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật giao Vụ Đối tác công tư chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư, các ngành liên quan rà soát đánh giá và đề xuất phương án di dời trạm T2 trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.
Đến 12/7/2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật có văn bản gửi Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh An Giang về việc thống nhất di dời trạm T2. Tuy nhiên trong văn bản này không thể hiện cụ thể thời gian di dời trạm.
Trước bất cập nêu trên, ông Nguyễn Ngọc Xuân – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang, đã có văn bản kiến nghị gửi đến Chính phủ, Bộ GTVT… xem xét, ấn định thời gian cụ thể dời trạm thu phí T2.
Trong văn bản, ông Xuân nêu: Đề nghị ngành chức năng di dời trạm sớm vì cầu Vàm Cống sắp hoàn thành và đi vào hoạt động. Khi đó dân sẽ phải chịu 2 lần thu phí khi 2 trạm chỉ cách nhau vài km.
Một lãnh đạo tỉnh An Giang nói, các phương tiện đường bộ tỉnh An Giang hoạt động qua cung đường QL 91 để qua QL80 100m như xe hợp đồng, xe tải, xe container, taxi và các loại xe khác sử dụng quá ít quãng đường mà công ty chỉ nâng cấp mở rộng trên QL 91. Do vây, để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân, Bộ GTVT cần sớm di dời trạm T2.
Nguyễn Hành