1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mỗi tháng mất 1.100 tỷ đồng vì ứ đọng gia cầm

Theo Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm VN Trần Công Xuân, hiện mỗi tháng cả nước có khoảng 40 triệu gia cầm cùng 300 triệu trứng không tiêu thụ được, thiệt hại ước tính 1.140 tỷ đồng. Nếu thị trường gia cầm tiếp tục đóng băng đến hết mùa dịch (tháng 3/2006) thì tổng giá trị thiệt hại là 5.700 tỷ đồng.

Chính vì khoản tiền mất đi không nhỏ, ảnh hưởng đến 8 triệu hộ chăn nuôi gia cầm của cả nước, sáng 10/12, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm VN đã tổ chức hội thảo tại Hà Nội để tìm cách tiêu thụ sản phẩm gia cầm. Rất nhiều kế sách được đưa ra, nhưng chốt lại vẫn là phải chuyển đổi từ chăn nuôi phân tán sang tập trung, xây dựng những lò giết mổ tập trung và có kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thú y.

 

Ông Trần Công Xuân đề xuất, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kinh phí nhanh chóng xây dựng cơ sở giết mổ tập trung với lãi suất ưu đãi 0% trong 2 năm đầu. Còn trước mắt, cần xây lò mổ bán tự động để giải quyết sản phẩm tồn đọng. Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi cho rằng khoản hỗ trợ 10.000 đồng cho một gia cầm không nhiễm dịch song được người chăn nuôi tự nguyện xin tiêu hủy nên chuyển sang hỗ trợ xây dựng cơ sở thu mua gia cầm đủ tiêu chuẩn để chế biến tập trung. "Chúng ta không nên khuyến khích sử dụng nguồn kinh phí này bởi cả người chăn nuôi và nhà nước đều thiệt hại. Đó là chưa kể đến môi trường bị ô nhiễm do chôn lấp gia cầm", ông nói.

 

Một kế sách gây được sự chú ý là xây dựng thương hiệu gia cầm sạch. TS. Trần Đình Miên nói: "Đã đến lúc chúng ta phải xúc tiến quảng bá một thương hiệu sản phẩm gia cầm Việt Nam thơm, ngon, lành, sạch. Việt Nam rất có tiềm năng trong xuất khẩu mặt hàng này". Khái niệm gia cầm sạch, theo ông Miên, là loại gia cầm khoẻ mạnh, nguồn gốc rõ ràng, được kiểm soát vệ sinh thú y, giết mổ ở nơi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và được cơ quan thú y kiểm dịch.

 

Nhưng đó là những bài toán dài hơi, còn trước mắt khi chưa có lò mổ tập trung, ông Nguyễn Trọng Nhụ, một chủ trang trại nuôi 8.000 gà ở xã Lương Sơn, thành phố Thái Nguyên, đề xuất: "Nhà nước cần cho phép người kinh doanh gà được giết mổ tại nhà theo phương pháp thủ công, đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh, có sự giám sát của thú y. Nếu bây giờ cứ đòi hỏi là phải giết mổ tập trung, theo dây chuyền hiện đại thì Thái Nguyên chưa làm được, trong khi đàn gia cầm đã đến lúc phải xuất chuồng".

 

Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Sơn, Cục phó Chăn nuôi, đưa ra một thông tin khá sáng sủa đối với người chăn nuôi là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa trình Thủ tướng một số cơ chế chính sách hỗ trợ giết mổ, chế biến, bảo quản tiêu thụ thịt, trứng gia cầm. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thu mua giết mổ, trữ đông và chế biến thịt gia cầm trong thời gian từ 31/1/2006 được vay vốn với mức lãi suất 0%, thời hạn 1 năm để thu mua gia cầm với giá bình quân 10.000 đồng/kg; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với sản phẩm này.

 

Không nên tiêu hủy đàn thủy cầm

 

Trước ý kiến cho rằng tiêu huỷ toàn bộ đàn thủy cầm vì đó là nguồn lây bệnh, TS. Nguyễn Thiện, Phó tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, khẳng định: "Không nên. Chúng ta phải cảnh giác với những lời cảnh báo của WHO về một đại dịch cúm trên người, nhưng đừng vì thế mà hoang mang. Thực tế chứng minh ở đâu phát hiện, bao vây, xử lý nhanh ổ dịch thì ở đó chúng ta vẫn duy trì được đàn thuỷ cầm. Nhờ đó đến nay, cả nước vẫn còn trên 60 triệu thủy cầm. Một thực tế nữa là cho tới bây giờ các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về virus H5N1 chưa lý giải được cơ chế lây truyền của virus từ gia cầm sang người như thế nào, đặc biệt từ người sang người. Trong khi cán bộ thú y, người tiếp xúc để giải quyết ổ dịch cúm tới nay, chưa có ai tử vong hoặc bị nhiễm H5N1".

 

Theo Như Trang
VnExpress