"Mong Đại hội chọn được cán bộ có tâm, có tầm"
(Dân trí) - Người dân cần một bộ máy Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới thật vững chắc, tài năng, bản lĩnh, hết lòng phụng sự đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Cán bộ vững mạnh về tư tưởng, đạo đức
Nhân dịp diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên Trung ương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thành viên Hội đồng Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM - chia sẻ: "Nếu nói trông đợi gì từ Đại hội, giới luật gia, luật sư chúng tôi kỳ vọng rất nhiều. Trước tiên là việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân; nền kinh tế văn hóa, xã hội trong đó có giáo dục, y tế, môi trường được đầu tư, nâng chất.
Tuy nhiên, để làm được tất cả những điều đó, thì bộ máy nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng rất quan trọng. Người dân cần một bộ máy Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới thật vững chắc, tài năng, bản lĩnh, hết lòng phụng sự đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân".
Ông mong muốn Đại hội sẽ chọn được các cán bộ có tín nhiệm, có tâm và tầm, cũng như có Nghị quyết phù hợp với yêu cầu phát triển thời kỳ mới; cán bộ ngày càng vững mạnh về tư tưởng, đạo đức chính trị, để tránh bất cập về suy thoái tư tưởng, đạo đức, phong cách.
Chính các nhân tài sẽ tạo nên kỳ tích cho đất nước
TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới - nêu quan điểm: "Trong những năm tới, kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn hơn thời cơ. Covid-19 chưa biết bao giờ được kiểm soát hoàn toàn, điểm nghẽn phát triển, xung đột thương mại, biến đổi khí hậu…
Vấn đề đặt ra làm sao để có những chủ chương, đường lối chính sách phù hợp trong bối cảnh mới. Tôi cũng kỳ vọng những quyết sách tới đây của Đại hội sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa nội dung 3 khâu đột phá.
Trong đó nhấn mạnh đến đột phá về thể chế, xử lý được những nút thắt, chồng chép trong hệ thống pháp luật. Đồng thời những cơ chế chính sách đang cản trở doanh nghiệp sẽ được "cởi trói", tạo môi trường để Việt Nam có những doanh nghiệp, tập đoàn cạnh tranh quốc tế.
Thứ hai là vấn đề nguồn nhân lực, cần có chính sách trọng dụng, thu hút nhân tài. Chính họ là những người sẽ tạo nên kỳ tích, tạo nên một quốc gia với sự phát triển "thần kỳ".
Một ưu tiên chiến lược mà Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa đó là kinh tế số. Tỷ trọng đầu tư của nhà nước cho khoa học công nghệ thời gian còn quá thấp. Nếu làm tốt, "Việt Nam hoàn toàn có thể lập nên những kỳ tích mới" như lời Tổng Bí thư nói.
"Kiên quyết áp đặt một chế độ khoa bảng và thi tuyển nghiêm khắc nhất"
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kỳ vọng: "Điều tôi quan tâm, kỳ vọng nhất vẫn là vấn đề lựa chọn mô hình thể chế kinh tế phù hợp.
Có rất nhiều mô hình thể chế mang lại thịnh vượng cho các nước trên thế giới. Vấn đề làm sao lựa chọn cho được mô hình phù hợp với Việt Nam (từ văn hóa cho đến con người). Nếu lựa chọn mô hình thể chế sai thì cố thế nào cũng không thành công được.
Việt Nam phù hợp mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Ở mô hình này, chúng ta đã nói nhiều về mô hình kiến tạo phát triển như của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Còn lại, nếu theo mô hình điều chỉnh sẽ khiến Việt Nam dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình bởi những khác biệt về mặt văn hóa.
Cái quan trọng nhất vẫn là phải lựa chọn được những người tài giỏi vào bộ máy hành chính. Cần phải học thật và thi thật, kiên quyết áp đặt một chế độ khoa bảng và thi tuyển nghiêm khắc nhất vào bộ máy hành chính Nhà nước.