Một sinh viên bị đuổi học sau 7 năm mới biết
Đ.A.K, sinh viên Khoa Y dược, ĐH Tây Nguyên phải trầy trật hơn 10 năm mới hoàn thành chương trình học tập. Tuy nhiên, đến ngày nhận bằng tốt nghiệp thì Đ.A.K mới hay mình đã bị đuổi học từ 7 năm trước, cách đó 2 đời Hiệu trưởng.
Lý do Đ.A.K bị đuổi học là, học lực yếu, không đủ tiêu chuẩn để được tiếp tục đào tạo (Quyết định số 760 do PGS-TS Phan Quốc Sũng, Hiệu trưởng trường ĐH Tây Nguyên ký ngày 23/10/1995).
Căn cứ vào quy chế đào tạo thì sinh viên Đ.A.K bị buộc thôi học là đúng. Thế nhưng, quyết định buộc thôi học mãi đến 7 năm sau mới đến tay người nhận, tạo nên cảnh dở khóc dở cười cho sinh viên Đ.A.K chính là do tắc trách của lãnh đạo trường ĐH Tây Nguyên.
Theo tìm hiểu, sau khi nhận được đơn thư của Đ.A.K, Trường ĐH Tây Nguyên đành phải xin ý kiến lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Ngô Kim Khôi -Vụ phó Vụ ĐH và Sau ĐH - đã có ý kiến về việc này.
Theo đó, việc trường ĐH Tây Nguyên không công nhận tốt nghiệp đối với sinh viên Đ.A.K do không đủ điều kiện tốt nghiệp là đúng với các quy định về đào tạo và cấp phát văn bằng của Bộ GD-ĐT. Nhưng do Đ.A.K đã “lỡ” học xong chương trình, trường ĐH Tây Nguyên cấp giấy chứng nhận đối với các học phần đã học và tích lũy được.
Về hậu quả gây ra chuyện “dở khóc dở cười” đối với sinh viên Đ.A.K, ông Ngô Kim Khôi có ý kiến: Việc nhà trường cho phép sinh viên Đ.A.K tiếp tục theo học (trong khi sinh viên này đã bị buộc thôi học) là trái với các quy định về quản lý sinh viên trong quá trình đào tạo. Nhà trường phải nghiêm khắc kiểm điểm.
Chỉ vì sự tắc trách của nhà trường (bỏ quên quyết định buộc thôi học) nên đến giờ này, đã 35 tuổi, mà Đ.A.K vẫn chưa có việc làm ổn định vì học mà không có bằng tốt nghiệp.
Tuy nhiên, những người gây ra hậu quả vẫn chưa bị kiểm điểm, xử lý. Đề nghị Trường ĐH Tây Nguyên phải thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.
Theo Lý Thành Tâm
Báo Tiền phong