1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thái Bình:

Một ngôi trường có… hai hiệu trưởng

(Dân trí) - Trong cùng một lúc, Trường tư thục Nguyễn Công Trứ (TP Thái Bình) có đến hai ông Hiệu trưởng - một người vừa có quyết định thôi chức, một người vừa được bổ nhiệm. Cả hai ông đều không chịu nhường ai trong công tác điều hành các hoạt động dạy và học của nhà trường.

Tình trạng này đã và đang gây nên tâm lý bất ổn trong việc dạy và học của của hàng chục giáo viên và hàng nghìn học sinh tại ngôi trường này. Vì sao lại có việc kỳ lạ này?

 

“Tôi không chống đối, nhưng…”

 

Theo Quyết định 1870 của UBND tỉnh Thái Bình ngày 31/8/2006, kể từ ngày 1/9/2006, trường dân lập PTTHDL Nguyễn Công chuyển đổi mô hình thành trường tư thục Nguyễn Công Trứ.

 

Cùng với việc chuyển đổi này, quyết định của UBND tỉnh đã cho thôi chức hiệu trưởng đối với ông Ngô Thế Thông và công bố ban lãnh đạo mới gồm: Ông Phạm Xuân Ruyện, chủ tịch HĐQT; bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, phó chủ tịch HĐQT và ông Phạm Xuân Hoa, ủy viên HĐQT và là hiệu trưởng nhà trường.

 

Một ngôi trường có… hai hiệu trưởng - 1

Ông Ngô Thế Thông - Hiệu trưởng cũ của nhà trường.

Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra là quyết định của UBND tỉnh đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của ông hiệu trưởng cũ. Ngay tại cuộc họp công bố quyết định của UBND tỉnh, ông Ngô Thế Thông đã đứng lên phát biểu: “Tôi không chống đối chủ trương của UBND tỉnh cũng không tham quyền cố vị nhưng nếu không giải quyết được những yêu cầu của tôi thì tôi sẽ không bàn giao ngôi trường này cho ai và sẽ không đi đâu cả”.

 

Theo ông Ngô Thế Thông, trong quá trình thành lập và phát triển trường PTTH dân lập Nguyễn Công Trứ, bản thân ông đã đứng ra huy động các nguồn vốn như vay ngân hàng, cá nhân để xây dựng nhà trường, trang bị cơ sở vật chất, số tiền này đã lên tới hơn 9 tỷ đồng. Vì vậy, “tôi đồng ý bàn giao cho HĐQT mới với điều kiện họ phải trả tiền cho tôi để tôi thanh toán các khoản nợ”.

 

Trong khi đó, đại diện cho HĐQT mới là ông Phạm Xuân Ruyện cho rằng, ông Ngô Thế Thông nên sớm bàn giao để sớm ổn định công tác dạy và học. Về vấn đề tài chính, HĐQT mới sẽ căn cứ trên việc thẩm định mặt bằng tài chính của các cơ quan chức năng để tiếp nhận và chịu trách nhiệm thanh toán. Tuy nhiên, con số đã được thẩm định này thấp hơn nhiều với con số mà ông Thông đưa ra. Ông Thông cho rằng, việc thẩm định này chưa đúng với thực tế.

 

UBND tỉnh quá vội vàng?

 

Theo ông Ngô Thế Thông, quyết định của UBND tỉnh có nhiều vấn đề bất bình thường và đi ngược lại với quyền lợi của ông - là người sáng lập và có công rất lớn đối với ngôi trường và nguyện vọng của giáo viên và học sinh trong trường.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trường PTTHDL Nguyễn Công Trứ là trường PTTHDL đầu tiên ở Thái Bình được UBND tỉnh cho phép thành lập năm 1996 dưới sự bảo trợ của Trường Kinh tế - Kỹ thuật Thái Bình, HĐQT của trường bao gồm lãnh đạo của trường mẹ và ông Ngô Thế Thông là người sáng lập và là hiệu trưởng nhà trường.

 

Trong thời gian đầu trường hoạt động khá hiệu quả nhưng đến năm 1998-1999 trường Kinh tế - Kỹ thuật chuyển sang hệ đào tạo cao đẳng thì vai trò bảo trợ của trường mẹ bị “bỏ quên”, HĐQT không còn hoạt động.

 

Từ năm 1999 đến nay, mọi hoạt động điều hành đều do ông Thông đảm trách. Tự đứng ra huy động các nguồn vốn, ông Thông đã tạo dựng cho trường PTTHDL Nguyễn Công Trứ một cơ ngơi khang trang với trên 70 giáo viên và 1.300 học sinh.

 

“Ấy vậy mà đùng một cái người ta gạt tôi ra khỏi ngôi nhà mà mình đã xây, người đổ mồ hôi, sôi nước mắt thì không được hưởng trong khi đó có người chỉ ngồi ăn cỗ sẵn” - ông Thông cho biết.

 

Ông cũng thừa nhận, chủ trương chuyển đổi mô hình trường dân lập sang tư thực là hợp lý và ông sẵn sàng chấp nhận. Tuy nhiên việc UBND tỉnh ra quyết định nói trên có nhiều điểm thiếu tính, thiếu lý. “Đáng ra, khi bàn đến chuyện này, họ phải thông báo trước để tôi có sự chuẩn bị như họp phụ huynh để thông báo và bàn bạc với giáo viên trong trường để ổn định tư tưởng cho họ.

 

Một ngôi trường có… hai hiệu trưởng - 2

Ông Phạm Xuân Ruyện - chủ tịch HĐQT mới.

Trong việc thanh lập HĐQT mới, tôi có nguyên vọng tham gia họ cũng gạt ra. Mặt khác, tất cả các khoản nợ của trường do tôi đứng ra vay, bây giờ sự thể thế này nhiều người đến đòi nợ, họ đòi rất căng thẳng, có người còn bảo, nếu không trả ngay đừng hòng mà sống yên ổn ở cái đất này. Như thế làm sao tôi có thể yên tâm được?” - ông Thông bày tỏ bức xúc.

 

Theo ông Thông và một số giáo viên tại trường, việc thành lập HĐQT mới hiện đang có một số vấn đề, đó là tư cách đạo đức một số người trong Ban lãnh đạo mới, đó là ông Pham Xuân Hoa có đơn tố cáo là đã nhận hối lộ? Ba thành viên HĐQT thì có 2 người có quan hệ chú cháu với nhau liệu có khách quan? Những vấn đề này đã được kiến nghị lên cấp trên nhưng không được lưu ý?

 

Các ngành chức năng cần sớm vào cuộc

 

Việc thực hiện quyết định của UBND tỉnh đối với trường dân lập Nguyễn Công Trứ đang trở nên căng thẳng và rắc rối với những người trong cuộc và gây xôn xao dư luận Thái Bình.

 

Trong buổi họp mặt giữa 2 bên để bàn giao do Sở GD-ĐT tổ chức mới đây, ngày 13/8, vẫn đề vẫn chưa được giải quyết, không những thế Sở GD-ĐT còn phải kiêm luôn nhiệm vụ “hòa giải” vì giữa 2 bên đã không giữ được bình tĩnh. Đã có một số biểu hiện cáo buộc nhằm hạ uy tín nhau, đây là những việc làm không đáng có tại môi trường sự phạm đồng thời đã và đang gây nên tâm lý không tốt cho việc giảng dạy của giáo viên và học sinh tại trường.

 

Trước sự việc này, thiết nghĩ, UBND và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình cần sớm có biện pháp để giải quyết.

 

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông  Phạm Phương Bắc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình: Chúng tôi chưa lường hết rắc rối

 

Thưa ông, sự việc xảy ra giữa trường tư thục Nguyên Công Trứ hiện nay liệu sẽ ảnh hưởng đến công tác dạy và học?

 

Chắc là không ảnh hưởng nhiều, bởi trong 10 năm qua, trường PTTH Dân lập đã tạo dựng được truyền thống rất tốt về công tác dạy và học. Mặt khác, Sở và các cơ quan chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà trường để không xảy ra những điều đáng tiếc.

 

Như vậy ai là người điều hành tại trường tư thục Nguyễn Công Trứ hiện nay, thưa ông?

 

Người điều hành sẽ vẫn là thầy Ngô Thế Thông thôi!

 

Vậy còn HĐQT thì sao?

 

Tính cho đến thời điểm này, HĐQT vẫn chưa nhận được bàn giao, đây cũng là điều bình thường, cái này vẫn phải có quá trình.

 

Vậy quan điểm của Sở trong việc giải quyết sự việc như thế nào?

 

Về trách nhiệm của mình thì Sở sẽ phải làm một thủ tục trình tự. Thầy Thông sẽ nghỉ và HĐQT mới lên điều hành, việc này phải được 2 bên bàn giao và có sự đồng thuận.

 

Có thể đặt ra vấn đề, việc là quá vội vàng khi mà chưa chuẩn bị được đầy đủ các điều kiện?

 

Cái này cũng rất khó bởi chúng tôi không nắm rõ tất cả các vấn đề nên cũng không hiểu lắm.

 

Nhưng thưa ông, Sở Giáo dục là cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND trong viêc quyết định vấn đề này?

 

Thực tình mà nói, Sở là cơ quan chuyên môn về quản lý giáo dục đào tạo, nhưng có những vấn đề Sở không phân định được, ví dụ như vấn đề xác định sở hữu, sở hữu tập thể hay cá nhân, những vấn đề này phải là do cơ quan chuyên môn. Bây giờ để bàn giao được thì phải làm rõ được vấn đề sở hữu.

 

Phải chăng đây là mô hình mới nên cơ quan chức năng chưa lường hết rắc rối?

 

Đúng vậy, việc thành lập trường DL là vấn đề rất mới, trong đó chuyển đổi từ DL sang tư thục lại càng mới hơn nên không tránh khỏi những rắc rối, phức tạp mà chính chúng tôi cũng chưa lường hết.

 

Xin cảm ơn ông!

 

 Thái Uyên - Lan Thương