1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Một quả bom bị “bỏ quên” 34 năm ở Ga Hà Nội

(Dân trí) - Sau vụ phát hiện <a href=" http://dantri.com.vn/Sukien/2006/8/134672.vip"> quả bom ở cầu Vĩnh Tuy</a>, nhiều người dân tại phường Cửa Nam xôn xao bàn tán về một quả bom chưa nổ nằm tại góc đường Trần Quý Cáp và Nguyễn Khuyến (nay thuộc Ga Hà Nội). Vì nhiều lý do mà quả bom này đã bị “quên lãng” 34 năm nay.

Quả bom bị “quên lãng”

 

Theo một số nhân chứng kể lại, thời điểm Mỹ leo thang ném bom miền Bắc năm 1972, khu vực Ga Hà Nội phải hứng nhiều trận bom Mỹ. Trong những trận rải bom đó, có 2 quả bom rơi trúng vị trí nhà ga. Một quả phát nổ đã phá tan nhà ga chính (nay đã xây dựng lại), quả còn lại không nổ. Sau đó, bộ đội công binh đã tiến hành đào bới, rà phá. Công việc này đã được tiến hành trong một thời gian dài.

 

Ông Đỗ Quang Tập, số nhà 58, đường Lê Duẩn, phường Cửa Nam - một trong những người dân sống trong khu vực quả bom rơi - cho biết: “Đúng là có chuyện bộ đội công binh rà phá quả bom tại khu vực này, đấy là năm 1972. Nhưng đã đào được hay chưa thì tôi không được rõ”.

 

Theo ông Tập, những người lính công binh đã phải “vật vã” với quả bom này hàng tháng trời, nhiều người dân hiếu kỳ cũng đến xem việc đào bom nhưng việc này diễn ra hàng tháng trời nên dần cũng nhàm. “Có một điều rất trớ trêu là không chỉ mỗi mình tôi mà nhiều người dân sống lâu năm ở đây ai cũng biết có quả bom. Nhưng việc đã đào được lên hay chưa thì không ai khẳng định và cũng không ai thông báo cho chúng tôi về việc này”, ông Tập nói.

 

Từ những thông tin này, chúng tôi đã liên hệ với Trung tá Lê Thế Đỉnh, người từng ở đơn vị trực tiếp rà phá quả bom. Ông Đỉnh nguyên là  Giám đốc Xí nghiệp rà phá bom mìn - Bộ Tư lệnh Công binh - hiện đang  sống tại xã Minh Hưng, huyện Kiến Xương, Thái Bình. “Việc đào quả bom ở Ga Hà Nội là có thật, hồi đó tôi ở đơn vị trực tiếp đào quả bom này. Chủng loại bom thì tôi không được rõ lắm vì chỉ thấy lỗ hút bom chứ chưa tận mắt nhìn thấy quả bom đó.

 

Cả một đại đội được huy động để đào bom nhưng địa chất  khu vực này rất phức tạp, không rõ là đất cát phía bên dưới như thế nào nhưng chỉ biết là càng đào sâu thì đất hai bên lại sụt xuống. Chúng tôi phải thu dọn đất cát rồi phá nhà cửa hai bên để đào tiếp và đào hơi lấn về phía đường Trần Quý Cáp, đào đến đâu chúng tôi phải đóng cọc tre để chống sụt lở. Tuy nhiên, tôi chỉ chứng kiến việc này trong 3-4 tháng đầu, sau đó chuyển công tác nên cũng không rõ việc rà phá này đã đạt được kết quả như thế nào” - ông Đỉnh cho biết.

 

Tuy nhiên, qua một số nhân chứng khác, chúng tôi được biết do gặp nhiều khó khăn nên việc đào bới rà phá quả bom này đã đình lại. Từ đó đến nay đã hơn 30 năm trôi qua, không còn ai nhớ và nhắc đến quả bom ấy nữa. Nhưng như thế không có nghĩa là mối hiểm hoạ đã chấm dứt.

 

Tâm tư của những người sống gần bom

 

Xung quanh việc còn bom nằm trong khu vực Ga Hà Nội, ông Đỗ Quang Tập cho biết: “Nếu không nói ra những chuyện này thì chúng tôi không yên tâm, còn nói ra lại có những áy náy khác”.

 

Cách đây không lâu, khi có thông tin về quả bom này từ phía người dân, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin. Một số cán bộ quân đội xuống khu vực này tìm hiểu, sau đó họ nói với một số người dân ở đây  là không nên đưa chuyện này ra vì sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người dân. Đã 30 năm rồi, không thấy có biểu hiện gì chắc là không sao (!). Trên thực tế vẫn có những quả bom rơi xuống không còn khả năng phát nổ mà công binh ta gọi là bom câm, bom lép.

 

“Tôi không rõ là khơi lại việc này sẽ gây ra tâm lý bất ổn cho người dân đang sống ở đây hay là ảnh hưởng đến những người có trách nhiệm. Mặc dù họ có nói như vậy nhưng không một ai đứng ra khẳng định bảo đảm an toàn cho chúng tôi. Mà đã không ai dám khẳng định thì chúng tôi có quyền nghi ngờ.

 

Tôi nói ra việc này cũng là vì lợi ích của chúng tôi và của cả cộng đồng. Nếu như có chuyện gì xảy ra khiến quả bom này phát nổ, hậu quả sẽ rất khó lường và ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Vì vậy, tôi mong rằng, các cơ quan có trách nhiệm sẽ có biện pháp đối với quả bom này”, ông Tập bức xúc.

 

Theo Trung tá Lê Thế Đỉnh, quả bom tuy nằm sâu dưới lòng đất nhưng vẫn có khả năng phát nổ trong trường hợp chịu một lực tác động trực tiếp hoặc trong quá trình phân huỷ có gây ra phản ứng hoá học. Như vậy, nguy cơ về quả bom này phát nổ là không thể loại trừ.  

 

Thái Uyên - Phúc Hưng

 

Kỳ sau: Xác nhận của người trong cuộc