Một người Mỹ lang thang kể chuyện chiến tranh

Giữa phố cổ Hội An (Quảng Nam), người cựu binh Mỹ tuổi gần thất thập ấy chọn quán cà phê ven sông Hoài, để gặp gỡ những du khách đủ mọi quốc tịch và cả đồng hương Mỹ. Để kể với mọi người về chiến tranh và những lầm lỗi...

Hình ảnh ấy trở nên quen thuộc từ gần chục năm nay.

Ông là Manus Campbell, cựu thủy quân lục chiến quân đội Mỹ từng đóng quân ở chiến trường Bình Trị Thiên.
 
Cựu binh Mỹ Manus
Cựu binh Mỹ Manus
 
Diễn giả tự nguyện về chiến tranh

19 tuổi, Manus Campell được lệnh gọi nhập ngũ. Thuộc lực lượng Tiểu đoàn 1, binh đoàn Thủy quân lục chiến 4 của quân đội Hoa Kỳ, năm 1966, tân binh Manus sang Việt Nam, đóng quân ở chiến trường Quảng Trị, Đông Hà, và ngang dọc khắp vùng Cồn Tiên.

Thời điểm này, căn cứ Cồn Tiên cùng với các căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ ở Gio Linh, Đông Hà và Cam Lộ bao quanh một khu vực được gọi là “Quảng trường Leatherneck”. Đây là khu vực quan trọng trong Hàng rào McNamara, nhằm ngăn chặn Quân đội Nhân dân Việt Nam vượt qua Khu phi quân sự vĩ tuyến 17.

Nhiệm vụ của Manus là trực tiếp tham gia các đợt hành quân, chiếm đóng, tàn phá để mở rộng vùng chiến. Ông kể, nhìn đồng đội dã tâm sát hại dân thường, những giọt nước mắt van xin, tuyệt vọng của các bà mẹ, người vợ, nhất là khuôn mặt thất thần của những đứa trẻ khiến ông ám ảnh khôn nguôi.

“Có những đợt hành quân kéo dài cả tuần lễ, tôi qua vùng đất với đầy sự khó khăn. Người dân hiền lành chất phác. Nhưng sau đó là cảnh tượng điêu tàn. Từng ánh mắt, giọt nước mắt ám ảnh tâm trí tôi từng ngày, từng giờ. Quay lại tuổi 19, hẳn các bạn sẽ thấy suy nghĩ của mình lúc ấy là như thế nào? Nhiều người thậm chí còn chưa bước ra khỏi đất nước của họ. Họ rất ngây thơ. Tôi cũng thế, không tự mình quyết định được, ai cũng bị buộc phải tham gia chiến trường. Có một số người cùng thời của tôi đã bỏ trốn sang Canada và châu Âu để khỏi tham chiến. Tuy nhiên hầu hết những người khác thì quá ngây thơ. Rằng chiến tranh là như thế nào? Tôi đã nhập ngũ và sang Việt Nam”- Manus nhớ lại.
 
 
Manus Campbell và các cựu binh Mỹ bên những cựu chiến binh Việt Nam một thời bên kia chiến tuyến
Manus Campbell và các cựu binh Mỹ bên những cựu chiến binh Việt Nam một thời bên kia chiến tuyến

“Tôi muốn gửi thông điệp đến các bạn về sự khủng khiếp của chiến tranh. Toàn mất mát, đổ vỡ và nỗi đau. Sẽ chẳng có chiến thắng thực sự cho bất kỳ một cuộc xâm lược nào. Đặc biệt, những người dân vô tội luôn là nạn nhân của các cuộc chiến. Cả những gia đình của những cựu chiến binh Việt Nam hay gia đình của cựu chiến binh Mỹ cũng đều phải gánh chịu những nỗi đau”. Lời tự sự của cựu binh Manus nhiều khi ngắt quãng.

Manus như một diễn giả quốc tế về chiến tranh trước bạn bè, du khách ngoại quốc. Ông bảo: Chỉ bằng cách kể lại những câu chuyện, và có thể được khóc cho nỗi đau chiến tranh, thì những cựu binh như chúng tôi mới có khả năng tự chữa lành vết thương trong lòng mình, và nói với thế giới về sự khủng khiếp của cuộc chiến.

Tôi đã được tha thứ…

Năm 2007, sau gần 30 năm tham gia cuộc chiến tranh phi nghĩa, lần đầu tiên, người cựu binh Mỹ một thời lại có mặt trên chính mảnh đất mình từng tham chiến.

“Tôi đã rất lo lắng. Tôi sợ mọi người sẽ không đón nhận tôi. Đủ mọi điều vẽ ra trước mắt tôi khi đặt chân đến Việt Nam. Cảm giác hối lỗi nặng nề. Nhưng tôi lại tiếp tục lầm”, Manus nói.

Cái “sai lầm” với người cựu binh Mỹ lần này không phải là súng đạn, chết chóc mà bởi sự bất ngờ người dân Việt luôn rộng lòng bao dung với những người như ông.

“Kể từ sau chiến tranh Việt Nam, nhiều cựu binh Mỹ không thể sống nổi và họ tự sát bởi sự ám ảnh bắn giết, chết chóc. Có hàng ngàn trường hợp tự tử. Nhiều cựu chiến binh đã dùng đến rượu và ma túy vì họ không còn muốn sống và chịu đựng thêm được nữa. Họ không muốn kể bất cứ câu chuyện nào về chiến tranh cho bất cứ ai. Tôi chỉ muốn làm điều gì đó nơi chính mảnh đất Việt Nam để có thể khắc phục lầm lỗi của mình và cuộc chiến tranh phi nghĩa và nhắn gửi thông điệp hòa bình của mình”.

Cựu binh
My Manus Campbell
 

Manus kể, có lần đến Huế gặp người mẹ ngoài 80 tuổi. Gia đình mẹ có chồng, con đều tham gia cuộc chiến bảo vệ dân tộc. Lúc đầu, ông không dám giới thiệu mình là cựu binh, nhưng rồi lương tâm lên tiếng. Ông rụt rè giới thiệu cho mẹ và gia đình về quá khứ của mình.

Trái ngược hẳn với những suy nghĩ ban đầu, người mẹ này không hề trút giận, chỉ đượm buồn, rồi chân tình mời ông vào nhà. “Mẹ bảo đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại, rồi dặn dò con cháu mẹ coi tôi như con cái trong nhà. Tôi chỉ biết lặng nghe, rồi ứa nước mắt xúc động”.

Hơn 4 tháng trở lại Huế, gắn bó với con người đất cố đô, Manus càng hiểu thêm giá trị mà mình chưa bao giờ có được khi tham gia cuộc chiến. Mọi người thân thiện, hòa nhã và cởi mở. Ngạc nhiên vô cùng khi không ai nói gì đến chiến tranh. Ai cũng nói “quá khứ qua rồi, hãy làm vì hiện tại”. Người mẹ già ấy sau nhận Manus làm con nuôi, cho ông ở căn phòng của con trai.

Đặc biệt, Manus cùng người bạn Deryle Perryman và cựu binh Mỹ Chuck Searcy từng nhiều lần ăn tối với 4 cựu chiến binh Việt Nam. “Có người khi kể mới biết chúng tôi từng giáp mặt nhau trên đúng chiến trường giữa những làn bom đạn. Nhưng không có sự hận thù. Mọi người cởi mở, đón nhận và tha thứ cho chúng tôi”, Manus nói.

Xoa dịu nỗi đau chiến tranh

Cựu binh Manus Campbell thường kết thúc buổi nói chuyện bằng thông điệp kêu gọi hòa bình, tinh thần tương ái, hỗ trợ và chung tay thiện nguyện.

Năm 2009, Manus thành lập tổ chức phi chính phủ gọi là HIVOW (Helping Invisible Victims of War) nhằm giúp đỡ những nạn nhân bị tác động bởi chiến tranh. Từ đó, ông gắn bó hầu hết thời gian Huế, và tới Hội An.

Manus nhớ nhiều năm trước, trong lần tới thăm một ngôi chùa nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, mồ côi ở Huế, chứng kiến cảnh các sư cô tận tâm với những đứa trẻ bất hạnh, từ đó ông thường xuyên lui tới nơi này, trợ giúp tiền bạc, hỗ trợ công việc chăm sóc, nuôi dạy các em.

Mỗi năm, Manus Campbell thường tổ chức 4-5 chuyến mua sắm thực phẩm, quần áo, và cả mua bò để “hành quân” lên với đồng bào Cơ Tu, Vân Kiều vùng sâu xa Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, tặng các gia đình khó khăn. “Có những người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam do chính chúng tôi gây ra, tôi chỉ mong có thể góp phần nhỏ xoa dịu nỗi đau này”.

Là một thành viên trong Hiệp hội Cựu chiến binh vì hòa bình Mỹ, mỗi năm Manus tài trợ một chuyến đi tham quan dành cho cựu chiến binh Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam; giúp gây quỹ tháo gỡ bom mìn ở Quảng Trị... “Tôi không nghĩ mình sẽ quay về Mỹ sinh sống. Việt Nam chính là quê hương thứ hai của tôi. Mỗi lần ở đây, tôi cảm giác nhẹ lòng, thanh thản”.

Theo Nguyễn Huy

Tiền Phong