1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Cán bộ và dân đua nhau phá rừng:

Mở rộng diện tích cao su, dân khốn đốn

(Dân trí) - Tây Nguyên đang chuẩn bị kế hoạch trồng mới 100.000 ha cao su vào năm 2015. Song việc mở rộng diện tích cao su đã khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở một số tỉnh lâm vào cảnh khốn đốn vì không có đất sản xuất… Đắc Nông là một trong số đó.

Theo chủ trương, tỉnh Đắc Nông sẽ trồng 10.000 ha cao su, diện tích được trồng chủ yếu ở các huyện Cư Jút, Tuy Đức và Đắc G’long. Trong đó, diện tích ở huyện Cư Jút chiếm nhiều nhất.

Hiện, tỉnh Đắc Nông đã giao cho Công ty Cổ phần cao su Đồng Phú hơn 4.000 ha và Công ty Cổ phần TNHH&TM Vĩnh An 862 ha để trồng cao su, khoanh nuôi tái sinh rừng, trong đó 2.800 ha được sử dụng trồng cao su.

Những khoảnh đất được giao cho hai công ty này trước đây thuộc địa phận quản lý rừng của các lâm trường Cư Jút. Những năm trước do việc quản lý lỏng lẻo nên hàng nghìn ha đất lâm nghiệp như này “vô chủ”, người dân di cư tự do ngang nhiên lấn chiếm xâm canh, xâm cư, có nơi đã trở thành những khu hành chính ổn định.

Tuy nhiên, từ khi có chủ trương giao đất cho các doanh nghiệp trồng cao su, những diện tích này cũng không tránh khỏi nằm trong khu quy hoạch, hàng trăm hộ dân, với hàng nghìn nhân khẩu lâm vào cảnh không đất sản xuất. Thôn Nam Tiến xã Ea Pô (huyện Cư Jút) là một trong những thôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cuả dự án này.

Cách trung tâm xã Ea Pô chừng 22 km, nhưng phải mất hơn 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được thôn Nam Tiến. Đường vào thôn này khiến người đến đây không hẹn ngày trở lại.

Vừa mới qua con đường đất mịt mù bụi, đầy dẫy ổ voi, ổ gà lại gặp ngay con đường rừng đầy đá cuội và lắm khe suối. Nói là đường chứ thực chất đây chỉ là vết mòn của các loại xe càng, xe cày của lâm tặc đi phá rừng tạo nên, đi nhiều thành quen nên mới gọi là đường.

Để tiện cho công việc, chúng tôi hỏi đến nhà Trưởng thôn Nam Tiến nhưng không một ai biết, có người bảo thôn này không có bí thư, thôn trưởng, thôn phó gì hết. Quá nỗi ngạc nhiên bởi trước khi đến đây chúng tôi đã tìm hiểu và biết thôn này được thành lập từ năm 1996, theo quyết định số 218/QĐUB của UBND huyện Cư Jút (Đắc Lắc cũ).

Thật bất ngờ, “từ ngày có dự án đến nay, bộ máy chính quyền thôn Nam Tiến đã bị huyện, xã cách chức hoặc đình chỉ hoạt động hết rồi!” (?).

Thôn Nam Tiến hiện có 161 hộ với hơn 600 nhân khẩu, hầu hết người dân ở đây là đồng bào dân tộc Mường (Thanh Hóa) di cư vào từ năm 1992, bà con nơi đây đã định canh, định cư khá ổn định, mỗi gia đình có từ 2 - 3 ha đất trồng hoa màu và trồng điều đã cho thu hoạch.

Ông Vi Văn Niêng, một người dân bị thu hồi đất bức xúc: “từ ngày quy hoạch dự án, cuộc sống của gia đình tôi bỗng chốc đi xuống. Trước đây gia đình tôi có hơn 4 ha điều trồng xen hoa màu, bình quân mỗi năm thu từ 50 - 60 triều đồng để ổn định cuộc sống.

Khi công ty Vĩnh An lấy đất chỉ đền bù 1 triệu đồng/1 ha, cây điều trên 10 năm tuổi thì chỉ được đền bù 60 nghìn đồng/cây, điều 3 - 4 năm tuổi thì chỉ có 13 - 20 nghìn đồng.

Biết rằng trước đây đất là do lâm trường quản lí nhưng vì kế sinh nhai mà chúng tôi buộc phải phát nương làm rẫy, bấy lâu nay chúng tôi sống ở đây chẳng có chuyện tranh chấp hay chính quyền ngăn cấm, thậm chí năm 2003, chính quyền xã Ea Pô cũng đã vào tận đây thu thuế nông nghiệp.

Mặc dù biết là nhà nước đã miễn thuế nông nghiệp từ năm 2003 nhưng chúng tôi vẫn đóng góp đầy đủ với hy vọng xã sẽ đứng ra làm giấy tờ đất cho chúng tôi. Giờ đây đất bị thu hồi, dân chúng tôi sống làm sao đây”!

Cách thôn Nam Tiến chừng 10 km là cụm dân cư Ba Tầng cũng thuộc xã Ea Pô, nơi đây có 72 hộ dân sinh sống nhưng đất và nhà cửa đã bị “dọn” sạch để trồng cao su.

Anh Trần Xuân Thành, một trong số 72 hộ dân nói như mếu: “Từ Phú Thọ vào đây năm 1999, vợ chồng con cái cật lực lắm mới khai hoang trồng được 2,8 ha điều, nay điều đã 8 năm tuổi, đùng một cái cơ nghiệp bị đổ xuống sông xuống biển, tiền đền bù bây giờ không đủ mua 2 sào đất để làm màu!”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đàm Quang Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Pô cho biết: trong diện quy hoạch trồng cao su, những người có đất quy hoạch chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc diện nghèo khó nên họ mới di cư vào đây để kiếm kế sinh nhai.

Bây giờ đất bị thu mà chỉ được hỗ trợ tiền khai hoang và hỗ trợ tiền chuyển nhà, tiền đền bù thì quá thấp và không được cấp đất sản xuất ở khu vực tái định cư khiến cuộc sống bà con gặp rất nhiều khó khăn, kế hoạch của xã đưa gần 200 hộ dân ra khu tái định cư mới vẫn chưa hoàn tất.

Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút khẳng định: “Những hộ có đất thu hồi trồng cao su sẽ được nhận khoán vườn cây bằng hoặc nhiều hơn diện tích đất cũ của họ, được tiếp tục sản xuất cây hoa màu khi cao su chưa khép tán. Đối với vườn điều kinh doanh, người dân có quyền giữ lại để sản xuất”. Nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Điều đã bị chặt bỏ để trồng cao su mà chẳng thấy khoán hay cấp cho dân.

Biết rằng việc trồng mới cao su ở các tỉnh Tây Nguyên là theo chủ trương của chính phủ, công tác đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất của dân để quy hoạch cho dự án là chặt chẽ, theo đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, việc thu hồi đất để trồng cao su mà tỉnh Đắc Nông đang thực hiện đã khiến cho hàng trăm hộ dân nghèo rơi vào tình cảnh khó khăn, gây hậu quả khó khắc phục.

Lẽ ra trước khi thu hồi đất, chính quyền tỉnh Đắc Nông phải tính đến việc tổ chức định canh, định cư cho người dân trong vùng quy hoạch trồng cao su không nên vì việc thực hiện dự án mà bỏ lại phía sau bao cảnh đời khốn khổ.

Bình An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm