1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Mối tình” kỳ lạ của hai người đồng chí

(Dân trí) - Hai người bạn tù, một nam một nữ, sau những năm tháng chiến tranh trở về quyết định cùng sống với nhau để chăm sóc nhau phần đời còn lại. Lạ lùng thay, “mối tình” mà bao nhiêu người cứ ngỡ là tình duyên đó, 34 năm nay vẫn đơn thuần là tình đồng chí.

Ông tên Trần Bửu, 89 tuổi, quê ở Điện Bàn; bà tên Nguyễn Thị Châu, 79 tuổi, quê ở Hiệp Đức - cùng tỉnh Quảng Nam.

 

Chúng tôi đến Trung tâm nuôi dưỡng người có công với cách mạng Đà Nẵng, tình cờ được nghe một chị điều dưỡng tại đây kể về câu chuyện của hai con người “hữu duyên” này. Trong căn phòng nhỏ là phòng riêng duy nhất ở trung tâm, hai ông bà vẫn lặng lẽ sống bên nhau những năm tháng cuối cuộc đời. Ông năm nay sức khỏe đã suy kiệt, tấm thân gầy còm chỉ còn da bọc xương gần như không thể đi lại thường xuyên được nên nằm bệt trên giường. Bà mấy tháng trước bị trượt chân ngã đến nay vẫn còn phải dùng nạng để di chuyển. Bữa cơm trưa của hai ông bà vì thế cũng phải nhờ người đưa đến. Run run đôi tay, bà mớm cho ông từng muỗng cơm như vợ chăm chồng. Dù mệt nhưng bà vẫn nở nụ cười mãn nguyện khoe hàm răng đen nhánh: “Quen rồi, hơn một nửa thời gian trong 34 năm qua, tui đều chăm ông ấy theo cách như thế”.
 
“Mối tình” kỳ lạ của hai người đồng chí - 1

Ông Bửu (phải) và bà Châu chung sống với nhau suốt 34 năm qua bằng một mối tình đồng chí kỳ lạ. (Ảnh chụp tại Trung tâm nuôi dưỡng người có công với cách mạng Đà Nẵng).

 

Mối duyên “lạ” khó dứt

 

Bà bắt đầu câu chuyện bằng giọng trầm buồn. Bà buồn không phải bởi thương số mình vất vả, mà buồn cho người đàn ông không tình máu mủ cũng chẳng nghĩa phu thê đang nằm co quắp trên giường.

 

“Trở về từ nhà tù Côn Đảo sau 4 năm bị giam cầm, ông ấy được đưa về trại thương binh Hội An, khi ấy ông là một “phế nhân” với một thân thể gầy còm sau đòn roi tra tấn, cân nặng chưa đến 22kg…”, bà nhớ lại. Thời điểm đó, bà cũng là thương binh ở trại này, hàng ngày chứng kiến cảnh ông quằn quại, vật vã vì đau đớn. Ông là người phải vào bệnh viện thường xuyên nhất của trại thương binh này và lần nào cũng “thập tử nhất sinh”.

 

Có điều bà thấy lạ, không giống như những người khác ở đây, kể cả khi ở trại và khi hấp hối trên giường bệnh, ông tịnh không có người thân tới chăm sóc. Dò hỏi, bà mới giật mình: ông tham gia cách mạng từ tuổi đôi mươi, chưa kịp lập gia đình. Anh em thì qua bom đạn người mất tích, người đã chết. “Người ta đã dám hy sinh cả tuổi xuân vì đất nước, mà giờ lại phải chịu cảnh đơn độc không ai chăm sóc như vậy. Hay là… ” - Trằn trọc mấy đêm liền, rồi một buổi tối người ta thấy bà thập thò ngoài cánh cửa phòng bệnh nơi ông nằm, trên tay là một chiếc ca mèn đựng đầy cháo nóng hổi. Sợ người ta nghĩ này nghĩ khác nên bà chỉ dám thủ thỉ nói là có người nhờ mang đến cho ông. Nhìn ông bưng bát cháo nóng hổi húp sột soạt như chưa từng được ăn mà lòng bà quặn thắt. Rồi những bát cháo cho ông cứ đều đều xuất hiện…

  

Bà ngày đêm túc trực lo lắng từ miếng ăn giấc ngủ cho ông, kể cả những việc tắm rửa vệ sinh trong những ngày bạo bệnh. Lương của bà ngày đó được chưa đến 70 đồng, lương của ông 25 đồng, không đủ nuôi hai miệng ăn. Để có tiền nuôi ông, bà làm thuê đủ thứ nghề. Ban ngày bà đi bóc tỏi thuê cho người ta ở chợ Tam Kỳ, đêm bà nhận chỉ của công ty may về làm gia công tại nhà. Gần như đêm nào cũng vậy, gần sáng bà mới được chợp mắt. “Nhìn ông còm cõi dần cũng tội. Ông đã khổ vì nước nhiều rồi, giờ hòa bình rồi mà để khổ thêm thì sao đành”, bà nghĩ như thế.

 

Cách đây hai năm, ông được chuyển về trung tâm nuôi dưỡng người có công với cách mạng Đà Nẵng theo diện neo đơn. Bà ngỡ rằng ông đã có chốn nương thân yên ổn và đã có người chăm sóc nên ở lại Tam Kỳ chứ không theo ông nữa. Nhưng về đây, ông cũng sống một mình, rồi cũng tiếp tục còm cõi dần. Duyên nợ chưa dứt, bà không đành nhìn ông cô đơn, nên cũng xin chuyển ra Trung tâm theo ông để chăm lo cho ông những ngày cuối đời.

 

Trước khi chuyển về đây, bà đã xin phép lãnh đạo trung tâm được ở chung với ông để tiện bề chăm sóc. “Lãnh đạo Trung tâm cũng ái ngại khi mới nghe đề nghị của tui. Vì tui không phải vợ con gì của ông ấy mà muốn… ở chung. Nhưng tui nói thẳng là tình đồng chí cũng đủ cho chúng tôi ở chung được rồi, cuối cùng cũng được đồng ý”, bà kể lại. Và hơn một năm nay, hai ông bà đã sống chung trong căn phòng đó.

 

Vẫn sắc son với người chồng liệt sĩ

 

Bà đã có chồng. Chồng bà trước đây cũng là bộ đội chiến đấu và hy sinh tại chiến trường Tây Nguyên chỉ sau ngày cưới hơn một năm. Từ những ngày đầu tiên bà gắn bó cuộc đời với ông Bửu ở trại thương binh, nhiều người đã nghĩ rằng người đàn bà góa này “phải lòng” ông. Có người nói bà dại dột khi ông chỉ còn là một nhúm xương 22 ký. Cho đến khi bà có mặt ở Trung tâm này cũng thế, ai cũng ngỡ rằng hai ông bà chắc là vợ chồng. Tuy nhiên, chỉ có 2 người nghĩ khác, đó là bà và ông. Bà nói như thế là đủ.

 

Dù ở chung phòng với người đàn ông khác, nhưng hai chữ “thủy chung” với chồng là điều bà luôn ghi khắc trong lòng. 34 năm kề cận bên ông Bửu để chăm sóc là chừng đó thời gian bà luôn mang theo bức di ảnh của người chồng liệt sĩ. Ngay cả trong căn phòng nhỏ của hai người ở Trung tâm này bà cũng dành một góc trên đầu giường để lập bàn thờ cho chồng. “Hàng ngày tui vẫn khấn nguyện chồng tôi giúp cho tui sức khỏe để có thể sống mà chăm sóc ông Bửu cho đến hết đời”.

 

Ông Bửu cũng hiểu điều đó nhưng thương bà nên đã không ít lần có ý khuyên bà tách ra. Bà kiên quyết không chịu. Bà nhờ ban lãnh đạo Trung tâm kê thêm một chiếc giường trong căn phòng nhỏ để cho bà nằm, và hai chiếc giường này nằm ở hai mép tường đối diện để… cách xa nhau. Bà nói rằng, dù bà hy sinh gần như nửa đời người để chăm sóc cho ông, ngày ngày lo cho ông từng miếng cơm giấc ngủ, kề cận mỗi khi ông kiệt quệ ốm đau, nhưng với bà đó vẫn là thứ tình đồng chí thiêng liêng. Hơn ba chục năm qua bà luôn trân trọng điều đó…

 

Chuyện bà quyết tâm giữ tiết hạnh với chồng dù đã “sống chung” với người đàn ông khác 34 năm qua cũng có lý do của nó. Sau một thời gian dài hoạt động chống Pháp, chồng bà cùng nhiều người được tập kết ra Bắc vào năm 1954. “Trong khi nhiều người trong này ra tập kết có thêm vợ con ngoài Bắc thì ông nhà tui vẫn ở vậy, chờ ngày được đoàn tụ cùng với tui. Nên tui cũng phải chung thủy với chồng cho tròn nghĩa vợ chồng”.

 

Tuấn Phong