1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mỏ đất hiếm Lào Cai được phê duyệt là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Phạm Ngọc Triển

(Dân trí) - Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai cho biết, mỏ đất hiếm tỉnh Lào Cai nằm trong danh mục khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt.

Mỏ đất hiếm Lào Cai được phê duyệt là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia - 1

Khu vực Tân Thượng - Cam Cọn nằm trên địa bàn huyện Văn Bàn và huyện Bảo Yên là mỏ đất hiếm của tỉnh Lào Cai được Chính phủ phê duyệt nằm trong danh mục khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (Ảnh: Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai).

Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai cho biết, mỏ đất hiếm tỉnh Lào Cai nằm trong danh mục khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định số 1277 phê duyệt ngày 1/11.

Theo quyết định này toàn quốc có 93 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với 10 loại khoáng sản đã được phê duyệt, trong đó có đất hiếm.

Cụ thể, quặng bô xít (23 khu vực), đá hoa trắng (17 khu vực), cát trắng (15 khu vực); quặng titan và quặng sắt - laterit (14 khu vực), quặng cromit (3 khu vực); quặng đất hiếm, than năng lượng, quặng apatit (2 khu vực), quặng chì - kẽm (1 khu vực).

Đất hiếm (đất hiếm vỏ phong hóa) được phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại tỉnh Lào Cai là khu vực Cam Cọn - Tân Thượng, diện tích 18,90km2, có 285.000 tấn dự trữ nằm trên địa bàn huyện Bảo Yên và Văn Bàn của tỉnh Lào Cai.

Ngoài tỉnh Lào Cai, tại tỉnh Yên Bái khu vực được phê duyệt là khu vực Đồng Tâm với diện tích 29,40km2, có 160.000 tấn dự trữ thuộc đại bàn huyện Văn Yên.

Đất hiếm ở khu vực Cam Cọn - Tân Thượng ( tỉnh Lào Cai) và Đồng Tâm ( tỉnh Yên Bái) đều có thời gian dự trữ 30 năm.

Theo Quyết định số 1277 của Chính phủ, trong thời gian dự trữ của các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia nêu trên, việc quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thực hiện các dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải tuân thủ quy định của Nghị định số 51/2021 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, quy định của pháp luật về khoáng sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan công khai các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao hồ sơ khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để quản lý, bảo vệ theo quy định.

Trước đó, ngày 19/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành văn bản số 3438 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản, đất hiếm chưa khai thác.

Chủ tịch Lào Cai yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nói chung, bao gồm cả khoáng sản là đất hiếm (có mỏ xác định tại các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai).

Yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc truy quét, giải tỏa hoạt động khai thác trái phép hoặc các hoạt động đào trộm, hạ cốt nền để khai thác khoáng sản trái phép và xử lý theo đúng quy định của pháp luật (nếu có).

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu các ngành xây dựng và triển khai thực hiện quy chế phối hợp trên địa bàn và các huyện thuộc các địa phương khác nằm trong khu vực giáp ranh địa giới hành chính.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn theo quy định của pháp luật.