1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Mời tổ chức quốc tế nghiên cứu công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long

(Dân trí) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề nghị JICA giúp đỡ nghiên cứu và tiến hành sửa chữa mặt cầu Thăng Long, đề nghị này đã được JICA chấp thuận. Hiện JICA đang tiến hành khảo sát và lập các phương án kỹ thuật.

Ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT thừa nhận việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long cuối năm 2009 với công nghệ sử dụng nhựa bê tông Polymer (SMA) không thành công bởi lớp bề mặt cầu bị bong tróc, sụt lún và sự liên kết giữa nhựa đường với bản mặt thép của cầu Thăng Long không hiệu quả.

Mặt cầu Thăng Long thời điểm mới sửa chữa hết gần 100 tỷ đồng vào cuối năm 2009
Mặt cầu Thăng Long thời điểm mới sửa chữa hết gần 100 tỷ đồng vào cuối năm 2009

Để giải quyết vấn đề của cầu Thăng Long, Thứ trưởng Trường cho biết Bộ GTVT đã mời các chuyên gia trong nước, hợp tác với các tổ chức quốc tế nghiên cứu, ứng dụng chuẩn hóa bê tông để sửa chữa mặt cầu. Tuy nhiên, công nghệ bê tông trải trên dầm thép không được ứng dụng rộng rãi nên mặt cầu vẫn xảy ra hiện tượng hỏng hóc.

“Sắp tới, trong dự án nối dài đường cao tốc trên cao từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long sử dụng vốn ODA của Nhật Bản, Bộ GTVT đã đề nghị Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) giúp đỡ nghiên cứu và tiến hành sửa chữa mặt cầu Thăng Long, đề nghị này đã được JICA chấp thuận. Hiện JICA đang tiến hành khảo sát và lập các phương án kỹ thuật.

Phía JICA sẽ đưa ra một công nghệ mới và hiện đại, để đảm bảo tính khả thi thì JICA sẽ tiến hành làm thử nghiệm trong vòng 6 tháng trên vị trí cụ thể, sau khi có kết luận về kết quả thử nghiệm không ảnh hưởng đến việc khai thác thì mới tiến hành làm đại trà mặt cầu.” - Thứ trưởng Trường cho hay.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trường khẳng định nhanh nhất cũng phải đầu năm 2016 JICA mới có thể hoàn thành nghiên cứu và đưa ra công nghệ mới để sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long.

Cũng theo Thứ trưởng Trường, trong khi chờ công nghệ từ phía Nhật Bản, để đảm bảo an toàn lưu thông cho các phương tiện qua cầu, Bộ GTVT đã ký hợp đồng với Công ty Hall Brothers (Mỹ) cho tiến hành sửa chữa mặt tạm cầu Thăng Long theo công nghệ của Mỹ. Công nghệ sửa chữa này đã được nghiên cứu và thử nghiệm trên thực tế với chi phí tính toán xấp xỉ khoảng 10 tỷ đồng.

Trước đó, Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã tiêu tốn gần 100 tỷ đồng ngay từ lần đầu tư đầu tiên hồi cuối năm 2009, nhưng công trình này vừa đưa vào khai thác được gần 3 tháng đã… hỏng! Sau đợt thi công sửa chữa với quy mô lớn nói trên, nhiều đợt khắc phục sự cố hư hỏng trên mặt cầu Thăng Long đã được tiến hành bằng nhiều công nghệ khác nhau, nhưng kết quả thực tế cho thấy mặt cầu vẫn tiếp tục hỏng. Nhìn nhận về sự cố này, nhiều chuyên gia là kỹ sư xây dựng và giao thông đầu ngành cho rằng, mặt cầu Thăng Long hỏng là do “nhân tai” chứ không phải thiên tai!

Năm 2012, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã đưa dự án này vào danh sách các dự án trọng điểm trên toàn quốcphải thanh kiểm tra chất lượng.

Như vậy, sau đợt sửa chữa tạm bằng công nghệ Mỹ sắp tới đây, người tham gia giao thông sẽ phải chờ thêm vài năm nữa mới có thể hi vọng cây cầu được sửa chữa triệt để nhằm đảm bảo an toàn giao thông và tính mỹ quan, đúng như cái tên của nó.

Châu Như Quỳnh