1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Mô hình sinh kế mới cho người bán dâm hoàn lương

(Dân trí) - Hôm qua (13/10), tại Hòa Bình đã diễn ra Hội thảo triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cho vay vốn tạo việc làm đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV/AIDS, người cai nghiện sau ma túy, người điều trị thay thế bằng Methadone và người bán dâm hoàn lương.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành Trung ương, đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội của 15 tỉnh, một số tổ chức quốc tế và nhóm bị tổn thương.

Ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tình hình tệ nạn ma túy, mại dâm tại một số địa phương hiện nay diễn ra rất phức tạp. Lượng người sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá ngày càng cao, tội phạm ma túy ngày càng quy mô, phương thức hoạt động tinh vi và manh động, chúng sẵn sàng sử dụng vũ khí để chống lại lực lượng chức năng.

Theo ông Lập, số người nghiện ma túy trong độ tuổi lao động là rất lớn. Do đó, những người nghiện ma túy và mại dâm trong xã hội cần có những giải pháp tích cực, cụ thể để khi họ hoàn lương sẽ có được công ăn việc làm, có thu nhập ổn định và tái hòa nhập cộng đồng.

Hội thảo diễn ra với nhiều đại biểu đại diện các cơ quan ban ngành tham dự.

Hội thảo diễn ra với nhiều đại biểu đại diện các cơ quan ban ngành tham dự.

Tại Hội thảo, đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng hướng dẫn về quy trình, nghiệp vụ cho vay theo Quyết định của thủ tướng Chính phủ đối với nhóm người bị tổn thương.

Các đại biểu đã được nghe chia sẻ về mô hình sinh kế của nhóm người bị tổn thương và kết quả khảo sát về khả năng tiếp cận với nguồn tín dụng sẵn có.

Ths. Phạm Thị Hồng - Điều Phối viên Trung tâm nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển COHED - chia sẻ: “Dự án “Sáng kiến chính sách hỗ trợ hòa nhập phát triển kinh tế cho người nhiễm HIV và các nhóm dễ bị tổn thương bởi HIV/AIDS” nhằm mục tiêu tìm một sinh kế bền vững, có thu nhập ổn định cho 4 nhóm dễ bị tổn thương để họ được tái hòa nhập với cộng đồng”.

Kết quả cho thấy, gần hai năm thực hiện dự án đã có 3 Hợp tác xã tại Hải Phòng được trao giấy đăng ký kinh doanh. Hầu hết các nhóm vay vốn khi thực hiện dự án đều sử dụng vốn hiệu quả và đã hoàn vốn đầy đủ.

Hội thảo cũng có sự tham dự của đại diện các nhóm “sinh kế mới” tại Hải Phòng, hiện đang hoạt động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay trong việc làm ăn, hỗ trợ tạo việc làm.

Cụ thể, nhóm “Trường Sơn xanh” được hỗ trợ cho vay 300 triệu để thành lập Hợp tác xã, nay đã hoàn được vốn đầy đủ; nhóm “Những người bạn Đồ Sơn” nhận được hỗ trợ 170 triệu đồng thực hiện dự án “Trồng cà chua trên đất ngập mặn” đến nay cũng đã được đăng ký Hợp tác xã.

Một HTX may mặc khác với 24 máy may hoạt động liên tục, hiện thu nhập của các thành viên trong HTX ổn định trên 3 triệu đồng/ tháng. HTX “Nắng mai” chuyên hoạt động biểu diễn nghệ thuật, kịch, múa, hát và có thể tham gia biểu diễn các chương trình lớn cũng đang hoạt động rất hiệu quả. Ngoài ra, “Nhóm sóng biển Đồ Sơn” cũng đang chuẩn bị thực hiện dự án “Nuôi ong trên rừng ngập mặn”, với dự án này ong sẽ hút mật trên hoa của cây sú, vẹt trồng ven đê biển, khai thác những nguồn lực sẵn có tại địa phương.

Hoặc tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án cũng đã hỗ trợ để thành lập nhóm lau dọn vệ sinh công nghiệp, cung cấp dịch vụ vệ sinh nhà cửa, máy móc ở các khu công nghiệp. Hầu hết, những nhóm này đều có đầy đủ 4 thành phần dễ bị tổn thương theo Quyết định mà Thủ tướng Chính phủ quy định.

Giai đoạn thí điểm 2014-2016 đã phê duyệt được 15 tỉnh thành tham gia chương trình.

Giai đoạn thí điểm 2014-2016 đã phê duyệt được 15 tỉnh thành tham gia chương trình.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận và đưa ra giải pháp để triển khai hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với 4 nhóm đối tượng trên.

“Họ là nhóm người dễ bị tổn thương của xã hội, vì vậy Quyết định 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thông qua sẽ giúp cho những nhóm người này tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đó là một bước tiến mới, tin vui cho hơn 800.000 người nhiễm HIV và nhóm người bị tổn thương ở Việt Nam” - bà Phạm Thị Hồng cho biết thêm.

Tính đến nay, chương trình được triển khai thí điểm giai đoạn 2014 - 2016 và phê duyệt với 15 tỉnh tham gia, gồm: Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, TP Hà Nội, TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk, TP Cần Thơ, Hậu Giang và Bạc Liêu.

Q.Cường 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm