1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Một nông dân tỷ phú trắng tay sau bão số 7

“Đê vỡ rồi, đừng nán lại nữa, không cứu nổi cua đâu”, anh Lê Trần Trọng Ninh, chủ trại giống tôm, cua duy nhất tại thị trấn Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định gào lên trong tuyệt vọng.

Từ trong trại giống, gần một chục người đàn ông chạy ùa ra. Nước lũ đập nát đê Thịnh Long ào ào cuốn trôi tất cả mọi thứ. Gió rít lên từng hồi. 54 bể cua đang trong mùa thu hoạch trị giá hơn 5 tỉ đồng bị nhấn chìm trong nước biển…

 

Liều mạng cứu cua

 

Lúc đó là 11h45 ngày 27/9. Chỉ vài chục tích tắc sau khi đê vỡ, nước biển đã tràn vào ngập quá đầu người. Anh Ninh chạy men theo con đường nhỏ lổn nhổn gạch đá rồi leo lên tầng 3 của toà nhà đo sóng nằm đằng sau trại giống. Từ trên tầng cao nhìn xuống, cả khu nuôi tôm, cua chìm trong biển nước. Nước mắt chảy ròng ròng. Bao nhiêu tâm huyết, sức lực của anh em dồn vào mấy chục vạn cua bỗng chốc tan thành mây khói.

 

Bão số 7 đã mạnh trên cấp 12. Nước lũ cuốn ào ạt. Hàng cây phi lao trồng ven đê Hải Thịnh bật rễ, đổ gục trước sức lay của bão. Không kìm nổi nỗi chua xót, anh Ninh mặc vội chiếc áo phao lên người rồi lao ra giữa biển nước. “Nguy hiểm lắm, quay lại đi Ninh, không cứu vãn nổi nữa đâu”, người bạn của anh Ninh thét lên.

 

Trong dòng nước xiết, người ta thấy một bóng đàn ông cố sải những cánh tay về phía trước. Anh Ninh vừa bơi về phía trại cua vừa khóc tu tu như một đứa trẻ. Còn nước thì còn tát. Phải vào lại trong trại để xem cái 2 cái máy phát điện còn chạy được nữa không. Nếu ông trời cứu giúp, máy phát vẫn hoạt động được thì cua còn đủ ôxy để sống. Càng nghĩ, anh Ninh càng cố bơi thật nhanh.

 

Nhưng không kịp nữa rồi. Một nửa khu bể nuôi cua giống đã bị bão đập tan tành. Hi vọng duy nhất là máy phát điện cũng bị chập cháy do nước ngập. Anh Ninh hấp tấp leo lên một thành bể rồi vồ lấy chiếc máy tạo ôxy chạy bằng ác quy còn sót lại. May mắn, cái máy này vẫn hoạt động. Dẫu sao thì cũng có thể cứu được 1 bể cua.

 

Đến tận 4 giờ chiều bão mới tan. Nước biển Hải Thịnh rút dần để trơ lại trên mặt đất những gốc cây bật rễ và những ngôi nhà tan hoang, đổ nát. Nước mắt của những người nuôi cua chan hoà trong nước lũ.

 

Tỉ phú nhờ cua, trắng tay cũng vì cua

 

Trại giống tôm, cua của anh Lê Trần Trọng Ninh được xây dựng ở Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định từ cách đây vài năm. Hồi đó, anh Ninh mới chân ướt chân ráo từ TPHCM ra ngoài Bắc với hi vọng làm giàu nhờ nghề nuôi trồng thuỷ sản. Gom góp, vay mượn được hơn 100 triệu đồng, anh Ninh quyết định dốc toàn bộ số vốn đó cùng với hai người bạn ở Nam Định xây dựng trại nuôi tôm, cua giống.

 

Ban đầu, trại giống của mấy anh em chỉ có vài vạn tôm, cua. Nhưng dần dần làm ăn được mùa, quay vòng vốn nhanh, trại cũng xây được hẳn hai khu bể nuôi với vài chục vạn giống. Cả thị trấn Thịnh Long, ai cũng biết đến tiếng của “giám đốc” Trần Trọng Ninh và “công ty” tôm, cua duy nhất trong vùng.

 

Để chuẩn bị cho vụ cua năm nay, anh Ninh và mấy chục anh em trong trại phải lăn lộn, thức đêm thức hôm ròng rã suốt mấy tháng trời. Việc chăm sóc cua không đơn giản. Người nuôi phải theo dõi cua lớn từng ngày, thay lọc nước liên tục và phải đảm bảo máy phát điện hoạt động 24/24h cho cua đủ ôxy để thở.

 

“Nghề nuôi tôm, cua giống như trò đánh bạc. Đỏ thì thắng, đen thì thua. Thắng thua cũng là chuyện thường tình. Nhưng mất mát như anh em tôi lần này thì đau đớn quá…”, ông chủ trại giống nước mắt lưng tròng. Chua xót là cơn bão số 7 đánh vào Nam Định đúng vào lúc trại cua của anh Ninh chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Toàn bộ của cải, tâm huyết bấy lâu nay bỗng chốc cuốn trôi theo dòng nước lũ.

 

“Tôi có 54 bể cua. Mỗi bể nuôi chừng 5 vạn con. Trước khi bão số 7 đổ về, giá cua trên thị trường là 1.700 - 1.800 đồng/con. Anh thử nhân lên mà xem. Hơn 5 tỉ đồng mất trắng. Lần này không khéo chỉ còn nước phải đi ăn mày thôi…”.

 

Anh Ninh bảo, trại giống của anh không có bảo hiểm. Mà nếu có bảo hiểm đi chăng nữa thì cũng chẳng biết người ta sẽ cho lại được bao nhiêu. Mất cua là mất tất cả. Hồi còn sống trong miền Nam, anh Ninh từng chứng kiến những ông chủ nuôi tôm, cua phá sản sau cơn bão. Thậm chí, có người đã tự vẫn khi biết mình chỉ còn hai bàn tay trắng.

 

“Thôi thì đành vậy. Phải làm lại từ đầu!” - ông “giám đốc công ty tôm, cua” Thịnh Long tự nhủ…

 

Theo Lê Tân
Vietnamnet