1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mỗi lá cờ trên biển là một cột mốc thiêng liêng

(Dân trí) - Đối mặt với sự truy đuổi trắng trợn của các tàu Trung Quốc, ngư dân Việt Nam không hề nao núng. Ai nấy đều nhận thức sâu sắc rằng, với lá cờ đỏ sao vàng trên nóc ca bin, họ chính là những cột mốc sống thiêng liêng xác lập chủ quyền trên biển.

Trước sự truy đuổi gắt gao của các tàu Trung Quốc, các ngư dân rất lo ngại về tình hình an ninh phức tạp trên biển, đặc biệt là trước mỗi chuyến ra khơi. Ai nấy đều mong Nhà nước sớm có đối sách hợp lý, làm điểm tựa vững chắc để ngư dân yên tâm bám biển.

Từ trước đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khả thi hỗ trợ hoạt động sản xuất của ngư dân, trong đó đáng kể nhất là hỗ trợ dầu cho các tàu đánh bắt ở vùng biển xa. Đối với thành phố Đà Nẵng, năm 2012, hàng loạt chính sách ưu đãi ngư dân được triển khai. Hàng chục chủ tàu được hỗ trợ nguồn kinh phí không nhỏ để đóng tàu công suất lớn. Bên cạnh đó, đồng hành cùng ngư dân mỗi khi bám biển là Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Bộ đội Hải quân, các tàu kiểm ngư, các tàu của lực lượng tìm kiếm cứu nạn... Trước tình hình an ninh trên biển diễn biến phức tạp, các lực lượng này đã và đang triển khai nhiều phương án ngăn chặn tàu nước ngoài xâm nhập trái phép vùng biển nước ta, bảo vệ ngư dân.

Ngư dân sau chuyến biển từ Hoàng Sa trở về
Ngư dân sau chuyến biển từ Hoàng Sa trở về

Sau mỗi vụ tàu Trung Quốc gây tổn hại đến tính mạng, tài sản của ngư dân, Bộ Ngoại giao đều kịp thời lên tiếng phản đối. Cùng đó, các phương tiện thông tin đại chúng nhanh chóng bóc trần âm mưu đánh vào hoạt động sản xuất bình thường của ngư dân Việt từ phía Trung Quốc. Chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc hỗ trợ kịp thời các trường hợp bị tàu Trung Quốc gây thiệt hại.

Đồng hành, chia sẻ khó khăn với ngư dân còn có Bộ đội biên phòng (BĐBP). Qua các mạng trinh sát biển, họ hiểu hơn ai hết, an ninh trên biển đang rất phức tạp mà nguyên nhân là do phía Trung Quốc gây nên. Số liệu từ BĐBP Đà Nẵng, năm 2012, đơn vị đã phát hiện hơn 700 lượt tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển khu vực Đông Bắc Đà Nẵng, chỉ cách bờ 25-45 hải lý. BĐBP TP đã điều động 6 lượt tàu xua đuổi 50 lượt tàu cá vi phạm ra khỏi lãnh hải Việt Nam.

Trao đổi về tình hình an ninh trên biển và giải pháp bảo vệ ngư dân, Đại tá Lê Tiến Hưng, tham mưu trưởng BĐBP TP cho biết, qua mạng trinh sát và cập nhật thông tin từ nhiều nguồn, thấy rằng Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động phi pháp tại biển Đông, nhất là ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trường hợp tàu cá của ngư dân Quãng Ngãi bị họ bắn cháy ca bin ngày 20/3 vừa qua là nằm trong âm mưu gây sức ép buộc ngư dân ta rời bỏ ngư trường truyền thống, từ đó không chỉ đánh vào đời sống kinh tế của ngư mà còn ngang nhiên chiếm biển. Thời điểm hiện tại họ đang điều động nhiều tàu chiến cỡ lớn, tuần tra phi pháp, thậm chí tập trận tại vùng biển Trường Sa của Việt Nam.
 
Theo đại tá Hưng, cách tốt nhất để giữ ngư trường là ngư dân ta không do dự, nao núng trước sức ép gia tăng từ phía Trung Quốc, mà kiên cường bám trụ bằng mọi giá. Trong quá trình sản xuất trên biển, chấp hành nghiêm Luật biển Việt nam, các quy định về khai thác hải sản và Công ước Quốc tế về biển năm 1982, không xâm phạm vùng biển nước khác. Các tàu hoạt động tại vùng biển xa phối hợp chặt chẽ với BĐBP trong việc thực hiện “mật danh báo toạ độ trên biển”, liên lạc thường xuyên về đất liền. Khi có sự cố xảy ra phải bình tĩnh giải quyết, tuân thủ nghiêm ngặt sự chỉ đạo của BĐBP.

Chia sẻ khó khăn với ngư dân, ngành thuỷ sản cũng đang triển khai các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích, động viên ngư dân kiên cường bám biển. Ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, bên cạnh thực hiện tốt chính sách hỗ trợ dầu của Nhà nước đối với các tàu đánh bắt tại vùng biển xa, ngành đang triển khai việc hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu công suất lớn. Ngoài ra hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, lắp đặt trang thiết bị chuyên dụng trên tàu cá sẽ xúc tiến thường xuyên. Ông cho biết thêm, thông tin từ Hội nghị xúc tiến đầu tư vừa diễn ra tại Đà Nẵng, đối tác Nhật Bản mong muốn hợp tác đóng mới hàng nghìn tàu cá công suất cực lớn cho ngư dân miền Trung, là tin tốt lành cho ngành thuỷ sản và ngư dân.

Hỗ trợ phao cứu sinh để ngư dân yên tâm bám biển Hoàng Sa
Hỗ trợ phao cứu sinh để ngư dân yên tâm bám biển Hoàng Sa

Trước sự vây ráp, truy đuổi, thậm chí bắt bớ từ phía Trung Quốc, ngư dân Đà Nẵng không hề nao núng, trái lại ai nấy đều tỏ rõ quyết tâm bám ngư trường truyền thống bằng mọi giá. Ông Lê Văn Ninh, thuyền trưởng tàu ĐNa 90072, ông Lê Văn Chiến thuyền trưởng tàu ĐNa 90351 và nhiều thuyền trưởng khác đều cho rằng, ngư trường ấy, bao đời nay đánh bắt đã quá quen thuộc, hơn nữa rất nhiều cá. Hễ gặp gió là vào các đảo gần đó tránh trú. Chỉ mong, Nhà nước và các cơ quan chức năng làm điểm tựa vững chắc để ngư dân yên tâm bám biển. Vấn đề không kém phần quan trọng hiện nay là khẩn trương nâng đội ngũ cấp tàu cá công suất lớn, khung vỏ chắc chắn. Nguồn hỗ trợ của thành phố không nhỏ, song đóng mới tàu công suất lớn chí ít 3-3,5 tỷ đồng/chiếc, ngư dân rất khó lo liệu. Do vậy, ngoài nguồn hỗ trợ của thành phố theo quy định, các chủ tàu rất cần được vay vốn lãi suất ưu đãi, thời gian dài.

Chứng cứ tàu cá Việt Nam bị cháy nhưng Trung Quốc lại phủ nhận. (ảnh Hồng Vương)
Chứng cứ tàu cá Việt Nam bị cháy nhưng Trung Quốc lại phủ nhận. (ảnh Hồng Vương)

Bên cạnh đối mặt với vô vàn rủi ro bất trắc trên biển, ngư dân Việt Nam còn phải đương đầu với sự truy đuổi gắt gao từ các tàu Trung Quốc. Tuy vậy, ai nấy đều nhận thức sâu sắc rằng, với lá cờ đỏ sao vàng trên nóc ca bin, chính họ là những cột mốc sống thiêng liêng, xác lập chủ quyền trên biển.

Nguyễn Cầu