1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Món quà đặc biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(Dân trí) - Mở hộp quà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những nữ công binh của Trung đội “thép” ôm nhau bật khóc. Một thùng chứa đầy những bánh xà phòng, túi bồ kết, súc vải màn – những thứ tối cần thiết đối với phụ nữ trên chiến trường. Vậy mà Đại tướng của họ, bận trăm công nghìn việc vẫn biết, vẫn nhớ và quan tâm đến họ với thứ tình cảm của người mẹ dành cho con.

Ký ức trên “tọa độ lửa” Phu La Nhích

Những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước luôn là ký ức thường trực trong cựu nữ công binh Đinh Thị Thìn (SN 1952, Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Trong quầng sáng ký ức hào hùng đó, hình ảnh và sự quan tâm, gần gũi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với Trung đội nữ công binh thép trên đèo Phu La Nhích như ngôi sao sáng trong rừng đêm Trường Sơn mênh mông.

18 tuổi, cô thôn nữ Đinh Thị Thìn xung phong vào bộ đội và được phiên chế vào Trung đội 3, Đại đội 3, Tiểu đoàn bộ 33 – Trường Sơn. Đầu năm 1971, Trung đội nữ công binh gồm 37 người được phân về chốt tại đèo Phu La Nhích cùng một đơn vị công binh nam. Đèo Phu La Nhích nằm trên tuyến đường 20 Quyết Thắng thuộc địa phận tỉnh Khăm Muộn, Lào. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cùng với ngầm Ta Lê, cua chữ A, đèo Phu La Nhích là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch nhằm ngăn chặn con đường vận chuyển, chi viện cho chiến trường miền Nam. Trọng điểm kéo dài khoảng 8 cây số toàn màu đất đỏ với những hố bom chi chít, một bên là vách đá, một bên là vực sâu. Số bom đạn Mỹ ném xuống đây nhiều đến nỗi không một cành cây, ngọn cỏ nào có thể lên xanh. Đến tháng 5/1971, Trung đội nữ công binh 33 được lệnh tiếp quản trọng điểm này.


Những nữ công binh thép năm xưa.

Những nữ công binh thép năm xưa.

Từ 1971-1973, đèo Phu La Nhích hứng chịu khoảng gần 10.000 lần đánh phá bằng máy bay của địch. Đèo chi chít hố bom. Mỗi ngày không biết bao nhiêu lần báo động nhưng cứ dứt tiếng bom, chị em thanh niên xung phong, lính công binh lại ào ra, tất cả lại được san lấp và xe lại chạy. Trên đèo, ngoài bom đạn ra thì cái gì cũng thiếu thốn vậy nhưng nhiệm vụ nào cũng được chị em hoàn thành một cách xuất sắc. “Chị em chúng tôi ở trong 2 cái hang. Ăn uống, tắm rửa, giặt giũ bằng nước nhiễm chất độc hóa học trong các hố bom, ăn gạo mốc, đồ hộp, rau rừng. Đêm ngủ, chuột rừng cắn tay chân bật cả máu. Đầu đầy chấy, thời gian sau thì tóc rụng từng mảng, sốt rét hành hạ nhưng chị em chúng tôi chưa bao giờ để đường tắc quá một tiếng”, cựu công binh Đinh Thị Thìn nhớ lại. Nơi chỉ có bom đạn này, nữ công binh Đinh Thị Thìn chứng kiến những cái chết oanh liệt của đồng đội mình. Những thân thể vùi trong hầm sau một trận bom tọa độ. Những cô gái mãi mãi nằm xuống ở chiến trường chỉ sau một đêm vì cơn sốt rét ác tính. Lau nước mắt, họ biến đau thương thành hành động, làm việc gấp đôi, rút ngắn thời gian thông đường…

Bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Trung đội nữ công binh thép.

Bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Trung đội nữ công binh thép.

Món quà của Đại tướng

Một ngày tháng 3/1973, Trung đội nữ công binh 33 được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm. Suốt đêm mấy chục chị em không ngủ để ngụy trang khán đài, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Đại tướng. “Chúng tôi ngóng sườn phía Bắc của đèo để đón Đại tướng thì anh Văn đột ngột xuất hiện từ sườn phía Nam sang. Anh Văn đẹp lắm, cứ như người anh hùng bước ra từ huyền thoại. Không có một chút khoảng cách nào của vị Tổng Tư lệnh quân đội với các chị em công binh. Mọi người chạy ùa ra, vây quanh anh Văn, cố gắng đứng gần anh hơn một chút. Nhìn khắp một lượt, Đại tướng hỏi: “Tại sao ở trọng điểm ác liệt này lại toàn là nữ? Các cô không phải là người thường mắt thịt nữa mà phải là những người thân sắt, chí thép mới hoàn thành được nhiệm vụ ở đây”. Nói rồi, Đại tướng đặt tên mới cho Trung đội 33 là “Trung đội nữ công binh thép”. Đại tướng hỏi đời sống, sinh hoạt của chị em ở đây như thế nào. Khi nghe báo cáo về khó khăn, thiếu thốn của những chị em trên cao điểm lửa này, khuôn mặt Đại tướng trầm ngâm hẳn đi. Đại tướng dặn các chị em cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đảng, quân đội và Chính phủ sẽ quan tâm, giải quyết từng bước những thiếu thốn để chị em yên tâm bám trụ tọa độ lửa này. Rồi Đại tướng “biến mất”, đột ngột như lúc đến”, bà Thìn kể.

Lời động viên của Đại tướng như tiếp thêm sức mạnh cho chị em Trung đội nữ công binh thép. Những khó khăn, thiếu thốn ấy diễn ra ở khắp các chiến trường chứ đâu phải ở mỗi đèo Phu La Nhích. Được đích thân Đại tướng đến, thăm động viên đó là cả một niềm vinh dự, tự hào lắm rồi. Chẳng ai nghĩ những khó khăn của mình vẫn đau đáu trong tâm trí của vị Tổng tư lệnh quân đội. “Sau chuyến thăm của Đại tướng 20 ngày, khi chúng tôi vừa thông đường về thì anh quân bưu thông báo Trung đội nữ công binh thép lên nhận quà của Đại tướng. Đó là một thùng quà không lớn lắm nhưng được đóng gói kỹ. Các chị em đứng vây quanh, hồi hộp mở thùng quà ra. Khi nắp thùng vừa mở ra thì mọi người ôm nhau bật khóc vì cảm động quá. Đại tướng gửi cho chị em một bọc quả bồ kết, 100 bánh xà phòng thơm và 1 súc vải màn. Ở chiến trường, cái khổ nhất của chị em là đến “tháng”, nỗi khổ không dễ nói ra. Không ngờ bận bao nhiêu việc quan trọng như thế mà Đại tướng quan tâm đến những điều nhỏ như vậy. Đại tướng tâm lý quá, quan tâm chị em chúng tôi còn hơn cả mẹ!”, bà Thìn hồi tưởng trong sự xúc động, nước mắt tràn má.

Bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Trung đội nữ công binh thép.

Bà Đinh Thị Thìn hồi tưởng lại cuộc gặp gỡ và món quà xúc động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho chị em Trung đội nữ công binh thép trên đèo Phu La Nhích.

30 năm sau, Trung đội trưởng Trung đội nữ công binh thép Dương Thị Trình (quê Thanh Hóa) được gặp lại Đại tướng một lần nữa khi nghe được lời nhắn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một kỳ họp Quốc hội: “Những ai ở Trung đội nữ công binh thép nếu còn sống hãy đến gặp Bác hoặc biên thư cho Bác để Bác biết”. 30 năm rồi Đại tướng vẫn không quên những người con gái bám trụ trên “tọa độ lửa” Phu La Nhích! Ngay lập tức bà Trình thay mặt các chị em đến gặp Đại tướng cùng với bức ảnh chị chụp với Đại tướng khi người đến thăm đèo Phu La Nhích tháng 3/1973. Đại tướng hỏi thăm đời sống và hứa sẽ cùng với các bộ, ngành quan tâm giải quyết chế độ của các chị em. Bà Thìn nói tiếp: “Hết chiến tranh, người nằm lại chiến trường, người trở về với thân thể đầy vết thương, với những cái đầu lơ phơ tóc, với những đôi môi thâm sì vì sốt rét cùng với một ít giấy tờ. Lúc đó, tuổi không còn trẻ nữa, mang theo một đống giấy tờ chứng thương, giấy xuất viện để làm gì? Chúng tôi quẳng hết những tờ giấy của bệnh viên cho… để về quê lấy chồng nên giờ có muốn giải quyêt chế độ cũng khó. Riêng tôi thì hiện nay được hưởng chế độ bệnh binh mất sức 61%, nhiều chị em vì không có giấy tờ nên không làm chế độ được. Có thể chúng tôi thiệt thòi hơn những đồng chí khác nhưng chúng tôi luôn cảm thấy ấm lòng vì Đại tướng vẫn nhớ, vẫn quan tâm đến những nữ công binh thép năm xưa”.

Ngày Đại tướng đi xa, những nữ công binh thép đã hội tụ tại Vũng Chùa – Đảo Yến để “gặp” lại người Anh Cả của mình. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng phát huy tinh thần “thép” họ vẫn đang từng bước khắc phục, vượt lên khó khăn. Với những thành tích trong chiến đấu, hiện Trung đội nữ công binh thép đang làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hoàng Lam