1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Một chủ tịch xã chở cha đi cai nghiện

Đến một ngày đẹp trời của năm 2008, ông Chủ tịch xã Sồng A Lừ cũng thuyết phục được người cha nghiện ngập ngồi lên xe máy, vượt hơn 30km đường đất gập ghềnh xuôi xuống núi, với niềm hi vọng cha sẽ đoạn tuyệt được với “ả phù dung”.

Một chủ tịch xã chở cha đi cai nghiện - 1

Ông Sồng Giạ Sếnh: "Sau khi được con trai chở đi cai nghiện, tôi đoạn tuyệt với ma túy rồi".

 

Sau cơn mưa rừng, đứng trên những đỉnh núi cao của xã Suối Tọ (huyện Phù Yên, Sơn La) có thể nhìn thấy thị trấn huyện Phù Yên thấp thoáng dưới chân núi, nhưng chúng tôi vẫn mất hơn hai giờ đồng hồ trên chiếc xe Dream chỉ cài số 1 hoặc số 2 ngược dốc mới đến được trung tâm xã. Suối Tọ là xã vùng cao, trong số hơn 400 hộ dân (hơn 3.100 nhân khẩu) thì tuyệt đại đa số là người Mông sinh sống trong điều kiện tự nhiên khá khắc nghiệt, nên hiện còn tới 206 hộ nghèo theo tiêu chí mới rải rác khắp 9 bản của xã.

 

“Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng núi thuộc xã Suối Tọ rất phù hợp với việc sinh trưởng của cây thuốc phiện, nên nơi đây từng có rất nhiều cây thuốc phiện và người nghiện hút. Cách đây gần 20 năm trước, Suối Tọ có khoảng… 170 người nghiện thuốc phiện. Số người nghiện này thường lén lút tự canh tác cây thuốc phiện để phục vụ nhu cầu của bản thân, nên cây thuốc phiện nhiều lắm.

 

Nhiều năm qua, chúng tôi đã tích cực triệt phá cây thuốc phiện và vận động những người nghiện đi cai. Đến nay, qua thống kê ban đầu, ở Suối Tọ chỉ còn 17 người già yếu còn mắc nghiện có tên trong danh sách đi cai nghiện đợt tới”- Sồng A Lừ, Chủ tịch UBND xã Suối Tọ vui vẻ cho biết.

 

“Những người này chủ yếu là người già nghiện thuốc phiện, không có người nghiện heroin. Năm ngoái chúng tôi đưa 18 người đi cai nghiện, nhiều người nghiện đến nay đã cắt cơn, không hút thuốc nữa, sống vui vẻ lắm. Cha đẻ của tôi là một người trong số ấy”.

 

Chúng tôi đến căn nhà gỗ nằm cao trên một quả đồi đất thuộc bản Lũng Khoai A, tìm gặp ông Sồng Giạ Sếnh (76 tuổi), người cha từng mắc nghiện của Chủ tịch xã Sồng A Lừ. Một ông già cao gầy nhưng còn khá nhanh nhẹn vui vẻ tiếp đón chúng tôi. Nói chuyện thuốc phiện, ông Sồng Giạ Sếnh lục tìm bộ bàn đèn mốc thếch cho khách xem, rồi cười: “Tôi mắc nghiện từ khoảng năm 1970, khi còn chưa sinh thằng A Lừ cơ, tính ra thì cũng đã làm bạn với bàn đèn chừng 40 năm rồi đấy. Vậy nên khi A Lừ đến bảo tôi đi cai, tôi giận lắm, quát tháo, đập phá, đuổi nó đi. Cái tủ nó mua đẹp thế kia, vậy mà đã có lúc lên cơn tôi cũng vác gậy đập thẳng vào, bảo: Mua tủ làm gì, để tiền ấy đưa tao đi mua thuốc phiện. Nay bỏ được thuốc phiện rồi, sống khỏe ra thì mới thấy thương, thấy ân hận với các con quá. Thì ra, mỗi năm tôi từng hút không dưới 10 triệu đồng tiền thuốc phiện, và còn là người vi phạm pháp luật nữa”.

 

Sồng A Lừ nói thêm: “Tôi vẫn thường vận động những người nghiện đi cai nghiện, nhưng không gì khó hơn là vận động chính cha đẻ của mình. Các cụ là bậc sinh thành ra mình, lại lấy cớ tuổi cao sức yếu, nghiện hút lâu năm rồi, đi cai xa thì chết xa nhà, xa bản, nhất quyết không chịu đi. Mình là cán bộ mà không vận động được người thân thì bà con làm sao tin theo lời mình? Mưa dầm thấm lâu, lúc ngọt nhạt tỉ tê, lúc cứng rắn tuyên truyền theo chính sách pháp luật, rồi cha cũng hiểu và làm theo”.

 

Ngoài cha đẻ của mình, Sồng A Lừ còn vận động thêm được người bác ruột là Sồng Giạ Của (79 tuổi) rời bản đi cai nghiện tập trung tại Trung tâm Giáo dục lao động huyện Phù Yên. Ban đầu, người bác này cũng “chỉ muốn cai nghiện mà chết ở nhà thôi” nên việc vận động cũng gian khổ lắm.

 

Đến một ngày đẹp trời của năm 2008, người cha nghiện ngập của ông Chủ tịch xã Sồng A Lừ cũng chịu ngồi lên xe máy của con trai vượt hơn 30km đường đất gập ghềnh để xuôi xuống núi. Cùng chuyến đi với Sồng A Lừ còn có 17 người khác là con trai hoặc cán bộ xã, Công an xã, chở theo 17 người già nghiện hút, cứ hai người trên một chiếc xe máy, hướng về trung tâm huyện tham gia chương trình cai nghiện ma túy tập trung trong 10 ngày bằng phương pháp điều trị điện châm.

 

Suốt 10 ngày sau, những người con, người cán bộ ấy thấp thỏm lo lắng cho sức khỏe của cha mình, một nỗi băn khoăn rằng liệu họ có đoạn tuyệt được với ma túy? Chỉ đến khi ngay cả người yết đuối, hom hem và chống đối cai nghiện, từng vác đá ném cán bộ nhiều nhất như ông Thào A Câu (64 tuổi, ở bản Pắc Bệ B) cũng hoan hỉ bắt tay nói lời cảm ơn, mời cán bộ ăn phở, thì mọi người mới vỡ òa niềm vui.

 

“Sau khi cai nghiện, tôi ăn uống tốt, người khỏe hơn nhiều. Những lúc trái gió giở giời hay khi bỗng nhớ và thèm lại thuốc phiện, tuy không co giật nữa, nhưng người tôi cứ nôn nao như lửa đốt, nóng khắp tay chân đầu tóc. Con cháu cho thuốc giảm đau, thuốc bổ, nên quyết tâm đoạn tuyệt hẳn với thuốc phiện của tôi càng cao hơn. Hơn 1 năm nay, tôi không dùng đến thuốc phiện rồi đấy”- Người đàn ông từng hút thuốc phiện 40 năm nay Sồng Giạ Sếnh vui vẻ cho biết.  

 

Theo Lê Quân

Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm