TT-Huế:
Mỗi năm biển "ăn" 7m đất, đe dọa hàng trăm hộ dân
(Dân trí) - Trước tình trạng biển xâm thực mạnh, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân ở Phú Thuận (Phú Vang, TT-Huế), nhưng vì nhiều trở ngại, người dân bên bờ biển xã này vẫn chưa được tái định cư an toàn.
Theo ông Nguyễn Quang Dân, Phó Chủ tịch kinh tế UBND xã Phú Thuận, bờ biển của xã này bị “biển lấn” từ nhiều năm nay, nặng nhất là từ năm 2004-2009, tốc độ xâm thực biển mỗi năm từ 5-7m. Từ 2009 đến nay, do bão ít vào Huế nên xâm thực đỡ hơn nhưng cũng mất 3-5m/năm.
Trước tình trạng “biển lấn” dữ dội, xã đã nhiều lần di dời dân vào sâu bên trong đất liền. Cụ thể, năm 2010 đã di dời 40 hộ sạt lở bên biển với 182 khẩu. Năm 2011 có 17 hộ với 88 khẩu. Riêng năm 2012 có 12 hộ đã di dời trong số danh sách 20 hộ nằm sát bờ biển dưới 50m được di dời theo quyết định của tỉnh.
“Nếu cách bờ biển 55-60m thì còn khoảng 30 hộ chưa được di dời. Nếu tính từ khoảng cách 60-100 cách bờ biển bị sạt lở thì còn gần 100 hộ bị ảnh hưởng. Tổng số khẩu trong cả gần 130 hộ bị nguy hiểm này là 650, chủ yếu là ở thôn An Dương” – ông Dân cho biết.
Tuy nhiên, hiện chỉ di dời được một số ít hộ bị nguy hiểm. Các hộ còn lại tuy không bị ảnh hưởng quá trực tiếp nhưng với tốc độ biển tiến nhanh như hiện nay thì cũng phải di dời trong nay mai. Địa hình các hộ cư dân ven biển Phú Thuận là nằm trên một dãy đụn cát cao. Qua nhiều tác động của sóng, gió đã khiến các đụn cát bị khoét thành hình “hàm ếch”. Không vững do chân bị xói, từng đụn cát đổ dần khiến biển tiến gần hơn đến nhà dân.
Ông Nguyễn Phú Tùy, Chủ tịch HĐND xã Phú Thuận, tâm sự: “Do xã là nơi hẹp nhất huyện, như cái eo tỉnh Quảng Bình của đất nước vậy, nên quỹ đất không có. Nơi hẹp nhất ở xã có bề rộng từ biển đến phá chỉ 200m, đoạn rộng nhất chỉ 1km. Lúc trước đã có 1 khu tái định cư xây dựng rồi nhưng phải lấn ao hồ và đầm phá ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của bà con lắm.
Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh TT-Huế, đoạn bờ biển tại tỉnh TT-Huế đang bị nặng nhất có chiều dài khoảng 10km trong 30km bị ảnh hưởng bởi biển xâm thực. Trong đó, nghiêm trọng nhất là bờ biển xã Phú Thuận với khoảng hơn 70 hộ dân bị ảnh hưởng nặng. |
Nhưng điều nghịch lý, một số hộ dân trong diện di dời vẫn chưa muốn rời chỗ cũ. Ông Hồ Văn Lưu, trú thôn An Dương cho biết: “Nhà tui cũng thuộc diện kiên cố hóa. Ở đây lâu rồi, chừ qua chỗ mới “lạ nước lạ cái” và cũng không được hỗ trợ tiền nhiều, chỉ có 14,5 triệu từ Ủy ban tỉnh và phía Mặt trận Tổ quốc. Tiền này vừa đủ thuê xe dời nhà chứ không đủ tiền làm một phần móng nhà. Chúng tôi chờ khi nào có hỗ trợ nhà tái định cư rồi đi luôn. Biết ở đây nguy hiểm nhưng khi nào sạt lở đến gần nhà rồi mới tính”.
Hiện cũng chưa biết có thể thực hiện dự án khu tái định cư mới hay không khi tình hình kinh tế ngày càng khó khăn. Một giải pháp lâu dài hơn là làm kè biển cho đoạn bờ biển dài trên dưới 5km bị ảnh hưởng khá nặng tại Phú Thuận. Nhưng như vậy cũng phải chờ “dài hơi”, chờ có sự hỗ trợ về nguồn vốn. Và người dân lại phải sống trong cảnh âu lo, phập phồng trong nỗi nguy hiểm bị biển đe dọa ngay sát lưng nhà.
Đại Dương