“Mỗi chúng ta hãy cùng nhau kiểm soát vấn đề ô nhiễm nguồn nước”

(Dân trí) - “Một lần nữa tôi tha thiết mong muốn các cơ quan chức năng và mỗi chúng ta hãy cùng nhau kiểm soát vấn đề ô nhiễm nguồn nước”- bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng nói.

Tại cuộc giao lưu trên báo Dân trí về chủ đề “Mô hình quản lý tài nguyên nước từ góc nhìn thực tiễn tiến tới phát triển bền vững vùng cư dân ven biển”, bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho biết, Luật Bảo vệ môi trường ra đời năm 1993, lần sửa đầu tiên là năm 2005, lần sửa thứ 2 năm 2014 và lần sửa thứ 3 năm 2019.

“Chúng ta hiện vẫn đang sửa cái luật đó. Theo tôi cần phải có 1 sự cải cách toàn diện, không nên sửa luật nữa mà phải có sự cải cách toàn diện cả hệ thống. Hệ thống chúng ta xây dựng trong nhiều năm qua đang bộc lộ những điểm yếu mà chúng ta đang phải trả giá rất đắt đỏ. Có lẽ đó là do cách làm luật chúng ta chưa hiệu quả khi mà sau mỗi lần sửa lại có một sự cố môi trường lớn xảy ra. Luật Bảo vệ môi trường là luật khó nhất so với các luật khác bởi tất cả mọi người dân, mọi cá nhân, đều có cơ hội vi phạm luật”- bà Lý nói.

“Mỗi chúng ta hãy cùng nhau kiểm soát vấn đề ô nhiễm nguồn nước” - 1

Bà Nguyễn Ngọc Lý tại buổi giao lưu trực tuyến (Ảnh: Quý Đoàn).

Bà Lý đặt vấn đề: Hãy làm thế nào để nước, không khí, đất của chúng ta sạch hơn? Làm thế nào để chúng ta có thể tự tin là chúng ta đang được sống trong một môi trường trong sạch? Khi người Hà Nội hiện nay mỗi sáng sớm thức dậy đều lo lắng hôm nay không khí có sạch không, nước có mùi hôi không?

“Đó là điều rất đáng lo ngại. Và câu hỏi đặt ra là việc sửa luật lúc này có thật sự mang lại hiệu quả thực tiễn nữa hay không?. Nếu tất cả chúng ta cùng tập trung suy nghĩ về vấn đề ô nhiễm nước, 5 năm ta thay đổi một chút, 10 năm ta thay đổi 1 chút thì 20 năm sau chúng ta mới có cơ hội có nước sạch để dùng. Chúng ta hãy nghĩ rằng đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân, không của riêng ai. Nếu giải quyết được ô nhiễm nước sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề khác đi kèm. Một lần nữa tôi tha thiết mong muốn các cơ quan chức năng và mỗi chúng ta hãy cùng nhau kiểm soát vấn đề ô nhiễm nguồn nước”- bà Lý tha thiết.

Trong khi đó, PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường nêu thực tế hiện nay chưa cho phép xây dựng Bộ luật Bảo vệ môi trường. Vậy nên có những vấn đề này bức xúc trong lĩnh vực này thì phải làm trước. “Dần dần chúng ta sẽ hoàn thành được những luật thành phần, thể hiện ở các chương mục cụ thể của Luật Bảo vệ môi trường. Nếu luật xây dựng chi tiết, chất lượng thì thậm chí không cần nghị định hướng dẫn nữa”-ông nói.

“Mỗi chúng ta hãy cùng nhau kiểm soát vấn đề ô nhiễm nguồn nước” - 2

Xâm nhập mặn ở sông Cửu Long đang diễn ra rất trầm trọng

Độc giả của Dân trí phản ánh diễn biến nguồn nước một vài năm gần đây cho thấy hiện tượng thiếu nước ở Đồng bằng Sông Cửu Long đã xuất hiện, nước mặn xâm nhập sâu trong đất liền có nơi tới 70km (tại thị xã Vị Thanh, Hậu Giang), gây thiếu nước sinh hoạt và cả sản xuất. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng nước của các quốc gia đều tăng lên mạnh mẽ trong những năm tới thì liệu tình trạng thiếu nước, khan hiếm nước và xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngày càng gia tăng.

Ông Tiến đánh giá, đây là câu hỏi rất thú vị nhưng đòi hỏi một nghiên cứu rất cụ thể vì biến đổi khí hậu là yếu tố khó lường và đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều lo ngại với các quốc gia.

Thực tế, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra rất trầm trọng. Mỗi mùa cạn đến những năm gần đây đều là thách thức với đời sống, sinh kế của người dân khu vực này. Nếu tình hình cứ diễn tiến như này thì hậu quả nặng nề sẽ xảy đến chắc chắn là không còn xa nữa.

Hiện nay nhiều bộ phận người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã phải sơ tán, phải ly hương để tìm nguồn sinh kế mới. Tình hình như vậy rất đáng báo động vì như vậy không còn người ở lại để lo đối phó với các diễn biến khắc nghiệt nữa.

“Giải quyết việc này phải có tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, để người dân ở hạ nguồn sông không bị biến thành nạn nhân, bị bỏ lại phía sau với nguồn nước thiếu hụt, không đảm bảo ngày càng trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, như ông cha nói, không ai cứu mình hiệu quả hơn mình tự cứu mình. Vậy thì Việt Nam cũng phải nỗ lực để đối phó với thực tế khắc nghiệt, từ việc nghiên cứu giống lúa chịu mặn, chuyển đổi mô hình sản xuất, từ trồng lúa chuyển sang nuôi trồng thủy sản…”-ông Tiến nêu quan điểm.

TK