1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Một lần gặp Bác – một đời không quên

(Dân trí) - Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng trong trí óc của người lính tiểu đoàn 5 năm ấy, hình ảnh Bác Hồ của gần 60 năm trước mặc bộ quần áo màu vàng nhạt, râu tóc bạc phơ, hiền từ, chỉ dạy cho những người lính về Đảng, về cách tăng gia, sản xuất chưa bao giờ phai mờ...

“Nhớ như in từng lời Bác nói”

Đó là lời khẳng định chắc chắn của cụ Nguyễn Viết Hiếu (phường Tân Sơn, TP. Thanh Hóa). Năm nay cụ Hiếu đã ngoài 80 tuổi, thế nhưng gần 60 năm qua, cụ vẫn nhớ như in hình ảnh lần đầu tiên được gặp Bác, nhớ nguyên vẹn từng câu Bác hỏi, Bác dặn dò.

Cụ kể, năm 18 tuổi, cụ tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh tại xã Hải Lĩnh, Tĩnh Gia (Trung đoàn 53), cụ được điều động vào đại đội 19, tiểu đoàn 5, phối thuộc trung đoàn 57 (thuộc Cục Hải Quân, nay là Bộ Tư lệnh Hải quân).

Cụ Nguyễn Viết Hiếu vẫn nhớ nguyên vẹn từng câu nói của Bác Hồ trong lần Bác về Sầm Sơn năm 1960.
Cụ Nguyễn Viết Hiếu vẫn nhớ nguyên vẹn từng câu nói của Bác Hồ trong lần Bác về Sầm Sơn năm 1960.

Do yêu cầu nhiệm vụ lúc bấy giờ, Trung đoàn của cụ phải làm nhiệm vụ bảo vệ Sầm Sơn, cửa ngõ số 1 trong chiến lược của ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Anh binh nhì Nguyễn Viết Hiếu được giao nhiệm vụ đo xa (máy đo mục tiêu trên biển) của khẩu pháo nòng dài 105mm do Nga viện trợ cho Việt Nam. Hồi ấy, mới chỉ dừng lại công tác huấn luyện và bắn đạn thật chứ chưa được chiến đấu.

Vào buổi chiều tháng 7/1960, khi anh vừa đến trận địa tập luyện thì có lệnh tập hợp gấp, sau đó được thông báo có cán bộ Trung ương đến thăm. Bảo vệ bờ biển Sầm Sơn có tiểu đoàn 4 (tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn 57) và tiểu đoàn 5 pháo binh (phối thuộc Trung đoàn 57) có lệnh tập hợp. Ban đầu tất cả cán bộ, chiến sĩ tập hợp thành hình chữ U.

Cụ Hiếu nhớ lại: “Sau khi Trung tá Bùi Đức Tạn (Trung đoàn trưởng) báo cáo với Bác việc đã tập hợp tất cả anh em thì Bác vẫy tay. Lúc đó, chúng tôi mới biết được gặp Bác Hồ, không ai bảo ai, đều chạy ùa đến vây quanh Bác. Bác ân cần hỏi thăm tình hình đời sống cán bộ, chiến sĩ. Tôi vẫn nhớ câu đầu tiên Bác hỏi là “các cháu có ăn no không”. Mọi người đồng thanh “thưa Bác có ạ”. Bác lại nói tiếp “Bác biết các cháu chưa no nhưng Nhà nước ta đã cố gắng, các cháu phải cố gắng tăng gia để đảm bảo sinh hoạt”. Lúc đó, anh em chúng tôi ai cũng xúc động đến trào nước mắt…”

“Bác hỏi tiếp “các cháu có tăng gia không?”; “tăng gia thì tăng gia cái gì”?; Bác dặn dò “tăng gia nuôi dê, bò, câu cá, trồng cây lương thực như củ sắn trắng, trồng lúa đồi, trồng rau muống. Bác tỉ mỉ chỉ cách lấy xịn biển ủ với phân bắc sau đó trộn đều, lấy để trồng sắn thì củ sắn sẽ to. Và sau khi thu hoạch sắn, trước khi ăn phải ngâm sắn với nước muối trước”.

“Các cháu có thi đua không” – “có ạ”, “thế thi đua thì thi đua cái gì”. Chúng tôi trả lời Bác là thi đua ba nhất. Bác nói: “nhất thì nhất những gì” thì chiến sĩ đều trả lời sai. Bác nhắc ba nhất là phải “nhiều nhất, đều nhất, giỏi nhất”, nghĩa là nhiều người tham gia nhất, tính năng, kỹ thuật tinh thông nhất; góp phần vào phong trào thi đua chung của cả nước là “sóng duyên hải, gió đại phong, cờ hồng ba nhất”. Bác căn dặn “phải thi đua thật tốt, học tập tốt” thì Bác sẽ viết thư về khen. Trước khi chia tay chúng tôi, Bác còn dặn dò “Sầm Sơn là cửa ngõ số 1 của Tổ Quốc, các cháu phải bảo vệ thật tốt”.

Rồi cụ bảo, sau này khi báo cáo Bác về thành tích sản xuất đạt kết quả cao, Bác Hồ có viết thư về khen, cụ vẫn nhớ bức thư ấy, Bác viết bằng mực đỏ.

“Bác Hồ đẹp như một ông Tiên”

Đó là hình ảnh trong trí nhớ của người lính Nguyễn Phương Ngân (xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn), cụ Ngân cũng cùng Trung đoàn với cụ Hiếu và là người vinh dự được gặp Bác Hồ khi Người về thăm Thanh Hóa lần thứ 3 năm 1960.

Cụ Nguyễn Phương Ngân, người vinh dự được gặp Bác Hồ.
Cụ Nguyễn Phương Ngân, người vinh dự được gặp Bác Hồ.

Hình ảnh nhớ nhất trong trí nhớ của cụ Ngân chính là hình ảnh Bác Hồ trong bộ quần áo màu vàng nhạt, khuôn mặt phúc hậu, hiền từ đi dưới bờ biển Sầm Sơn đẹp như một ông Tiên.

Cụ Ngân khẳng định trong cuộc đời người lính của mình, đó là hình ảnh đẹp đẽ nhất, đáng quý nhất. Sau này, cụ về công tác Bộ Tư lệnh Hải quân, chuyển về làm cơ yếu của đoàn tàu không số rồi xuất ngũ năm 1984, về quê hương, hình ảnh được gặp Bác Hồ vẫn được cụ kể lại cho con cháu nghe với một niềm tự hào.

Trong một lần tình cờ, cụ được cầm tờ Hòa Báo, in trang bìa tờ báo những năm 1960 có bức ảnh Bác Hồ chụp cùng những người lính tiểu đoàn 5, trung đoàn 57 bảo vệ bờ biển Sầm Sơn, cụ Ngân sung sướng cất giữ như báu vật vì trong đó có hình ảnh của cụ được ngồi gần Bác ở phía tay trái.

Cụ Ngân sung sướng khi thấy mình có mặt trong bức ảnh chụp cùng Bác Hồ.
Cụ Ngân sung sướng khi thấy mình có mặt trong bức ảnh chụp cùng Bác Hồ.

Cũng như anh binh nhì Nguyễn Viết Hiếu, với cụ Ngân được gặp Bác Hồ là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời cụ. Những giây phút được nghe Bác nói, cảm nhận ở vị lãnh tụ giản dị trong cách nói, bao dung, ân cần chỉ bảo chưa, mấy chục năm qua chưa bao giờ cụ quên.

Nguyễn Thùy