1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Một bản án dân sự... nhầm bị đơn

Một bài viết trên báo bị kiện ra tòa vì xúc phạm danh dự nhân phẩm công dân. Tuy nhiên tòa không áp dụng Luật báo chí mà áp dụng Bộ luật dân sự khiến đối tượng tố tụng bị nhầm lẫn. Phiên tòa phúc thẩm sẽ xét xử lại vụ này vào ngày 9/5 tới.

Bài báo bảo vệ Luật doanh nghiệp

Bài báo trên của tác giả Cao Bá Khoát (lúc đó) là thành viên tổ thi hành Luật doanh nghiệp (DN) có nhan đề “Vẫn cứ tưởng là... DNNN” dài khoảng 300 chữ, tóm tắt sự việc vi phạm Luật DN và nêu giả định về sự nghi ngờ tính trong sáng, vô tư, công bằng trong động lực của sự vi phạm trên của ông Lê Tú Hoàng, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Sự việc như sau:

Công ty cổ phần Khách sạn Phan Thiết (CPKSPT) là DNNN đầu tiên được cổ phần hóa ở Bình Thuận, đang kinh doanh tốt. Ngày 9/9/2002 công ty tổ chức đại hội cổ đông. Một cổ đông là bà Nguyễn Thị Sáng (từ TPHCM đến đầu tư) phản đối kết quả bầu cử và bỏ đại hội ra về.

Lý do: bà không trúng vào HĐQT. Lập tức, chủ tọa đại hội nhận được điện thoại của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tú Hoàng chỉ đạo: hủy kết quả và giải tán đại hội. Sau đó, liên tục những cuộc thanh tra, kiểm tra, những công văn yêu cầu kỷ luật, cách chức người này người khác trong công ty được lãnh đạo UBND tỉnh mà chủ yếu là ông Lê Tú Hoàng ban hành.

Cuộc “quần thảo” này lên đến đỉnh điểm khi ông Nguyễn Trọng Thanh, giám đốc công ty tự vẫn. Đúng ngày đưa tang ông Thanh, văn bản chỉ đạo kiểm điểm một số cán bộ, trong đó có ông Thanh, do ông Hoàng ký, được gửi đến công ty.

Theo chỉ đạo của tổ thi hành Luật DN, ông Khoát theo đoàn công tác vào Bình Thuận tìm hiểu sự việc. Trao đổi với ông Hoàng, đoàn công tác cho rằng việc ông yêu cầu đại hội cổ đông của Công ty CPKSPT là trái Luật DN, các văn bản ông Hoàng ký nhân danh phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu công ty phải kiểm điểm một số cán bộ cũng là không đúng thẩm quyền.

Việc ông ký văn bản có nội dung: khi nào kiểm điểm (cán bộ) xong đạt yêu cầu thì mới cho phép đại hội cổ đông cũng là trái Luật DN... Ông Hoàng phản đối quan điểm trên...

Sau đó, Thủ tướng  yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi các văn bản can thiệp trái pháp luật vào công ty CPKSPT. Tỉnh Bình Thuận  không chấp hành chỉ đạo đó mà vẫn tiếp tục gây sức ép bằng cách không cho phép đại hội cổ đông ở công ty nếu không kỷ luật các cán bộ mà tỉnh đã yêu cầu.

Hai bên không có quan hệ dân sự

Hai năm sau, khi ông Lê Tú Hoàng đã nghỉ hưu thì ông Khoát nhận được trát của tòa án. Ông Hoàng kiện và yêu cầu ông Khoát cải chính, xin lỗi trên bốn tờ báo và bồi thường 159,3 triệu đồng cho ông.

Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND quận Tây Hồ (Hà Nội) đã bác hai trong ba nội dung ông Hoàng kiện ông Khoát. Đó là nói xấu (ông Hoàng), kích động cổ đông Công ty CPKSPT chống lại ông Hoàng và lạm quyền báo cáo láo với Thủ tướng.

Nội dung còn lại được xét xử chính là bài viết trên báo Pháp luật TPHCM ký tên ông Khoát. Tại tòa, bài báo và vụ kiện giữa hai ông được xét theo Bộ luật dân sự. Tòa xét thấy bài báo  “phần nào có ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của ông Lê Tú Hoàng”.

Còn mức độ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của ông Hoàng thì tòa thấy rằng ông Hoàng “không hề bị kiểm điểm hay nhận hình thức kỷ luật nào”. Ông Hoàng thừa nhận điều đó. Tòa kết luận: ông Khoát phải cải chính trên báo Pháp Luật TPHCM và bồi thường danh dự cho ông Hoàng 59,37 triệu đồng.

Ông Khoát cho rằng bài báo do ông viết với chủ định đăng báo (gửi trực tiếp đến tòa soạn). Tờ báo đó hoạt động theo Luật báo chí nên việc bài báo đó được biên tập, trình bày và quyết định đăng hay không, thời điểm nào là do tòa soạn quyết định chứ không phải một mình ông Khoát.

Như vậy, đối tượng tố tụng ở đây là tòa soạn báo Pháp Luật TPHCM và ông Hoàng. Ông Khoát chỉ là người liên đới. Vụ việc trên nằm trong phạm vi chi phối của Luật báo chí...

Tòa và các bên đơn đều thừa nhận ông Hoàng, ông Khoát không có quan hệ, quen biết cá nhân trước khi ra tòa. Ông Khoát viết bài báo với tư cách một nhân viên chịu sự phân công của tổ thi hành Luật DN.

Theo ông Khoát và luật sư, như vậy hai người (ông Khoát và ông Hoàng) không có quan hệ dân sự. Như vậy, phiên tòa sơ thẩm đã xử nhầm bị đơn.

Theo Quang Thiện
Báo Tuổi trẻ