1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tiền Giang:

Mới 10 tuổi đã được cấp gần 4 hecta đất!

Cuối năm ngoái, khi một số cán bộ địa chính ở huyện Tân Phước, Tiền Giang bị xử lý kỷ luật vì tội “bao chiếm đất”, người dân sở tại chưa kịp mừng đã lại ngạc nhiên bởi còn nhiều quan chức to hơn, bao chiếm đất nhiều hơn lại chẳng hề hấn gì.

Theo các tài liệu mà chúng tôi có được thì ông Nguyễn Thanh Liêm, đương chức Chủ tịch UBND huyện Tân Phước, từng có trong tay tổng cộng 146.124m2 đất. Trong đó ông Liêm trực tiếp đứng tên 42.696m2; vợ ông, bà Huỳnh Thị Thanh Hồng đứng tên 65.428m2. Còn lại, con trai của ông Liêm là Nguyễn Trọng Bằng (sinh năm 1985) cũng đứng tên 2 lô đất với tổng diện tích 38.000m2 khi tuổi mới lên... 10!

Tuy nhiên, đến nay gia đình ông Liêm đã sang bán hết 6 lô đất tại xã Tân Hòa Tây. Và hiện vợ chồng ông chủ tịch huyện còn đang sở hữu gần 60.000m2. Đất đai nhiều vậy nhưng trong đơn xin bán đất ngày 28/8/1998, bà Huỳnh Thị Thanh Hồng nêu lý do: “Hoàn cảnh khó khăn, không điều kiện sản xuất”.

Tương tự, trong đơn xin bán 18.000m2 đất (thửa 130) ngày 9/5/1999, Nguyễn Trọng Bằng cũng nêu: “Hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn cho nên không sản xuất được” (!). Điều đáng lưu ý là khi xem lại các hồ sơ mua bán đất của vợ, con các quan chức thì thấy hầu hết chính quyền địa phương đều xác nhận nguồn gốc đất là do Nông trường Ấp Bắc hoặc Nông trường 3-2 cấp. Trong đó có trường hợp “cấp” cho cậu bé Nguyễn Trọng Bằng khi mới 10 tuổi !

Theo phản ảnh của người dân thì khi Nông trường Ấp Bắc giải thể, có gần 3.000 ha đất của nông trường được giao về cho xã Tân Hòa Tây quản lý. Một thời gian sau, người ta thấy số đất ấy được đem cấp phát cho nhiều người từng là cán bộ của nông trường như các ông Nguyễn Thanh Liêm (lúc đó là phó chủ tịch huyện), Võ Văn Ẩn (lúc đó là chánh thanh tra huyện) và Nguyễn Văn Mẫn (lúc đó là phó văn phòng Huyện ủy Tân Phước)...

Một trường hợp khác là ông Hồ Văn Cẩm, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tân Phước, từng là Trưởng ban Khai hoang huyện Châu Thành, đứng tên 9 lô đất ở xã Hưng Thạnh và Thạnh Mỹ với diện tích 116.082m2. Ông Cẩm đã bán được 5 lô, trong đó có một lô 10.335m2 (thửa 577) hiện vẫn chưa làm xong thủ tục chuyển nhượng.

Một cán bộ nổi cộm khác là ông Nguyễn Văn Mẫn, đương chức Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phước, sở hữu tới 10 lô đất tại xã Tân Hòa Tây và một lô ở xã Phước Lập với tổng diện tích hơn 114.000m2. Theo các chứng từ còn lưu lại thì ông Mẫn đã sang bán hết 6 lô đất ở xã Tân Hòa Tây nhưng vẫn còn sở hữu hơn 57.000m2.

Một cán bộ khác sở hữu diện tích đất rất lớn là ông Huỳnh Tấn Khoa, Bí thư thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước. Theo tài liệu mà chúng tôi có được thì ông Khoa cùng vợ, con... sở hữu tới 202.461m2 đất tại nhiều xã khác nhau. Nhiều nhất là xã Thạnh Tân, nơi ông từng làm chủ tịch và bí thư xã.

Trong đó, ông Khoa trực tiếp đứng tên 73.542m2 và đã sang bán hết 21.000m2 (xã Tân Hòa Tây). Đặc biệt, ông Khoa cũng có “nhờ” con tên là Huỳnh Tấn Trạng, sinh năm 1979 đứng tên sở hữu tới 24.780m2 đất hồi anh này mới 14-15 tuổi.

Ngoài ra, còn có ông Võ Văn Ẩn, hiện là Trưởng phòng Kinh tế huyện. Được biết, ông Ẩn có 73.599m2 đất ở xã Tân Hòa Tây và Thạnh Hòa nhưng được “chẻ nhỏ” ra cho nhiều người thân cùng đứng tên. Riêng ông cũng đứng tên tới 33.145m2. Cần biết, theo quy định của Luật Đất đai 2003 thì hạn mức giao đất trồng cây hằng năm cho mỗi hộ gia đình không quá 3 ha.

Về thủ tục cấp quyền sử dụng đất ở huyện Tân Phước có thể nói là... “đơn giản” nhất nước! Chỉ cần một tờ đơn viết tay nêu lý do không có đất sản xuất thì được cấp. Đơn giản tới mức giấy giao cấp đất cũng chẳng cần ghi ngày tháng năm.

Điển hình là trường hợp của bà Huỳnh Thị Thanh Hồng, vợ ông Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Nguyễn Thanh Liêm, được Phó chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Lê Minh Hữu ký giấy cấp 17.500m2 đất tại khu vực kênh Cặp Rằn Núi (nay thuộc xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước), chỉ có con dấu và chữ ký mà không hề có số và ngày, tháng, năm cấp đất !

Hai năm sau khi cậu bé 10 tuổi Nguyễn Trọng Bằng được “cấp” tới 20.000m2 đất, ông Nguyễn Thanh Liêm (bấy giờ là Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phước) đã “nhờ” cấp dưới xác nhận khống cho con trai mình đủ điều kiện bán đất.

Cụ thể là ngày 2/8/1997, khi mới vừa 12 tuổi Nguyễn Trọng Bằng đã ký giấy bán 20.000m2 đất (thửa 191) tại xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước cho ông Lê Văn Sáu ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy. Ngày 9.5.1999, Nguyễn Trọng Bằng lại ký giấy bán 18.000m2 đất (thửa 130) tại xã Tân Hòa Tây cho ông Đoàn Văn Đức ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy.

Điều kỳ cục nhất là cả 2 lần mua bán nói trên, chính ông Liêm đã trực tiếp ký quyết định “cho phép” con trai mình được chuyển nhượng trái pháp luật. Có lẽ chính vì vậy mà trong các hợp đồng mua bán đó đã để trống phần địa chỉ và năm sinh của Nguyễn Trọng Bằng. Vậy mà tại cụm dân cư vượt lũ thị trấn Mỹ Phước vốn dành cho người dân vùng ngập lũ, Nguyễn Trọng Bằng còn "xí" được lô đất số 1 ở vị trí đẹp nhất, rộng nhất, với diện tích 251m2 nằm ngay ngã tư đường E, mặc dù Bằng còn đang đi học đại học!

Theo tố cáo của người dân thì vào giữa năm 2000, khi thi công đường nội ô thị trấn Mỹ Phước, một đơn vị trúng thầu đã hợp đồng đào lấy 40.000m3 đất mặt ruộng của 3 hộ dân nằm cặp tỉnh lộ 865 thuộc thị trấn Mỹ Phước, trong đó có đất của Huỳnh Thị Thanh Hồng (vợ Chủ tịch Nguyễn Thanh Liêm) với giá 4.000 đồng/m3. Hợp đồng nói rằng đào đất để làm hồ... nuôi cá, nhưng đến nay những cái ao khổng lồ đó vẫn chưa có... cá!

Trong khi đó ngày 8/9/2003, chính ông Liêm đã ký quyết định xử phạt ông Trần Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Trần Trân số tiền 1.250.000 đồng về "hành vi" lấy tầng đất canh tác, làm giảm độ màu mỡ của đất, vi phạm Nghị định 04 ngày 10/1/1997. Và ngày 8/11/2003, cũng chính ông Liêm đã ký quyết định xử phạt ông Phạm Hoàng Minh số tiền 1.250.000 đồng, cũng với hành vi trên ?!...

Theo Phương Hà
Báo Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm