Môi trường Việt Nam chịu nhiều mối đe dọa
(Dân trí) - Trung bình mỗi năm, cả nước sản xuất và nhập khẩu khoảng 36-40 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); ước tính có khoảng 30-35% lượng thuốc BVTV được nhập khẩu trái phép qua đường tiểu ngạch, trong đó có nhiều loại bị cấm…
Phá vỡ hệ sinh thái vì nuôi tôm xuất khẩu
Trong 10 năm trở lại đây, nạn buôn bán động, thực vật hoang dã thực sự bùng phát, trở thành một trong những vấn đề môi trường cấp bách ở nước ta. Theo số liệu của Cục Kiểm lâm, hàng năm có từ 450-1.500 tấn và hàng chục vạn cá thể động vật hoang dã bị buôn bán bất hợp pháp, 40-50% tiêu thụ trong nước và phần còn lại được chuyển sang tiêu thụ tại Trung Quốc và các nước khác trong khu vực.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu nhóm sản phẩm nông thuỷ sản của Việt Nam đang làm thoái hoá đất do sử dụng không hợp lý, phá vỡ hệ sinh thái trên cạn và ven biển do mở rộng diện tích canh tác.
Theo báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam, ước tính tỷ lệ mất rừng khoảng 120 nghìn - 150 nghìn ha/năm. Trong hơn hai thập kỷ qua, diện tích rừng ngập mặn Việt Nam đã giảm đi hơn một nửa, trung bình mỗi năm mất đi gần 20.000 ha rừng đước, hơn 80% rừng che phủ đã bị ảnh hưởng.
Trong đó, các đầm nuôi tôm chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này. Việc nuôi tôm trên cát còn làm ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước ngầm, ảnh hưởng tới cảnh quan ven biển đang là vấn đề rất bức xúc hiện nay.
Không những vậy, các yêu cầu về môi trường đối với hàng hoá xuất khẩu cũng đang là thách thức lớn của doanh nghiệp Việt Nam. Bằng chứng là, nhiều lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo và từ chối do không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm như thuỷ sản, hoa quả, thực phẩm chế biến.
Tiêu biểu như năm 2005 có 267 lô hàng bị cảnh báo về chất lượng, năm 2006 là 324 lô. Thậm chí, đến năm 2007, nhiều nước áp dụng tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc và nhiều lô hàng của Việt Nam đã bị cảnh báo hoặc trả lại, đặc biệt là tại thị trường Nhật Bản.
Nhập khẩu từ 36-40 nghìn tấn thuốc BVTV mỗi năm
Trong những năm gần đây, nhập khẩu hoá chất, thuốc BVTV, phụ gia thực phẩm không đúng tiêu chuẩn đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khoẻ con người. Có một thực tế là tình trạng ngộ độc thức ăn và hoá chất, ô nhiễm nguồn nước, đất do lưu tồn một số lượng lớn hoá chất vẫn chưa có phương án xử lý.
Trung bình mỗi năm, cả nước sản xuất và nhập khẩu một lượng thuốc BVTV khoảng 36-40 nghìn tấn. Thậm chí, ước tính khoảng 30-35% lượng thuốc BVTV được nhập khẩu trái phép qua đường tiểu ngạch, trong đó có nhiều loại được nhập vào Việt Nam bị cấm như Linda, Methammidopos, Monocrotophos…
Hiện nay, số lượng thực vật lạ có khoảng 83 loài thuộc 31 họ được nhập khẩu với các mục đích khác nhau như nuôi trồng thuỷ sản, làm cảnh, cải tạo giống… Trong số đó, có nhiều loài gây ra tình trạng biến đổi gen, ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái. Việc di nhập một số sinh vật lạ như ốc bươu vàng, hải ly, cá cảnh làm ảnh hưởng đến đời sống của một số loài sinh vật khác.
Không chỉ có thuốc BVTV, việc nhập khẩu thiết bị máy móc thế hệ cũ cũng làm gia tăng hiện tượng phát thải, rác thải. Hiện nay, 70% kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị từ các nước có công nghệ trung gian.
Đáng chú ý là xu hướng chuyển dịch đầu tư ở một số ngành sử dụng nhiều nguyên vật liệu, gây ô nhiễm môi trường từ các nước khác vào Việt Nam thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể gây sức ép đối với môi trường nước ta.
Chợ tạm, chợ cóc cũng gây ô nhiễm
Hoạt động thương mại dịch vụ cũng có nhiều tác động đến môi trường như kinh doanh các ngành hàng xăng dầu, hệ thống chợ, các cơ sở giết mổ gia súc...
Như đối với hệ thống bán lẻ xăng dầu, vấn đề quy hoạch chưa được hợp lý như gần khu dân cư, các điểm nút giao thông. Nhiều cửa hàng do tư nhân quản lý chưa tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về vệ sinh và an toàn, nhiều kho chứa xăng cũng chưa được nâng cấp.
Việc quy hoạch phát triển hệ thống chợ ở đô thị và nông thôn chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường và cảnh quan đô thị. Tỷ lệ chợ tạm, chợ cóc vẫn còn nhiều ở thành phố, rác thải chưa được thu gom và xử lý triệt để, hệ thống xử lý nước thải còn thiếu hoặc chưa đúng quy định... Các cơ sở giết mổ ở phần lớn các đô thị còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch và chưa có khu giết mổ tập trung.
Thực tế, còn có thể kể ra nhiều hoạt động thương mại khác tiềm ẩn nguy cơ suy thoái môi trường, đe doạ tính mạng và sức khoẻ con người như buôn lậu, lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng.
Về vấn đề này, Thạc sỹ Hồ Trung Thanh, Viện Nghiên cứu thương mại cho biết: Không thể phủ nhận những kết quả đem lại từ hoạt động thương mại của Việt Nam trong những năm qua song chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại những hậu quả và mối nguy của các hoạt động thương mại đối với môi trường. Cần thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của ngành thương mại một cách tích cực, trong đó có việc xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm khi chưa quá muộn.
Lan Hương