Mô hình Sở An toàn thực phẩm của TPHCM sẽ ra sao khi sắp xếp lại bộ máy?
(Dân trí) - UBND TPHCM cho biết, việc thành lập Sở An toàn thực phẩm là một nỗ lực tháo gỡ, tìm giải pháp của địa phương trong yêu cầu cấp thiết bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân.
Ngày 9/12, UBND TPHCM đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về việc thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Lê Thành Long tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. Sau hơn 6 năm thí điểm mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm, UBND TPHCM cho rằng, việc thành lập Sở An toàn thực phẩm là việc mang tính tất yếu trong giai đoạn hiện nay.
Sở An toàn thực phẩm sẽ khắc phục được tận gốc những hạn chế của mô hình ban quản lý trước kia. Cụ thể, mô hình thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm còn gặp một số hạn chế về pháp lý, thẩm quyền, và tổ chức nhân sự.
Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn, đầu mối thống nhất tổng hợp, tham mưu và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác quản lý an toàn thực phẩm. Một cơ quan cấp sở tập trung cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cũng nói lên tầm quan trọng, nâng cao vai trò, vị thế của công tác này đối với người dân thành phố, phối hợp với các địa phương, đơn vị, tỉnh thành và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực.
Việc hình thành Sở An toàn thực phẩm cũng giúp tập trung đầu mối thanh tra, kiểm tra, tạo thuận lợi cho người dân khi chỉ có một cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cấp thành phố. Điều này tránh được sự chồng chéo, tránh tình trạng mỗi năm một cơ sở, doanh nghiệp phải chịu quá nhiều sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Nghị quyết 18-NQ/TW quy định, trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị. UBND TPHCM nhận thấy việc đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm cần có ý kiến của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, mô hình Sở An toàn thực phẩm sẽ vướng rất nhiều quy định của Luật An toàn thực phẩm, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thú y do không có quy định cho cơ quan thuộc ngành an toàn thực phẩm. UBND TPHCM nhận thấy mô hình này cần được đưa vào nghị quyết của Quốc hội để có cơ sở triển khai thực hiện, cũng như việc bổ sung các luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Quy định này nếu được thông qua sẽ tiết kiệm về thời gian, chi phí do không phải gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thành lập.
UBND TPHCM cho biết, việc thành lập Sở An toàn thực phẩm là một nỗ lực tháo gỡ, tìm giải pháp của địa phương trong yêu cầu cấp thiết bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân. Mô hình Sở An toàn thực phẩm là vì lợi ích của người dân, để cộng đồng được an tâm và an toàn sử dụng thực phẩm.
Kết quả đạt được của việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM sẽ trở thành cơ sở để Trung ương xem xét, triển khai mô hình tổ chức bộ máy cho phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của từng địa phương, tỉnh thành khác trên cả nước.
Tại phiên họp của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM chiều 4/12, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, đã thông tin về định hướng bước đầu sắp xếp lại bộ máy của địa phương. Theo đó, thành phố dự kiến nghiên cứu kết thúc nhiệm vụ Sở An toàn thực phẩm, chuyển nhiệm vụ về Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương.