Mở rộng hơn diện người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam
(Dân trí) - Luật Nhà ở sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua nới điều kiện, chỉ cần người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là được quyền mua nhà. Tuy nhiên, số lượng nhà được mua giới hạn ở tỷ lệ 30% số căn hộ trong 1 tòa chung cư…
Cụ thể, Điều 159 Luật Nhà ở sửa đổi quy định về đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài gồm: Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam thông qua các hình thức đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam hoặc mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở (trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ).
Quy định này mở rộng hơn diện đối tượng được mua, sở hữu nhà tại Việt Nam so với nghị quyết thí điểm việc cho người nước ngoài mua nhà năm 2008 của Quốc hội. Theo Nghị quyết này, tổ chức muốn mua nhà để bố trí cho nhân viên ở làm việc tại Việt Nam phải có giấy chứng nhận đầu tư còn thời hạn từ 1 năm trở lên.
Còn cá nhân người nước ngoài muốn mua nhà phải là các chuyên gia, có trình độ đại học trở lên, người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu, người có công đóng góp cho Việt Nam… Người đó cũng phải đảm bảo điều kiện là được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ 1 năm trở lên.
Điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của các đối tượng này được quy định chi tiết tại Điều 160 của luật.
Nếu đối tượng là nhà đầu tư dự án xây dựng nhà ở thì cần có giấy chứng nhận đầu tư, có nhà ở được xây dựng trong dự án. Nếu đối tượng là doanh nghiệp có vốn đầu tư, chi nhánh, văn phòng đại diện… tại Việt Nam thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam. Đối với nhóm đối tượng là cá nhân thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.
Thảo luận về nội dung này trong quá trình xây dựng luật Nhà ở sửa đổi, UB Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến tán thành việc mở rộng các quy định về tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà là thu hút vốn đầu tư và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định cá nhân, người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam còn quá chung chung và lỏng lẻo; không nên quy định cá nhân người nước ngoài được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam.
Ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ về đối tượng và điều kiện sở hữu nhà tại Việt Nam, cần phân loại đối tượng nhập cảnh nào, mục đích gì thì được sở hữu nhà; chỉ cho thuê nhà để ở trong thời gian lưu trú tại Việt Nam. Có thể xem xét cho các nhà đầu tư, nhà khoa học, những người có đóng góp cho sự phát triển của đất nước thì được sở hữu nhà. Mục đích sở hữu nhà để ở, nhằm hạn chế tối đa việc hình thành các phố người nước ngoài trong lãnh thổ Việt Nam như các khu cụm công nghiệp, khu kinh tế v.v... để đảm bảo an ninh, trật tự, đảm bảo quyền lợi lâu dài của đất nước và con người Việt Nam.
Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ hơn nữa về thời hạn cư trú tại Việt Nam cũng như các điều kiện hạn chế khác để tránh đầu cơ gây lũng đoạn thị trường nhà ở Việt Nam và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Ngược lại, hướng quan điểm “cởi mở” hơn lại đề nghị quy định thoáng hơn nữa, không hạn chế quyền của người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam như quyền cho thuê lại… gây mất bình đẳng với công dân Việt Nam.
Báo cáo tổng hợp của UB Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị khu vực đã không cấm người nước ngoài thì cũng nên cho quyền xây dựng nhà riêng lẻ mà không chỉ trong dự án.
Để cân đối giữa các ý kiến này, Quốc hội đã quyết định lựa chọn, thông qua quy định khống chế quyền của người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam tại Điều 161. Cụ thể, người mua nhà có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải tuân thủ các quy định.
Trước hết, các đối tượng chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.
Trường hợp người được tặng cho, được thừa kế nhà ở vượt quá số lượng nhà ở quy định trên thì chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.
Cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong Giấy chứng nhận.
Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.